Đời sống người Khơ Mú gắn với ngọn núi, con sông, con suối, với rừng ngàn. Bao nhiêu “tinh tuý” được họ gửi gắm qua từng đường kim mũi chỉ trên từng bộ y phục giàu bản sắc. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, giao lưu tiếp biến văn hoá đang diễn ra, việc giữ gìn và bảo tồn trang phục người Khơ Mú là vô cùng cấp thiết.
Di sản ngàn đời nguy cơ mai một
Cộng đồng người Khơ Mú sinh sống lâu đời ở tỉnh Điện Biên, họ cư trú chủ yếu ở huyện Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Chà, Tuần Giáo, TP Điện Biên Phủ... Người Khơ Mú còn có tên gọi là Kờ Mụ, Kmụ, Kưm Mụ, Xá Cẩu, Khạ Klẩu, Măng Cẩu, Tày Hạy. Dân tộc Khơ Mú chịu ảnh hưởng văn hoá của dân tộc Thái, song đời sống văn hoá của họ vô cùng phong phú, là một kho tàng quý báu cần được bảo tồn và phát huy.
Từ xa xưa, người Khơ Mú luôn tạo dấu ấn nhận diện đồng bào qua trang phục truyền thống. Những bộ y phục phối màu đẹp mắt không đơn thuần chỉ là quần áo mặc thường ngày, với họ, đó còn là linh hồn, cốt cách văn hoá dân tộc. Trang phục truyền thống chính là di sản từ quá khứ để lại cho hậu thế. Mỗi bộ trang phục của người Khơ Mú là tổng hoà nhiều yếu tố thủ công, màu sắc, câu chuyện văn hoá, lịch sử, dân gian… Thông qua trang phục phản ánh được nhân sinh quan, văn hoá tín ngưỡng của đồng bào Khơ Mú.
Trang phục truyền thống nữ dân tộc Khơ Mú có nhiều điểm tương đồng so với trang phục phụ nữ người Thái, song vẫn có nét riêng biệt để nhận diện. Ảnh: Giáp Văn Dương
Thực tế cho thấy, xã hội ngày càng phát triển, giao lưu kinh tế - văn hoá tác động không nhỏ đến tập tục truyền thống của người Khơ Mú. Nét đẹp văn hoá trang phục dân tộc Khơ Mú đã và đang đứng trước nguy cơ mai một, pha tạp. Nhiều nơi số lượng người trẻ biết may trang phục Khơ Mú rất ít, hoặc nếu có cũng không mặn mà do thời gian hoàn thiện trang phục qua nhiều công đoạn, cần nhiều thời gian.
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đã ban hành Quyết định số 2506/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên gắn với xây dựng nông thôn mới.
Việc tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ triển khai các nội dung gồm: Khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo (xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), những kết quả đạt được, khó khăn và hạn chế làm cơ sở lựa chọn địa điểm, xây dựng nội dung Kế hoạch. Qua đó khơi dậy các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Khơ Mú gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Trang phục truyền thống chính là di sản ngàn đời của người Khơ Mú. Những tháng cuối năm, về bản Kéo ghé thăm những ngôi nhà sàn của người Khơ Mú, được nghe chuyện kể về quá trình làm ra những bộ y phục truyền thống, về thực trạng, về ước vọng gìn giữ nét đẹp trang phục truyền thống tới muôn đời sau.
Văn hoá trang phục: Giao thoa và khác biệt
Nằm ngoài vùng lòng chảo Mường Thanh, bản Kéo được thành lập từ năm 1976, là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên. Bản Kéo mang nhiều giá trị bản sắc văn hoá độc đáo, đặc trưng của người Khơ Mú. Tại bản Kéo, nghề thêu thùa, dệt vải thổ cẩm và may trang phục truyền thống vẫn được người dân lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Các cô gái Khơ Mú vẫn luôn được các mẹ, các bà gửi gắm sự khéo léo qua những lần truyền dạy thêu thùa. Ảnh: Giáp Văn Dương
Ghé thăm bản Kéo, du khách không khó để bắt gặp hình ảnh thiếu nữ Khơ Mú tươi cười rạng rỡ trong trang phục truyền thống. Đây là điều mà một số bạn trẻ, thanh niên thuộc một vài nhóm người dân tộc thiếu số e ngại. Nhiều trai làng, gái bản sau thời gian xuống phố đi học, đi làm lại thiếu tự tin khi mặc trang phục dân tộc trước đám đông. Một số nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, tết, khiến trang phục truyền thống không còn phổ biến, thân thuộc trong đời sống thường nhật.
Dưới mái nhà sàn, các nghệ nhân người Khơ Mú vẫn miệt mài thêu thùa, may vá trên tấm vải nhuộm chàm. Các nghệ nhân cho biết, trang phục dân tộc của phụ nữ Khơ Mú gồm khăn piêu, áo cóm đen, váy đen. Thoạt nhìn có thể thấy khăn piêu - khăn đội đầu (hưm pông) của họ gần giống với khăn piêu Thái. Tuy nhiên, đó là sự giao thoa văn hoá vùng miền, khăn piêu người Khơ Mú có sự khác biệt với những đường chỉ viền xanh, viền đỏ giản đơn hơn. Những hoa văn trên khăn đội đầu của người Khơ Mú được thêu tinh tế, khéo léo, hoạ tiết sắp xếp theo bố cục rất chặt chẽ. Hai đầu khăn piêu của họ được đính thêm những sợi tua rua và vải hoa màu.
Khăn đội đầu của người Khơ Mú được làm từ vải mộc nhuộm chàm. Mỗi chiếc khăn thường dài khoảng 2m, ngang rộng 38 - 40cm, kích thước còn tùy theo khổ vải dệt. Vào những dịp lễ hội, phụ nữ Khơ Mú sẽ quấn loại khăn có thêu hoa văn một mặt.
Theo các nghệ nhân người Khơ Mú, cách đội khăn piêu của họ khác biệt hoàn toàn với người Thái. Phụ nữ Khơ Mú đội khăn piêu quấn chéo trên đỉnh đầu, người già thì đội thành hình mũ chỏm phía sau. Trước khi đội khăn lên, chị em sẽ búi tọc gọn gàng và dùng thêm cả độn tóc cho đẹp hơn.
Ngày thường đã mang nét đẹp của bản sắc văn hoá, tới ngày lễ, ngày hội trang phục truyền thống của phụ nữ Khơ Mú càng thêm ấn tượng. Hoà vào những tiếng khèn, tiếng sáo gọi mời, những chiếc váy sắc màu cùng xoay theo điệu múa.
Áo cóm đen - nét duyên y phục Khơ Mú
Áo của người phụ nữ Khơ Mú thường là màu đen. Chiếc cổ áo được may theo hình chữ V, viền được may bằng vải thổ cẩm. Tấm thổ cẩm đáp trước vạt áo được thêu hoa văn rực rỡ, đây là một trong những đặc điểm không thể thiếu làm nên dấu ấn riêng cho trang phục Khơ Mú.
Người phụ nữ Khơ Mú càng duyên dáng hơn với chiếc áo cóm đen, dài đến eo. Dọc hai bên áo cóm sẽ có bộ giải hình mặt trời tròn và khuyết, áo còn đính những đồng tiền bạc, những hạt ngọc nhiều màu sắc. Mỗi chi tiết không chỉ để trang trí cho đẹp, cho bắt mắt mà còn thể hiện mong ước cuộc sống ấm no, phồn thịnh.
Những chiếc váy ống hẹp của người Khơ Mú được làm từ vải đen. Thân váy và gấu váy được thêu hoạ tiết. Người phụ nữ vẫn tảo tần với công việc đồng áng mỗi ngày nên khi làm y phục, độ dài của váy thường chỉ đến bắp chân để thuận tiện hơn.
Tỉnh Điện Biên đang khuyến khích người dân Khơ Mú tham gia bảo tồn trang phục. Ảnh: Giáp Văn Dương
Về trang phục nam của người Khơ Mú khá đơn giản, không cầu kỳ, gồm có áo, quần được may bằng vải bông nhuộm chàm. Đàn ông người Khơ Mú thường mặc áo dài màu đen, đối với người già sẽ đội mũ nồi, người trẻ sẽ mặc áo ngắn có khuy bằng vải đen.
Các cô gái Khơ Mú vẫn luôn được các mẹ, các bà gửi gắm sự khéo léo qua những lần truyền dạy thêu thùa. Mang lên mình bộ y phục truyền thống, những chàng trai, cô gái người Khơ Mú ý thức được rằng, những chân váy thổ cẩm, tấm áo nhuộm chàm không chỉ để mặc cho đẹp, cho ấm mà còn thêm yêu truyền thống quý báu, tự hào về dân tộc.
Trong bối cảnh hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, trang phục các dân tộc nói chung và người Khơ Mú nói riêng đang có sự biến đổi và thay đổi thị hiếu thẩm mỹ. Do đó, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá trang phục truyền thống là yêu cầu cấp thiết. Ngoài ra, việc bảo tồn trang phục truyền thống còn góp phần quảng bá các điểm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin