Người Việt có nhiều kiểu ăn uống lạ lắm, cũng là vì bản tính tiết kiệm, không muốn lãng phí nên ông cha từ xưa đã nghĩ ra nhiều cách ăn như thế. Cơm trộn “vét nồi” cũng là một kiểu ăn tiết kiệm điển hình. Ấy vậy lại rất ngon và đưa cơm đó.
Với người Việt ngày xưa, nhất là trong các gia đình đông con thì chẳng xa lạ gì với món cơm trộn “vét nồi” này. Thật ra không có một công thức nào cụ thể, đơn giản là lấy nồi thịt, cá, tôm, tép vừa rang/ kho/ xào ra, bỏ cơm nóng vào rồi đảo đều. Phần gia vị, phần nước thịt hơi dính, hơi cháy bám ở đáy nồi và thành nồi quyện với cơm nóng. Khi đảo xong, cơm chuyển màu vàng, thấm đẫm gia vị và độ ngọt của nước thịt, thoang thoảng mùi thịt bén, ăn không thôi cũng thấy ngon. Nhà nào đông con thì còn phải tranh nhau chia phần. Cả người lớn lẫn trẻ em đều thích kiểu ăn cơm trộn này.
Dù trông “hổ lốn” nhưng kiểu ăn cơm trộn “vét nồi” vẫn còn được ưa chuộng đến ngày nay. Mới đây, trong một hội nhóm review ẩm thực trên Facebook, bài đăng về kiểu trộn cơm này đã khiến nhiều người bồi hồi, thu hút nhiều sự chú ý của các thành viên.
Kiểu ăn cơm trộn tuổi thơ với rất nhiều người, đến nay vẫn được ưa chuộng. Nguồn: Sơn Đặn/ Thánh Riviu.
- “Nhớ ngày xưa cứ mỗi lần mẹ làm thịt kho cháy cạnh là trộn lấy trộn để, còn độn nhiều cơm để ăn được nhiều hơn cơ, nhưng cho nhiều quá thành ra nhạt toẹt”.
- “Nếu mà là thịt băm rim ý, để thừa ít thịt trong nồi trộn chung với cơm là ngon bá cháy, rồi húp canh rau muống luộc nữa”.
- “Bị chê trộn như hổ lốn nhưng mình vẫn thích ăn, nhưng giờ thi thoảng mới có dịp”.
- “Trộn với chảo sườn xào chua ngọt là đỉnh nhất, rửa đi thì phí cái nước cốt ngon dính ở đáy”.
Dù nhiều người ưa thích, nhưng đến nay món cơm trộn kiểu này cũng không xuất hiện nhiều như trước, phần là vì điều kiện kinh tế, mức tiêu chi ăn uống của con người đã cao hơn, phần là do nồi/ chảo thời nay chủ yếu là chống dính nên không có tình trạng sốt thịt bị bén như xưa nữa. Nhưng ở các vùng nông thôn thì đây vẫn là món rất được ưa chuộng.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin