Việt Nam có 3 miền Bắc – Trung – Nam thì đã là 3 phong cách ăn uống và khẩu vị khác nhau. Đã vậy, 63 tỉnh thành mỗi nơi lại sở hữu cho mình những đặc sản nức tiếng riêng biệt. Nói về các món lẩu, bạn chắc hẳn đã từng nghe qua những cái tên khá nổi tiếng như lẩu Thái, lẩu bò, lẩu gà lá é, lẩu mắm,… Thế nhưng 4 món dưới đây lại ít được biết đến hơn vì tên gọi cực lạ, cách thưởng thức cũng chẳng lẫn với bất kỳ nơi nào.
1. Lẩu "lạp xạp"
"Lạp xạp" (cũng có nơi gọi là "lạp sạp", "lạp chạp" hay "lạp tạp") là tiếng địa phương, có nghĩa gần giống như "thập cẩm". Thông thường, cá lạp xạp là mớ cá nhỏ, đôi khi còn lẫn cả tôm, cua và các loại hải sản khác khi vừa được ngư dân đánh bắt lên bờ. Đây là món đặc sản nổi tiếng của thành phố biển Quảng Ninh, còn thường được gọi là lẩu thuyền chài.
Lẩu "lạp xạp" là một món ăn rất nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh với nguyên liệu gồm rất nhiều loại cá và hải sản khác nhau.
Một nồi lẩu lạp xạp thường gồm rất nhiều loại cá được đánh bắt theo mùa như cá dìa, cá hối, cá bò, cá mú, cá ót, cá cháp, cá gầu, cá ong,… đôi khi có lẫn cả mấy con tôm, vài con ghẹ, các loại mực. Để nấu được nồi lẩu ngon, đúng hương vị kiểu "thuyền chài" thì yếu tố đầu tiên là cá phải thật tươi. Ngoài ra, người dân thường tạo độ chua thanh cho nước lẩu bằng cách cho thêm vài miếng bứa khô. Đặc biệt, ở một số quán còn phục vụ thêm những viên chả cá ót rất cầu kỳ.
Ảnh: @keomut925.
2. Lẩu "thả"
Lẩu "thả" là món đặc sản cực kỳ nổi tiếng ở vùng biển Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận). Sự tinh tế của món ăn thể hiện qua cách trình bày khi tất cả các nguyên liệu đều bắt nguồn từ triết lý âm dương ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ ứng với 5 màu sắc trên món ăn là trắng, xanh, đen, đỏ, vàng cùng ngũ vị gồm cay, chua, mặn, đắng, ngọt.
Ảnh: @kattie_chen, @tructhanhjourney.
Tuy đây là món lẩu dân dã nhưng lại đòi hỏi sự cầu kỳ trong mọi công đoạn, cả từ lúc nấu cho đến khi thưởng thức. Về phần rau xanh, nhất định phải có hoa chuối thái nhỏ, dưa chuột và xoài xanh thái miếng. Nhân gồm thịt ba chỉ luộc, trứng tráng mỏng thái sợi cùng bánh tráng nướng giòn bẻ nhỏ. Món ăn được bày trí một cách công phu với những nguyên liệu được đặt trong bẹ hoa chuối tạo thành vòng tròn, chính giữa những bông hoa này được trang trí bằng một đĩa cá mai ướp.
Ảnh: @whattoeattodayhcmc, @thienchoco.cat, @loanavsd, @lien8884.
Chế biến món ăn đã cầu kỳ, đến cách ăn cũng phức tạp không kém. Lẩu thả có 2 cách dùng. Đầu tiên là dùng theo kiểu gỏi, tức là dùng bánh tráng cuốn cá mai với các loại rau, nhân và bún sau đó chấm kèm nước sốt đậu phộng. Cách dùng thứ hai là theo kiểu lẩu bình thường, khi đó chỉ cần "thả" những nguyên liệu vào nồi theo đúng tên gọi của nó. Một chút ngọt của cá, chút béo bùi của trứng, thêm tí rau xanh thanh mát và vị chua của me trong nước chấm sẽ khiến bạn ăn một lần nhớ mãi không quên!
Món lẩu "thả" đòi hỏi sự công phu và cầu kỳ trong mọi công đoạn từ chuẩn bị, sơ chế, bày trí nguyên liệu đến cả lúc thưởng thức.
3. Lẩu giấy
Lẩu giấy là một món ăn có tên gọi kỳ lạ xuất xứ từ đất nước Nhật Bản. Một nồi nhúng lẩu sẽ thường có thịt bò, hải sản, rau, nấm, sashimi, sushi, cá tuyết,… Tất cả các nguyên liệu được nhúng vào nồi nước lẩu được lót một lớp giấy đốt cũng không cháy có tên là washi - một loại giấy truyền thống của người Nhật với cấu trúc tương đối dày, có khả năng chống thấm và chịu nhiệt cao.
Lẩu giấy là món ăn có xuất xứ từ Nhật Bản.
Nhờ có lớp giấy này, món ăn hấp thụ bớt được lượng tạp chất và mỡ thừa trong các nguyên liệu nhúng lẩu, giúp cho phần nước dùng vẫn giữ được độ trong và đẹp mắt khi thưởng thức. Tuy nhiên, khi ăn được khoảng một lúc thì bạn nên nhắc nhân viên đổ thêm nước lẩu vào cho đỡ mặn nhé!
Lớp giấy washi không cháy còn có tác dụng hấp thụ bớt các chất mỡ, giúp phần nước dùng trong hơn.
4. Lẩu trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn thì chắc ai cũng biết rồi nhỉ, cơ mà mang đi nấu lẩu thì chắc nhiều người mới nghe qua lần đầu luôn cho xem! Để làm nên món ăn độc đáo này, không thể thiếu những nguyên liệu như hột vịt lộn, thịt bò, nước cốt dừa, me tươi, các loại nấm và một số loại rau như cải ngọt, xà lách. Nồi lẩu trứng vịt lộn mang hương vị chua cay khó cưỡng, từ lâu đã được xem là đặc sản hiếm người biết của vùng đồng bằng miền Tây sông nước.
Món lẩu trứng vịt lộn được xem là đặc sản nổi tiếng ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ - (Ảnh: Ty Ty, @kitaleekt).
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin