Nhấn mạnh tại phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, sự liên kết chặt chẽ giữa vùng ĐBSCL và TP.HCM - Trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ hàng đầu cả nước sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, vượt qua thách thức và gia tăng giá trị kinh tế cho vùng.
Diễn đàn Mekong Connect 2024 với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Sự kiện do UBND tỉnh An Giang phối hợp cùng UBND TP.HCM và trường Đại học An Giang tổ chức trong 2 ngày 17 – 18/12/2024.
Mekong Connect 2024 tiếp tục vai trò cầu nối thương mại giữa các địa phương. Thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, phát huy nội lực địa phương, kết nối với TP.HCM và cả nước.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm trong khuôn khổ diễn đàn.
Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024 với Chủ đề Nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực cho liên kết bền vững vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước diễn ra tại An Giang ngày 18/12.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, ĐBSCL - vùng đất giàu tiềm năng với những cánh đồng lúa rộng lớn, hệ sinh thái thủy sản phong phú và nguồn lao động dồi dào, là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, vùng này đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất và áp lực cạnh tranh toàn cầu.
"Tôi cho rằng sự liên kết chặt chẽ giữa ĐBSCL và TP.HCM - trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ hàng đầu của cả nước - chính là chìa khóa để vượt qua các thách thức, bắt kịp xu hướng của thế giới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận.
Để đạt được các mục tiêu, ý tưởng phát triển bền vững, Bộ trưởng đưa ra 2 nhiệm vụ trọng tâm mà ĐBSCL cần cùng tập trung nghiên cứu.
Trước tiên là chủ động đề xuất, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo hướng thí điểm các cơ chế mới, cơ chế đặc thù để triển khai các hoạt động theo chiều sâu.
Kế tiếp, ĐBSCL cần tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương trong vùng, gắn với các lĩnh vực khai thác tốt thế mạnh của vùng.
Ngoài ra Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc đổi mới sáng tạo không chỉ chính là mục tiêu mà còn là giải pháp để vùng ĐBSCL bắt kịp xu thế toàn cầu.
Việc đẩy mạnh hợp tác nội vùng, tận dụng thế mạnh từng địa phương, và khai thác tiềm năng liên kết với các trung tâm kinh tế lớn như TP. HCM sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển bền vững của toàn vùng.
Tại diễn đàn các diễn giả đã tập trung thảo luận và phân tích các thách thức, đặc biệt về huy động nguồn vốn và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Các diễn giả đã đưa ra nhiều thảo luận nhằm định hướng những giải pháp lớn xây dựng chuỗi giá trị liên kết:
Định hướng cho doanh nghiệp và nông dân nắm bắt xu hướng thị trường, ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy thương mại hóa nông sản. Hội nhập thị trường quốc tế, đẩy mạnh kết nối khu vực với nền kinh tế toàn cầu...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải khẳng định TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong liên kết vùng.
TP.HCM luôn chủ động phối hợp với các tỉnh ĐBSCL trong việc triển khai các giải pháp linh hoạt, khai thác thế mạnh từng địa phương. Liên kết vùng và liên kết ngành được xem là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM, ĐBSCL và cả nước.
Để liên kết vùng thực chất và hiệu quả hơn trong bối cảnh mới, ông Dương Ngọc Hải nhấn mạnh hai trụ cột chính, đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó hợp tác đào tạo chuyên sâu tập trung vào các lĩnh vực công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, cơ khí, điện tử, hóa học, liên kết giáo dục.
Đồng thời trao đổi kinh nghiệm và công nghệ, đặc biệt tập trung vào thế mạnh của TP.HCM trong công nghệ thông tin, kinh tế số và dịch vụ logistics.
Song song đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư các tuyến đường cao tốc, cầu cảng, sân bay hiện đại để giảm chi phí và thời gian vận chuyển. Cải thiện môi trường đầu tư bằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp.
TP.HCM cam kết sẽ giới thiệu các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại ĐBSCL, đồng hành với chính quyền địa phương trong các dự án hợp tác song phương và đa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM khẳng định, TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, thúc đẩy đột phá trong hạ tầng giao thông, hạ tầng số và phát triển nguồn nhân lực.
Điều này không chỉ tạo động lực phát triển mới cho vùng ĐBSCL mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của toàn quốc, thích ứng với biến động toàn cầu trong tương lai.
Tại Diễn đàn, các địa phương, doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ xây dựng các mối liên kết, thiết lập các mối liên hệ, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của mình, ông Hồ Văn Mừng chia sẻ.
Ông Hồ Văn Mừng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bày tỏ, Mekong Connect là Diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất vùng ĐBSCL, mang ý nghĩa hết sức tích cực vừa là hoạt động thường niên dành cho doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia.
Đây cũng là mục tiêu gắn kết, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với TPHCM. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt các cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế và tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Ba từ khóa xuyên suốt Mekong Connect 2024 là: "liên kết", "phát triển bền vững", và "cạnh tranh mới", đã đưa ra nhiều cuộc thảo luận sâu sắc và gợi mở những giải pháp hành động thực tiễn.
Mekong Connect 2024 tập trung vào ba lĩnh vực then chốt để đẩy mạnh hợp tác như kinh tế, thương mại và công nghệ. Đây là nền tảng để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, phát huy nội lực địa phương, kết nối với TP.HCM và cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 và đã trở thành diễn đàn thường niên uy tín, là cầu nối vững chắc giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM và cả nước.
Chương trình khởi nguồn từ sáng kiến liên kết vùng ABCD Mekong (An Giang-Bến Tre-Cần Thơ-Đồng Tháp), sau đó là TP.HCM và năm nay có sự đồng hành của các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang.
Sự kiện không chỉ là nơi hội tụ các ý tưởng, sáng kiến, mà còn là không gian để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững cho toàn vùng.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin