TP.HCM sẽ tổ chức Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024, nhằm kết nối các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển du lịch và nông nghiệp địa phương.
TP.HCM sắp tổ chức Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024, diễn ra từ ngày 6-10/11/2024 tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10. Đây là sự kiện quan trọng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các đơn vị giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP - sản phẩm tiêu biểu từ các tỉnh thành trên khắp cả nước, góp phần đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu.
Ông Phạm Quang Hợi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp TP.HCM, cho biết Tuần lễ OCOP là cơ hội để các doanh nghiệp và sản phẩm OCOP tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, nhà phân phối, và khách du lịch, mở rộng thị trường tại TP.HCM và vươn ra quốc tế. Đây cũng là dịp để du khách đến thành phố có thể trải nghiệm, thưởng thức, và tìm hiểu các sản phẩm nông sản độc đáo, đậm nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền.
Tuần lễ OCOP 2024 sẽ bao gồm không gian trưng bày và triển lãm đa dạng, quy mô lên tới 44 cụm gian hàng cho các sản phẩm OCOP của các tỉnh thuộc 5 vùng (Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ). Bên cạnh đó, sự kiện còn có thêm 50 gian hàng giới thiệu công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản, và một khu vực đặc biệt dành riêng để quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh Lâm Đồng.
Đến nay, đã có 32 tỉnh đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm OCOP, trong đó bao gồm 30 tỉnh đã ký kết hợp tác kinh tế - xã hội với TP.HCM, cùng hai tỉnh mới là Lào Cai và Quảng Ninh. Mỗi gian hàng đều được thiết kế mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương, giúp du khách và người dân thành phố dễ dàng nhận biết và khám phá những nét độc đáo riêng của từng vùng miền.
Một điểm nổi bật khác trong Tuần lễ OCOP 2024 là “Không gian trưng bày sản phẩm yến sào Cần Giờ” - khu vực giới thiệu các sản phẩm yến sào được chế biến từ tổ yến của huyện Cần Giờ, TP.HCM. Đây là dịp để người tiêu dùng và khách du lịch tiếp cận với sản phẩm yến có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm định chất lượng.
Lần đầu tiên, sự kiện sẽ tổ chức các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, và trình diễn bán hàng trực tuyến cùng các KOLs nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee. Hoạt động này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm OCOP một cách hiệu quả hơn đến thị trường trong và ngoài nước, tạo cơ hội để các sản phẩm nông sản của TP.HCM và các tỉnh thành khác tiếp cận người tiêu dùng theo cách hiện đại và tiện lợi.
Một hoạt động nổi bật khác là chương trình bình chọn sản phẩm OCOP tiêu biểu theo từng vùng miền. Ban tổ chức sẽ lựa chọn và tôn vinh các sản phẩm OCOP nổi bật nhất, khẳng định giá trị và chất lượng của các sản phẩm đặc trưng từ nhiều tỉnh thành, giúp du khách và người tiêu dùng yên tâm lựa chọn và trải nghiệm.
Đóng góp quan trọng cho du lịch TP.HCM
Theo Sở Du lịch TP.HCM, thành phố đã đón gần 35 triệu lượt khách, trong đó có gần 4,7 triệu lượt khách quốc tế và 31 triệu lượt khách nội địa. Nhằm khai thác tối đa tiềm năng tự nhiên và đóng góp vào sự phát triển nông thôn mới, thành phố đã đưa ra chiến lược phát triển du lịch nông thôn với mục tiêu đến năm 2025, các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ đều đạt mục tiêu có ít nhất 50% các sản phẩm du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Điều này không chỉ nâng cao giá trị văn hóa, cộng đồng mà còn gắn kết với không gian nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững cho các khu vực ngoại ô.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, thành phố đang định vị trở thành một điểm đến lễ hội. Từ đầu năm đến nay, các lễ hội, chương trình, sự kiện liên tục được diễn ra vào những ngày lễ lớn, dịp cuối tuần. Giai đoạn cuối năm, sẽ tiếp tục còn nhiều sự kiện du lịch, lễ hội khác. Sở sẽ tăng cường đưa các sản phẩm OCOP mang tính bản địa vào các lễ hội này giới thiệu, quảng bá đến du khách.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện đang diễn ra tại 56 xã thuộc năm huyện ngoại thành, thành phố đã giao Sở Du lịch chủ trì, xây dựng và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về chương trình phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Sở Nông nghiệp sẽ chủ trì, đưa ra các giải pháp và định hướng phát triển sản phẩm OCOP kết hợp với hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin