Những sản vật từ biển được người dân nơi đây chế biến thành những món ăn ngon đậm đà, mang đậm hương vị biển khiến du khách khó mà rời xa.
Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Thuận, lẩu ghẹ được biến tấu từ món lẩu hải sản với loại ghẹ nhàn Phan Thiết nổi tiếng thơm ngon, bổ dưỡng. Với vùng biển có đặc tính phù hợp môi trường sống của ghẹ như độ mặn, độ sâu nước từ 4 - 10m có đáy là cát (hoặc cát bùn) và nhiều xác san hô chết nên ghẹ Phan Thiết được đánh giá là rất thơm ngon.
Hương vị hòa quyện giữa nước lèo thơm ngọt và ghẹ xanh Phan Thiết. Ảnh: Nguyên Vũ.
Với loại đặc sản này, bên cạnh việc chế biến các món ghẹ đơn giản như nướng, luộc, hấp, người Phan Thiết còn biến tấu thêm các món ăn hấp dẫn như cháo ghẹ, ghẹ ram và nhất là món lẩu ghẹ đậm đà hương vị miền biển.
Ghẹ có nhiều loại như ghẹ mặt trăng, ghẹ đỏ, nhưng ngon nhất vẫn là ghẹ nhàn xanh dùng cho món lẩu ghẹ luôn được nhiều thực khách yêu thích. Theo đầu bếp một số nhà hàng hải sản ở Phan Thiết, lẩu ghẹ là món ăn hải sản miền biển dễ nấu.
Cũng món ngon từ nghẹ, người Phan Thiết làm ra tô bánh canh ghẹ. Bánh canh ghẹ không chỉ độc đáo với những sợi bánh canh trắng mềm, thon nhỏ và khác lạ so với sợi bánh canh ở những nơi khác, mà món ăn biến tấu từ món “bánh canh” quen thuộc của người Phan Thiết còn hấp dẫn, thơm ngon và tròn vị ngọt được chế biến từ thứ thịt ghẹ miền biển vùng cực Nam Trung bộ. Cộng thêm cách nêm nếm vừa miệng, rồi khi dùng chan vào tí mắm ớt, ăn kèm vài loại rau thơm… thực khách sẽ nhớ mãi hương vị đậm đà của bánh canh ghẹ Phan Thiết.
Bánh canh ghẹ Nhà Mía - Phan Thiết.
Món này ngon và hấp dẫn là do cách chế biến nước dùng. Bên cạnh các gia vị và hương liệu thông thường, bí quyết chế biến nước dùng thơm ngon, béo ngọt còn do cách lựa chọn loại ghẹ ngon xay nhuyễn làm nước cốt ghẹ, cộng thêm xương ống để nấu nước dùng. Vị hấp dẫn của những sợi bánh canh dẻo thơm kết hợp cùng nước lèo ngọt thanh, thêm phần ghẹ chắc thịt.
Đến Phan Thiết, nếu nói món ăn ngon thì cũng phải kể đến bánh mì, nhân bánh mì mang nét đặc trưng riêng của vùng biển, không thể lẫn với nơi khác. Bánh mì Phan Thiết ăn kèm chả cá hấp, chả cá chiên, xíu mại, thịt heo xá xíu, trứng luộc, da heo, bánh quai vạc... Nhân này để trong dĩa, hoặc chén, thêm nước chấm gồm nước mắm sệt, nước sốt xíu mại, hành phi, ngò, đồ chua (cà rốt, củ cải trắng ngâm chua ngọt). Tất cả tạo món bánh mì với chén nhân đầy màu sắc, rất bắt mắt thực khách.
Bánh mì chờ nằm ở góc đường Nguyễn Huệ, TP. Phan Thiết. Ảnh: Trang Hiếu.
Phan Thiết có không ít quán bánh mì vỉa hè duy trì hàng chục năm, nổi tiếng. Chẳng hạn, quán bánh mì vỉa hè hơn 20 năm, người mua phải xếp hàng chờ, được gắn với cái tên “bánh mì chờ”; quán bánh mì chấm ở Hưng Long với hơn 40 năm.
Đến Phan Thiết, du khách cũng nhớ thưởng thức cháo đậu xanh với bắp chuối chấm cá kho. Đây là món chính người miền biển “sáng tạo” ra vừa ngon, bổ dưỡng, vừa đậm đà hương vị từ những nguyên liệu sẵn có của địa phương mình.
Món ăn này có nhiều tên gọi khác nhau ở nhiều khu vực khác nhau của thành phố Phan Thiết để nói về món cháo nấu với đậu xanh nguyên vỏ, ăn với cá nục kho và bắp chuối (nụ chuối) luộc.
Phiên bản bắp chuối chấm cá nục kho. Ảnh: Nguyên Vũ.
Nét riêng nhất của món ăn này chính là “ý tưởng” của người Phan Thiết thêm món ăn kèm là bắp chuối luộc. Nghe có vẻ “nhà quê” nhưng để đúng hương vị phải chọn những bắp chuối sắp “dậy thì”, bóc từng nụ chuối bằng đầu đũa, tỉ mẩn rút từng sợi tim ra khỏi nụ rồi rửa sạch, luộc chín đều, vắt kỹ nước và xào sơ cho thơm. Nếu luộc chưa đủ chín thì chát, luộc chín quá thì mềm nhũn, hết ngon.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin