Nhu cầu đi lại, mua sắm tăng cao trùng với thời điểm áp dụng quy định mới, nhiều người bỏ "thói quen" rẽ phải khi đèn đỏ, dừng chờ kéo dài khiến giao thông thành phố thêm ngột ngạt.
Theo ghi nhận của VnExpress trong tuần từ 13-17/1, một số đoạn đường trung tâm quận 1 như Tôn Đức Thắng, Công Trường Mê Linh, Lê Thánh Tôn thường xuyên ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm từ 17h đến 19h. Khu vực này tập trung nhiều khách nước ngoài đi dạo đường phố, nhiều người trong số họ lần đầu chứng kiến cảnh tắc đường, xe máy, ôtô chen nhau di chuyển.
Lea, du khách Pháp, đến TP HCM cùng chồng từ giữa tháng 1 để tận hưởng kỳ nghỉ đông. Ngày đầu đến thành phố, cô cảm thấy căng thẳng vì cảnh xe cộ đông đúc, tiếng còi inh ỏi. Từ sân bay về khách sạn lúc 17h, Lea chờ khoảng nửa tiếng mới có tài xế công nghệ nhận cuốc. "Đây là lần đầu tôi thấy cảnh tượng đường sá kẹt cứng bởi xe máy cùng ôtô", nữ du khách nói.
Lea cho hay đến ngày thứ hai cô và chồng dần quen với tiếng ồn và đông đúc của thành phố. Hai vợ chồng chủ yếu đặt taxi và đi bộ đến các địa điểm quanh trung tâm. Do đang trong kỳ nghỉ, không áp lực về thời gian, lịch trình linh hoạt, việc đợi tài xế vào giờ cao điểm không khiến cặp vợ chồng du khách cảm thấy bực bội. Theo Lea, du khách lần đầu đến TP HCM nên cài ứng dụng công nghệ và đặt xe trước 30-60 phút nếu có hẹn để tránh trường hợp giao thông làm lỡ kế hoạch.
Grant Wilson, đến từ Australia, từng du lịch Việt Nam và TP HCM nhiều lần, cho hay ấn tượng đầu tiên của ông về giao thông TP HCM là "hỗn loạn hơn tưởng tượng". Mọi người di chuyển không theo quy tắc và tiếng còi xe inh ỏi vang lên từ tứ phía.
"Tôi từng rơi vào cảnh kẹt xe nhiều lần ở TP HCM, tệ nhất là ảnh hưởng đến giờ ra sân bay", Grant nói, đồng thời cho hay kẹt xe ở TP HCM mùa mưa là "cơn ác mộng".
Nam du khách cho rằng cảnh tượng xe cộ đông đúc, ùn tắc phần nào gây tò mò, thích thú với những người lần đầu đến Việt Nam. Nếu phải trải qua hằng ngày, kẹt xe sẽ gây ức chế.
Grant nhận xét kẹt xe không chỉ có ở TP HCM mà còn là tình cảnh chung của nhiều thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc ở Việt Nam. Ông cho biết tại các thành phố ở Australia, ùn tắc thường xảy ra vào giờ cao điểm, nhưng giao thông thông suốt, không kẹt cứng.
"Ở Việt Nam, kẹt xe đôi khi đồng nghĩa với không thể di chuyển, thêm tiếng còi xe inh ỏi", Grant nói và cho biết thêm những ngày qua đã đọc nhiều thông tin về luật giao thông mới ở Việt Nam. Nam du khách hy vọng những thay đổi mới sẽ loại bỏ việc lái xe leo vỉa hè, giúp tình trạng giao thông cải thiện tích cực.
Grant gợi ý du khách có thể sử dụng xe buýt, metro ở TP HCM
Trái với nỗi ám ảnh của một số du khách, có những người lần đầu đến TP HCM lại coi cảnh kẹt xe là điều thú vị.
Ichika, đến từ Nhật Bản, thích thú ghi lại cảnh kẹt xe trên đoạn đường Tôn Đức Thắng và cho biết đây là trải nghiệm lạ lẫm với cô. Trong 5 ngày du lịch TP HCM, ngày nào nữ du khách chứng kiến cảnh ùn tắc.
"Tôi di chuyển chủ yếu bằng taxi, ôtô dường như đứng im khi qua những đoạn ùn tắc, bao quanh là biển xe máy", Ichika nói và cho biết thường gặp kẹt xe vào buổi chiều, lịch trình không bị ảnh hưởng nhiều.
Vị khách Nhật Bản cho biết các con đường trung tâm Tokyo không có tình trạng kẹt xe như ở Việt Nam. Người dân chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng. Cảnh chen chúc thường thấy nhồi nhét người ở các ga tàu điện ngầm vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều tan tầm.
Cristina, du khách Tây Ban Nha, cho biết lần đầu nhìn thấy cảnh đường phố phủ kín xe máy như ở TP HCM, cô thấy thích thú hơn là bực bội. Cảm nhận của Cristina về giao thông tại trung tâm quận 1 là quá nhiều xe máy xen lẫn ôtô đi chung đường.
"Dòng xe di chuyển liên tục không ngừng, nhiều đoạn đường kẹt cứng và thiếu đèn tín hiệu ở một số ngã tư", Cristina nói.
Nữ du khách cho hay ở Tây Ban Nha, người dân thường đi bộ, sử dụng tàu điện ngầm, xe buýt, có làn riêng cho xe đạp, ít ôtô cá nhân và hầu như vắng bóng xe máy. Các tuyến đường trong thành phố chỉ đông vào 8h và 17h. Các khung giờ khác thông thoáng và không nhiều tiếng ồn từ động cơ, còi xe như ở Việt Nam.
"Cảnh kẹt xe ôtô hầu như chỉ xảy ra ở cao tốc", Cristina nói và cho biết thêm sẽ trải nghiệm tuyến tàu điện ngầm mới ở TP HCM. Theo nữ khách Tây Ban Nha, du khách mới đến TP HCM nên đi bộ ở các điểm trung tâm bán kính 1 km, hạn chế di chuyển bằng taxi khung giờ 17-19h hoặc đặt trước một tiếng để trừ hao thời gian kẹt xe.
Anh Nguyễn Việt Đăng Khoa, quản lý vận hành Vespa A Go Go chuyên tour khám phá thành phố bằng xe máy cổ, cho biết bùng phát kẹt xe là tình hình chung của giao thông toàn thành phố từ đầu tháng 1. Các tour xe máy cũng bị ảnh hưởng, nhất là các tour đón khách khung cao điểm 17-18h.
Đa phần các khách du lịch đều xem đây là một trải nghiệm văn hóa tại Việt Nam nên gần như không có phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, những du khách di chuyển cả ngày sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi. Để tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách, công ty linh hoạt chương trình điểm đến hoặc điều chỉnh thời lượng tour. Các cung đường thay thế luôn được định sẵn trong trường hợp kẹt xe.
"Các hướng dẫn viên kiêm lái xe sẽ chủ động đi theo cung đường khác nếu thấy có dấu hiệu kẹt xe quá nặng", anh Khoa nói.
Bích Phương
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin