Du lịch nông thôn đang là làn sóng mới trên toàn cầu, kết nối con người với thiên nhiên và văn hóa. TP.HCM, với sự sáng tạo, đang tận dụng lợi thế này để phát triển một mô hình du lịch bền vững, góp phần đa dạng hóa nền kinh tế.
Mô hình du lịch nông thôn
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), du lịch nông thôn cần dựa trên những đặc trưng của vùng nông thôn như không gian mở, sự tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, và tính chất truyền thống đặc biệt của các cộng đồng địa phương.
Loại hình du lịch này phải mang tính bền vững, duy trì được bản sắc nông thôn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên. Để phát triển thành công, Wilson và các cộng sự (2001) cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các yếu tố như hỗ trợ cộng đồng, sự tham gia của chính quyền địa phương, và nguồn vốn đủ để đầu tư.
Trong Luật Du lịch 2017, loại hình du lịch nông nghiệp chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong các nội dung về tài nguyên du lịch, hoạt động du lịch hay quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia phát triển loại hình này.
Theo luật, tài nguyên du lịch được chia thành hai nhóm chính: tài nguyên tự nhiên, gồm cảnh quan thiên nhiên, yếu tố địa chất, hệ sinh thái; và tài nguyên văn hóa, gồm di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp – một phần giao thoa giữa hai nhóm tài nguyên này – lại chỉ được lồng ghép mờ nhạt trong các quy định chung, mà không có những chính sách hỗ trợ hoặc ưu đãi cụ thể.
Điều này đã tạo ra một khoảng trống pháp lý lớn, khiến các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình gặp khó khăn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp. Việc thiếu cơ chế hỗ trợ và quy định rõ ràng làm giảm sức cạnh tranh của loại hình này, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia lân cận đang đầu tư mạnh mẽ vào du lịch nông thôn. Đây là một thách thức cần được khắc phục để khai thác tiềm năng sẵn có của nông nghiệp và cộng đồng nông thôn.
Hiện trạng du lịch nông thôn tại TP.HCM
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 đã xác định du lịch sinh thái và nông nghiệp là những sản phẩm bổ trợ quan trọng, góp phần đa dạng hóa danh mục sản phẩm du lịch của thành phố.
Với lợi thế về không gian sinh thái nông nghiệp trong lòng đô thị và nông nghiệp công nghệ cao, Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này.
Các khu vực ngoại thành như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Cần Giờ đang dần trở thành những điểm đến hấp dẫn. Du khách có thể trải nghiệm các hoạt động như trải nghiệm trồng và chế biến nông sản tại Đạt Butter, hái trái cây tại làng trái cây Trung An, hoặc tham quan trung tâm triển lãm yến xào tại Cần Giờ.
Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, dựa trên giá trị văn hóa nghề làm muối của diêm dân, đang thu hút sự quan tâm lớn từ du khách trong và ngoài nước.
Những sản phẩm này không chỉ mang tính độc đáo mà còn có tiềm năng phát triển bền vững, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch cho thành phố.
Hỗ trợ người dân làm du lịch nông nghiệp
Theo bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM, các chính sách hỗ trợ đang đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích nông dân tham gia phát triển du lịch nông nghiệp. Người dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, trong đó có những khóa học hỗ trợ bởi Quyết định số 46 năm 2015. Sau khi hoàn thành khóa học, họ có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi từ trung ương và thành phố để phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn liền với du lịch.
Ngoài ra, chính sách tín dụng ưu đãi cũng tạo điều kiện cho nông dân và các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hỗ trợ đến 100% trong thời gian lên tới 7 năm, theo chính sách kích cầu đầu tư do Hội đồng Nhân dân Thành phố ban hành vào tháng 9/2023. Các quỹ hỗ trợ xã viên từ Hội Nông dân và Hội Phụ nữ cũng cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, giúp người dân có thêm nguồn lực để phát triển mô hình du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, TP.HCM đang tích cực hướng đến mục tiêu phát triển du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Những chính sách hỗ trợ không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng địa phương.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, du lịch nông thôn chính là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa con người và thiên nhiên. Với những tiềm năng và định hướng đúng đắn, đây sẽ là động lực quan trọng để TP.HCM phát triển toàn diện và bền vững hơn trong tương lai.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin