Trong nhiều năm qua, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) đã phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bản Kéo là 1 trong 16 bản của xã Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Bản được thành lập năm 1976, hiện có gần 90 hộ với dân số gần 520 người, 100% là cộng đồng dân tộc Khơ Mú. Tại bản Kéo, nghề dệt vải thổ cẩm và thêu thùa, may vá trang phục truyền thống vẫn được người dân gìn giữ trong cuộc sống hàng ngày.
Phụ nữ bản Kéo học cách dệt vải, may áo. Ảnh: Việt Hưng
Bà Vũ Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, đồng bào dân tộc Khơ Mú luôn giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, trong đó có trang phục truyền thống mang đậm nét văn hóa của mình, thể hiện tín ngưỡng, lối sống của dân tộc.
“Trước những tác động, ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa, quá trình cộng cư, nhưng người Khơ Mú ở bản Kéo vẫn trao truyền, bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa của dân tộc trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, đây là điều rất đáng quý”, bà Nhung nhận xét.
Tuy nhiên, việc bảo tồn trang phục dân tộc ở đây cũng đang gặp nhiều khó khăn. “Trước đây bản Kéo thuộc huyện, hiện tại đã nhập về thành phố theo quy hoạch, nên không thuộc diện được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi. Phần lớn người dân thuần nông, đời sống nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi giá điện nước phải trả phải theo giá thành phố, nên đây cũng là điều bất cập.
Cái khó khăn nữa là lớp người cao tuổi am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán còn lại rất ít, nếu không có sự kế thừa thì nguy cơ mai một rất cao. Việc tiếp xúc và chịu tác động từ văn hóa hiện đại cũng có sự ảnh hưởng nhất định đến lớp trẻ trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của người Khơ Mú”, bà Nhung cho biết thêm.
Ảnh: Việt Hưng
Vừa qua, Vụ Văn hóa dân tộc phối hợp với Sở VHTTDL Điện Biên tổ chức lớp tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú gắn với xây dựng nông thôn mới tại bản Kéo. Hoạt động góp phần nâng cao năng lực, ý thức tự bảo tồn, gìn giữ và phát huy các mô hình bảo tồn giá trị bộ trang phục truyền thống. Đồng thời khuyến khích đồng bào dân tộc Khơ Mú tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn trang phục nói riêng và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống nói chung.
Qua đó, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào Khơ Mú trong việc nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương theo hướng bền vững.
"Không chỉ góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo, xã Pá Khoang trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở TP. Điện Biên Phủ nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung", bà Nhung cho biết.
Nghệ nhân Ưu tú Quàng Văn Cá truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo
Là người trực tiếp hướng dẫn quy trình sản xuất, kỹ thuật trang trí họa tiết trên trang phục truyền thống người Khơ Mú tại lớp tập huấn, nghệ nhân Ưu tú Quàng Văn Cá cho rằng, trang phục của người Khơ Mú truyền thống mang nhiều ý nghĩa. Mang lên mình bộ y phục truyền thống, những chàng trai, cô gái người Khơ Mú ý thức được rằng, những chân váy thổ cẩm, tấm áo nhuộm chàm không chỉ để mặc cho đẹp, cho ấm mà còn thêm yêu truyền thống quý báu, tự hào về dân tộc.
Nghệ nhân Quàng Văn Cá cũng bày tỏ mong muốn có nhiều lớp tập huấn hơn nữa để truyền dạy, bảo ban thế hệ trẻ lòng tự hào và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình.
“Tôi mong muốn tiếp tục sưu tầm, biên soạn chắt lọc những nét tinh túy nhất của bản sắc văn hóa phi vật thể dân tộc Khơ Mú, từ đó góp phần để các giá trị, nét đẹp mang đậm "hồn cốt" văn hóa của người Khơ Mú ngày càng phát triển, lan tỏa trong cộng đồng” người nghệ nhân ưu tú này cho hay.
Khơi dậy bản sắc trang phục Khơ Mú, đánh thức du lịch cộng đồngBảo tồn trang phục người Khơ Mú ở Điện Biên gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra nguồn thu nhập cho người...
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin