Đình Lại Đà được xây dựng vào thời Lê, sau trùng tu lại vào năm 1853. Mặt đình Lại Đà quay về hướng chính Nam, trước mặt là cánh đồng, xa xa là dòng sông Đuống.

Đình Lại Đà được xây dựng vào thời Lê, sau trùng tu lại vào năm 1853. Mặt đình Lại Đà quay về hướng chính Nam, trước mặt là cánh đồng, xa xa là dòng sông Đuống.

Độc đáo di tích Quốc gia đình Lại Đà - 1Làng Lại Đà cách Hồ Gươm khoảng 6km, cách Cổ Loa 3km, gần sông Đuống. Di tích Quốc gia đình Lại Đà, tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh

Lại Đà là vùng đất màu mỡ, xưa làng là trang Cối Giang thuộc tổng Cói, vốn có nghề trồng rau cần và làm bỏng ngô nên còn gọi là Cói Cần hay Cói Bỏng để phân biệt các làng khác thuộc tổng Cói. Có câu đối ở đình nhắc tới địa danh Cối Giang này.

Làng Lại Đà có từ thời An Dương Vương, ban đầu chỉ có 4 họ: Vương, Lương, Ngô, Nguyễn không rõ từ đâu đến, dựng nhà trên một gò đất, nay gọi là Vườn Cũ.

Lại Đà có hệ thống đình, miếu, chùa và đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1989. Khu di tích đình, chùa, miếu Lại Đà với trung tâm là đình.

Theo thần phả, đình ban đầu là một ngôi đền nhỏ thờ thần Rắn, sau này thờ thành hoàng Nguyễn Hiền, trạng nguyên đầu tiên của triều Trần và là trạng nguyên trẻ nhất nước ta.

Tương truyền trước khi đi đánh Chiêm Thành, Nguyễn Hiền đã đến đền Phù Đổng xin Trời giúp. Sau được công chúa Tiên Dung âm phù thắng trận, vua Trần sắc phong cho công chúa làm phúc thần và Nguyễn Hiền cấp tiền cho làng Lại Đà lập miếu thờ.

Miếu thờ Thánh Mẫu Tiên Dung ở Lại Đà hiện nay gồm 2 nếp nhà hình “chữ Nhị” xây tường hồi bít đốc, bộ vì làm kiểu giá chiêng. Phía trước có cửa bức bàn, bên trong đặt khám gỗ chạm hình rồng và lão mai, lão cúc hoá rồng. Lồng trên bề mặt khám có 4 đại tự “Thánh cung vạn tuế”.

Nguyễn Hiền quê thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Thượng Nguyên (nay là huyện Nam Ninh, Nam Định), sinh ngày 12 tháng 3 âm lịch năm Giáp Ngọ 1234, thông minh bẩm sinh, lớn lên tài giỏi, tinh thông tam giáo. Niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16 đời vua Trần Thái Tông (tức năm Đinh Mùi 1247), ngài đã đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi. Nguyễn Hiền là người có tài đối đáp với sứ nhà Tống, khiến vua Tống phải phong vương cho vua Trần. Về chính sách nông nghiệp, ngài hiến kế đắp đê quai vạc sông Hồng. Năm Ất Hợi 1275, ngài lại dẫn quân đuổi được giặc Chiêm. Ngài từng trải qua nhiều chức quan trong triều, làm đến thượng thư bộ Công. Ngài mất ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý (1276), vua phong là thượng đẳng phúc thần, cho lập đền thờ ở quê và 31 nơi khác, trong đó có Lại Đà.

Độc đáo di tích Quốc gia đình Lại Đà - 2

Đình Lại Đà được xây dựng vào thời Lê, sau trùng tu lại vào năm 1853. Mặt đình Lại Đà quay về hướng chính nam, trước mặt là cánh đồng và xa hơn nữa là dòng sông Đuống. Cổng đình được xây với 2 trụ lớn nối liền bức tường bao quanh khu di tích, phía trong là 2 giếng tròn tượng trưng cho cặp mắt hổ, đó là nơi tụ thuỷ chứa nguồn hạnh phúc.

Đình được dựng trên đầu Hoàng Hổ, dựng theo kiểu liên hoàn. Kiến trúc đình hình chữ công. Toà đại bái 7 gian, 2 chái, có 8 hàng cột, 6 hàng chân (tổng số là 48 cột). Cột cái có chiều cao hơn 5 mét, đường kính 56 cm, cột quân đường kính 45 cm, cột hiên đường kính 35 cm. Toà Đại đình gồm 3 gian 2 chái lớn dựa trên 6 bộ vì, với các nét chạm của nghệ thuật cuối thời Lê, các đầu dư là vân xoắn, hoa lá cách điệu… Gian giữa đại bái có bức cửa võng đề bốn chữ “Nguyễn Đại vương từ” được chạm nổi rất tinh tế. Trong cùng đặt 1 ngai thờ bài vị ghi rõ: Nguyễn Đại vương thần vị và 1 nhang án, 1 sập thờ, đôi lân chầu ngai mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 và một số đồ thờ tự. Ngoài ra, trong đình còn treo nhiều hoành phi, câu đối.

Trước kia đình có sàn, lát bằng gỗ lim, theo lối tam cấp. Xung quanh đình bố trí cửa bức bàn, chấn song. Các đầu dư chạm trổ theo hình đầu rồng tinh xảo.

Mái đình Lại Đà Mái kết cấu theo theo kiểu chồng rường, lợp ngói vẩy rồng, bờ nóc chạy thẳng được soi bằng những đường chỉ chìm. Thân và bờ dải được đắp thẳng bằng những hình hoa chanh. Đầu kìm phía ngoài vuốt cong như sừng trâu, phía trong là đầu rồng cuốn thủy. Bộ vì chính làm kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, trang trí các loại vân xoắn và lá cách điệu, có niên đại từ thế kỷ XVIII.

Hậu cung có cửa khám, đặt bài vị Thành Hoàng. Trong cung đặt ngai thờ và bài vị được kê trên bệ gỗ chạm lân chầu hoa cúc mang phong cách nghệ thuật thế kỉ XVI – XVII. Trong hậu cung còn có các di vật mang phong cách nghệ thuật thế kỉ XVIII – XIX như sập thờ, bát bửu, bát hương gốm cổ Thổ Hà, đình đồng, hòm sắc, quần áo, mũ hia…, đặc biệt còn có nhiều sắc phong, hương ước, điều lệ, công ước phụng sự… Đây là bộ sưu tập có giá trị nghiên cứu về tổ chức xã hội, sinh hoạt làng xã nông thôn từ thời xa xưa….

Độc đáo di tích Quốc gia đình Lại Đà - 3Hiện nay, đình Lại Đà là một trong những ngôi đình hiếm hoi của thành phố Hà Nội có vẻ đẹp bề thế, nhưng giữ được truyền thống về đề tài, kết cấu.

Trong đình Lại Đà hiện còn giữ được 20 đạo sắc phong từ năm Khánh Đức 4 (1652) đến năm Khải Định 9 (1924).

Ghi nhớ công lao của đức thành hoàng, hàng năm vào ngày 10 và 11 tháng Ba âm lịch, dân làng Lại Đà tổ chức hội làng, với các nghi thức tế lễ, dâng hương. Sau phần lễ là phần hội. Xưa kia có cờ tướng, hát văn và hát chèo, nay còn có các hoạt động văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian…Dịp hội làng năm 2023 đúng dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 nên du khách đến dự hội làng rất đông đúc và cũng là kỉ niệm 170 năm xây dựng đình làng.

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: