Rời bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn, chàng thạc sĩ luật mang theo khát vọng và hoài bão lớn về quê làm nông dân với mong muốn đem lại sự thay đổi cho cộng đồng. Đối với anh, “trở về” không có nghĩa là từ bỏ, mà là xây dựng lại và nâng tầm giá trị cho làng quê.
Rời vùng an toàn ở tuổi 25 đầy nhiệt huyết, kiến tạo hợp tác xã kiểu mới
Trong thời đại mà sự nghiệp, thành tựu và vị trí xã hội được xem như thước đo thành công, câu chuyện về chàng trai trẻ Trầm Minh Thuần (31 tuổi, quê Trà Vinh) bỏ công việc an toàn về quê để xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới, tạo ra giá trị bền vững trên chính mảnh đất quê hương, trở nên đầy cảm hứng.
Tốt nghiệp thạc sĩ luật, anh Thuần từng có một công việc ổn định với mức lương đáng mơ ước, một tương lai đầy triển vọng.
Anh Thuần (trái) cùng nông dân thăm cánh đồng lúa trong HTX. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, sau 2 năm làm việc, chàng thạc sĩ luật đã từ bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn, mang theo khát vọng và hoài bão lớn, trở thành người nông dân trẻ tiêu biểu với mong muốn đem lại sự thay đổi cho cộng đồng trên mảnh đất quê hương xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tình Trà Vinh.
Lý do từ bỏ công việc ổn định, anh Thuần chia sẻ: “Trong lúc tham gia công tác, bản thân nhận thấy công việc hiện tại chưa phát huy tối đa được sức trẻ và sự sáng tạo của mình, thêm vào đó là bản thân thường xuyên được tiếp xúc với người nông dân tại địa phương, nhận thấy nhiều câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa luôn xảy ra,... Từ những nguyên nhân đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định nghỉ việc để về khởi nghiệp tại quê nhà”.
Quyết định từ bỏ tất cả để về quê lập nghiệp là một bước đi đầy táo bạo và không ít áp lực. Lúc đầu gia đình anh liên tục khuyên ngăn, vận động làm thêm một thời gian nữa để trau dồi thêm kinh nghiệm. Đồng thời, nhiều bạn bè cũng cho ý kiến về việc rời vùng an toàn ra lập nghiệp khi còn trẻ như vậy rất rủi ro.
Nhà xưởng của HTX kiểu mới. Ảnh: NVCC
Trước bao ánh nhìn ngờ vực, anh Thuần đã rời bỏ văn phòng sáng đèn để trở về cánh đồng bạt ngàn. Trên mảnh đất quê hương ấy, anh quyết định xây dựng một mô hình hợp tác xã kiểu mới ở tuổi 25 đầy khát vọng. HTX kiểu mới của anh Thuần không chỉ sản xuất nông sản mà còn truyền tải câu chuyện, bản sắc và niềm tự hào quê hương.
Không giống với những HTX truyền thống được bao cấp toàn bộ bởi Nhà nước, HTX kiểu mới được vận hành như doanh nghiệp, độc lập phát triển kinh tế và chăm lo cho thành viên, cùng nhau phát triển kinh tế tại địa phương.
“Việc bản thân tôi chọn lập nghiệp bằng mô hình HTX kiểu mới tại địa phương là vô cùng mới mẻ vào giai đoạn đó. Mô hình HTX kiểu mới có nhiều thay đổi, đột phá và giúp cho người trẻ có thể vận dụng được nguồn lực của tập thể, chính sách ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể hiện nay”, anh Thuần nói.
Tuy nhiên không có con đường khởi nghiệp nào trải đầy hoa hồng, hành trình của anh nông dân trẻ cũng vậy, đầy chông gai.
Những ngày đầu, anh phải đối mặt với sự nghi ngờ, do dự từ chính những người nông dân khi anh Thuần đi vận động thành lập hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp. Họ quen với cách làm cũ, ngại thay đổi, và việc chấp nhận một người trẻ, với các phương pháp mới mẻ là điều không hề dễ.
Anh Thuần kể: "Lúc đó gia đình có 20ha diện tích đất trồng lúa. Tôi vận động thêm 140ha của 51 xã viên thành lập hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp. Mặc dù rất khó khăn nhưng tôi vẫn kiên trì thuyết phục”.
Theo anh, HTX sẽ xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, đứng ra mua lúa giống, phân, thuốc với giá thấp hơn thị trường giao cho xã viên. Sau đó hỗ trợ kỹ thuật canh tác và thu mua lúa rồi đem đi xay xát, đóng bao, xây dựng thương hiệu gạo bán ra ngoài.
Anh Thuần (thứ 2 từ phải qua) cùng vô số những bằng khen, giải thưởng nông dân trẻ xuất sắc. Ảnh: NVCC
Việc này giúp xã viên không chỉ giảm được nhiều chi phí đầu vào mà còn không cần lo về đầu ra. Ngoài ra, các xã viên còn được chia lợi nhuận hàng năm theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã cùng các số chính sách mà ngành chức năng địa phương hỗ trợ.
“Sau 4 năm hoạt động, hợp tác xã tăng lên 72 xã viên với tổng diện tích là 220ha. Trong đó, có 20ha ở xã Đông Xuân, huyện Duyên Hải làm mô hình lúa - tôm 1 năm/vụ”, anh Thuần chia sẻ niềm vui.
Chinh phục niềm tin cộng đồng và khát vọng tương lai
Anh Thuần cũng cho biết, từ những ngày đầu tiên, từng chút một, các nông dân trong vùng bắt đầu cảm nhận rõ lợi ích từ mô hình mới từ năng suất tăng lên, chi phí được tối ưu hóa, và sản phẩm bán ra với giá trị cao hơn nhờ thương hiệu được xây dựng bài bản.
Hợp tác xã của anh không chỉ giúp tăng thu nhập cho các xã viên mà còn thúc đẩy sản xuất sạch, bảo vệ tài nguyên đất và nước, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường. Đối với anh Thuần, đây không chỉ là một mô hình kinh doanh, mà còn là sứ mệnh góp phần bảo tồn và phát triển quê hương một cách bền vững.
Anh Thuần giới thiệu gạo của HTX với du khách tại Hội chợ. Ảnh: NVCC
“Việc có thể áp dụng công nghệ, các mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử đã giúp cho một HTX ở vùng quê nghèo khó vẫn có thể bán hàng cho khách hàng toàn quốc, giúp HTX xây dựng được thương hiệu gạo cho quê hương, đạt nhiều giải thưởng cao quý về về gạo ngon toàn quốc”, anh Thuần chia sẻ.
Hiện các xã viên đang gieo sạ các giống lúa như ST 25, OM 18, OM 5451. Trong đó vụ lúa hè thu 2024 vừa qua, năng suất lúa đạt từ 6 - 7,5 tấn/ha, cao hơn năm 2023. Với giá khoảng 8.000 đồng/kg, sau khi trừ vốn khoảng 6.800 đồng/kg, người dân lời khoảng 1.200 đồng/kg.
Sau khi vượt qua giai đoạn chông gai vào thời điểm ban đầu, anh Thuần đã tạo được niềm tin không chỉ với nông dân địa phương mà còn nhận được tin tưởng của các cơ quan ban ngành trong tỉnh. Cụ thể trong quá trình vận hành phát triển hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, anh Thuần đã nhận được hỗ trợ các từ các chính sách của Nhà nước từ kinh phí, vật tư, máy móc, đất thuê làm trụ sở không thu tiền sử dụng đất,...
Những hiểu biết pháp lý giúp anh Thuần không chỉ bảo vệ hợp tác xã trước các rủi ro mà còn tạo dựng niềm tin vững chắc với người dân quê hương, các xã viên.
Theo anh Thuần, lợi nhuận của HTX nông nghiệp Long Hiệp mang lại cho xã viên tăng lên từng năm. Ảnh: NVCC
Đến nay, sản phẩm gạo Hạt Ngọc Rồng của HTX nông nghiệp Long Hiệp đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là thành quả đạt được sau những năm anh Thuần tìm tòi, nâng tầm chất lượng gạo cho HTX.
Theo anh Thuần, lợi nhuận của HTX nông nghiệp Long Hiệp mang lại cho xã viên tăng lên từng năm, với 2023 là 1,1 tỷ đồng, 2024 là 1,4 tỷ đồng.
Nỗ lực của anh Thuần đã được ghi nhận và anh được vinh danh là một trong những nông dân trẻ xuất sắc không chỉ ở địa phương mà trên toàn quốc. Anh là người trẻ tuổi nhất trong 63 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Trước đó, năm 2020, anh Thuần được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của và năm 2021 đạt danh hiệu Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc.
Về định hướng phát triển hợp tác xã trong thời gian tới, anh Thuần cho biết sẽ đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, công nghệ như mua máy bay không người lái (drone) để làm dịch vụ phun thuốc, bón phân cho xã viên.
Trong giai đoạn 2025-2030, sẽ cố gắng tăng thêm 50% diện tích vùng trồng lúa cho HTX, cùng với đó là tăng sản lượng bao tiêu, hướng tới xuất khẩu.
Anh Thuần đã chứng minh rằng quay về quê hương không phải là một bước lùi, mà là một cơ hội để tạo nên điều vĩ đại hơn. Anh đã thổi một làn gió mới vào làng quê yên bình, giúp người dân không chỉ tăng thu nhập mà còn thêm tự hào về quê hương mình. Sự thành công của anh là minh chứng cho sức mạnh của lòng kiên trì, của khát vọng và niềm tin rằng dù ở đâu, bất cứ ai cũng có thể tạo ra giá trị nếu đủ đam mê và dũng cảm.
Câu chuyện của anh là nguồn cảm hứng cho những người trẻ khác, là minh chứng rằng sự trở về không chỉ là quay lại một nơi đã từng gắn bó, mà là hành trình khởi tạo tương lai, nơi quê hương trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Biến thứ bỏ đi thành sản phẩm xuất khẩu, anh CEO giúp nông dân tăng thu nhậpThứ nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi, bất ngờ được anh chàng làm nghề bất động sản biến thành sản phẩm thời trang...
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin