Bất chấp thời tiết nóng, oi bức và cảnh báo về sự quá tải trong các ngày cuối tuần, ngày 12/11, theo ghi nhận của Tạp chí Du lịch TP HCM người dân vẫn háo hức tới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để chiêm ngưỡng và check in.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới nằm ở Đại lộ Thăng Long (phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là công trình được Bộ Quốc phòng xây dựng trên diện tích hơn 386.600m2. Tổng mức đầu tư công trình khoảng 2.500 tỷ đồng. Bảo tàng được xây dựng với thiết kế hiện đại, nổi bật với tòa tháp Chiến thắng cao 45 m ở sân trước. Khối nhà chính có 4 tầng nổi, một tầng trệt.
Khu trưng bày hiện vật ngoài trời với nhiều xe tăng, máy bay… thu hút sự quan tâm của khách ngay khi bước vào bảo tàng.
Không gian trưng bày bên trong bảo tàng được chia làm 6 chủ đề: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Bảo vệ Độc lập dân tộc từ năm 939 đến năm 1858; Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc từ năm 1858 - 1945; Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 - 1954; Cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975; Xây dựng và bảo vệ đất nước sau 1975 đến nay.
Hiện, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều khí tài quân sự. Có 4 bảo vật quốc gia gồm máy bay tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324, MiG-21 mang số hiệu 5121, xe tăng T-54B mang số hiệu 843 và Bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng giúp du khách hiểu hơn về lịch sử dân tộc.
Có mặt tại bảo tàng vào ngày 12/11, bác Nguyễn Văn Hùng, quê Vũ Thư, Thái Bình cùng đoàn cựu chiến binh địa phương thuê xe lên Hà Nội để thăm quan bảo tàng cho biết mặc dù thời tiết nóng và đông, nhưng rất xúc động khi được xem lại lịch sử quân đội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. "Không gian trưng bày ấn tượng. Nhìn các hiện vật được trưng bày làm tôi nhớ đến những kỷ niệm thời mình còn trong quân ngũ", bác Hùng xúc động chia sẻ.
Nhiều hiện vật quý giá khiến người xem xúc động và tự hào về lịch sử dân tộc.
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, chị đến bảo tàng vào đầu giờ chiều ngày 12/11, thời điểm chị có mặt, du khách rất đông. Chị Nguyệt cho hay cảm nhận của chị về bảo tàng là sự hiện đại. Nơi đây không chỉ là công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.
Đặc biệt, bảo tàng áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp với các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh và hơn 60 video clip giới thiệu về chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới.
“Đây là dịp để tôi hiểu thêm về lịch sử dân tộc. Đứng trước những hiện vật tôi rất xúc động trước si hi sinh và tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc của thế hệ cha anh. Tôi cũng thấy ý thức hơn về trách nhiệm của mình với tương lai của đất nước", chị Nguyệt chia sẻ cảm xúc.
Các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.
Tuy nhiên, theo chị Nguyệt, do lượng người đổ về bảo tàng quá đông nên đã gây ra nhiều hình ảnh không đẹp. Nhiều khách nhí nô đùa, chạy nhảy khắp nơi, trèo lên cả hiện vật. Tình trạng chen lấn, xô đẩy do quá tải cũng diễn ra.
Nhiều du khách cho biết do quá đông nên không có không gian và tâm trí để ngắm nhìn và tìm hiểu về hiện vật. Theo chị Nguyệt những ngày tới cần đẩy mạnh hơn các hoạt động truyền thông với du khách, bảo tàng cũng cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể hơn để tránh những tình trạng đáng tiếc đang xảy ra.
Việc quá đông du khách khiến bảo tàng rơi vào hiện tượng quá tải. Ảnh chụp chiều ngày 12/11.
Hiện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ thứ 2 và thứ 6). Bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí từ nay tới hết tháng 12/2024. Sau khi hết thời gian vào cửa miễn phí, giá vé dự kiến người lớn là 40.000 đồng; người già, học sinh, sinh viên là 20.000 đồng; bộ đội, cựu chiến binh sẽ được miễn phí.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin