Nói đến du lịch cộng đồng có nghĩa là “chạm” vào các giá trị văn hóa trong cuộc sống thường ngày của người dân, vì nguyên tắc của loại hình du lịch này là phải mang tính chân thật.

Nói đến du lịch cộng đồng có nghĩa là “chạm” vào các giá trị văn hóa trong cuộc sống thường ngày của người dân, vì nguyên tắc của loại hình du lịch này là phải mang tính chân thật.

Khó khăn trong phát triển du lịch ở Thiềng Liềng

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã dần đi vào ổn định, lượng du khách đến Thiềng Liềng tăng trưởng khả quan. Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Du lịch Dịch vụ Thương mại Thiềng Liềng, cho biết ban đầu, du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 13 hộ tham gia, nay số lượng đã lên 22 hộ cùng với 24 điểm đến cho du khách tham quan, khám phá.

Theo ước tính, lượng khách đến ấp đảo Thiềng Liềng cho đến nay là khoảng 5.000 lượt với doanh thu gần 1 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng khích lệ nhưng nhiều người cho rằng, vẫn chưa xứng với tiềm năng du lịch của du lịch của ấp đảo. "Lượng khách đến chưa nhiều do điều kiện đi lại còn khó khăn", chị Tuyết cho biết.

Du lịch cộng đồng chỉ là yếu tố cộng thêm, không thể thay thế sinh kế chính - 1

Du khách hào hứng xem “đua bạch tuộc” ở Thiềng Liềng

Vốn là đảo trong đảo, việc tiếp cận với điểm du lịch này là không hề dễ dàng. Từ trung tâm TP.HCM, du khách phải qua phà Bình Khánh đến bến Tắc Suất ở thị trấn Cần Thạnh, đi đò đến xã Thạnh An rồi thuê ca-nô hoặc vỏ lãi băng qua sông Lòng Tàu mới tới được Thiềng Liềng.

Nếu thuận lợi đến phà gặp phà, đến đò gặp đò thì nhanh nhất cũng mất hơn 3 giờ đồng hồ. Nhưng đò từ trung tâm xã Thạnh An sang ấp Thiềng Liềng chủ yếu để phục vụ học sinh, chưa có tuyến riêng dành cho khách du lịch, nên không hoạt động vào ngày cuối tuần. Do đó, du khách phải đi ca-nô từ xã Lý Nhơn sang với chi phí khá cao (khoảng 2-3 triệu/1 chuyến) hoặc thuê vỏ lãi của người dân bản địa (khoảng 2-500.000 đồng) nhưng vỏ lãi hiện chưa được cấp phép để chở khách.

Du lịch cộng đồng chỉ là yếu tố cộng thêm, không thể thay thế sinh kế chính - 2

Cung đường hiking xanh mát

Hiện nay, HTX cũng đã phối hợp với các đơn vị lữ hành để cung cấp tour du lịch cho khách với phương tiện di chuyển bằng ca nô, tàu cao tốc. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển lại “đội” lên khá cao, ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. “Lượng khách bán qua các công ty lữ hành không đều, do họ sẽ có sự so sánh giữa giá đi Thiềng Liềng và các tỉnh miền Tây. Do là ấp đảo, qua hai lần đò hoặc ca nô thì chi phí sẽ cao so với đi các tỉnh lân cận”, chị Tuyết nói.

Du lịch cộng đồng chỉ là yếu tố cộng thêm, không thể thay thế sinh kế chính - 3

Đạp xe quanh ấp Thiềng Liềng

Theo ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt, mặc dù tour du lịch tới Thiềng Liềng nhận được sự quan tâm của nhiều du khách, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Tuy nhiên thực tế, doanh nghiệp lữ hành chưa thể đẩy mạnh phát triển tour đến đây. Lý do chủ yếu là phương tiện di chuyển chưa thuận lợi, đi hai lần tàu hoặc thuyền và thời gian chưa định kỳ. Bên cạnh đó, nếu đi bằng ca nô thì giá di chuyển sẽ chiếm tỷ lệ cao trong giá tour, dẫn đến sự phân vân khi lựa chọn điểm đến của du khách.

Hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc

Theo TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, việc Thiềng Liềng nằm tách biệt và đi lại còn hạn chế thay vì coi là điểm yếu thì nên coi đó chính là thế mạnh để nâng tầm giá trị của điểm du lịch này. Bởi càng khó đến, khó tiếp cận thì giá trị của Thiềng Liềng càng được nâng lên.

Ông Linh cho rằng, Luật Du lịch năm 2017 đã định nghĩa du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng chính là phản ánh đời sống thực của địa phương. Cần có những tính toán, quy hoạch cụ thể để tránh phát triển ồ ạt, phá vỡ cấu trúc, giá trị vốn có thì người dân mới có thể có được sinh kế bền vững từ du lịch. Ngược lại, nếu muốn thu hút khách nhiều hơn bằng mọi cách thì mô hình du lịch cộng đồng sẽ nhanh chóng bị biến chất, khó phát triển lâu dài.

Du lịch cộng đồng chỉ là yếu tố cộng thêm, không thể thay thế sinh kế chính - 4

Ấp đảo bình yên

“Tôi cho rằng chúng ta cần giữ tình trạng hiện tại, vì rõ ràng lượng khách đến nơi đây đang phù hợp với sức chứa, sức tải, khả năng phục vụ của địa phương. Hãy tưởng tượng nếu lượng khách đến đây tăng vọt, khoảng từ 300 đến 400 lượt khách mỗi ngày, khi ấy chúng ta cần phải nâng cao năng lực nhanh chóng, và từ đó mọi thứ sẽ mang tính chất đối phó, không phản ánh được tính chân thật của địa phương, hoặc thậm chí ta phải đi thu mua, gom hàng từ nơi khác về để phục vụ du khách”, ông Linh cho biết thêm.

Cũng theo ông Linh, du lịch cộng đồng chỉ là sinh kế cộng thêm, không thể thay thế sinh kế chính của bà con nông dân là làm muối, giữ rừng, nuôi trồng thủy hải sản.

“Chúng tôi hay ví von rằng, du lịch giống như một sân chơi của bà con, hết chơi thì mình lại về làm muối, nhưng mà cuộc chơi cũng phải chất lượng. Chúng tôi luôn tìm cách để bà con nhận thức rằng, du lịch ở đây chỉ là sinh kế cộng thêm, không có du lịch bà con vẫn sống ổn, có du lịch thì đời sống của bà con tốt hơn, vui hơn”, ông Linh nhấn mạnh.

Du lịch cộng đồng chỉ là yếu tố cộng thêm, không thể thay thế sinh kế chính - 5

Mục tiêu lớn nhất của du lịch cộng đồng là hướng tới phát triển cộng đồng địa phương, tức là phát triển toàn diện chứ không chỉ là phát triển kinh tế, mà đầu tiên chính là phát triển con người. “Chúng ta thấy những người dân ở đây đẹp lên, nhà cửa gọn gàng và đẹp hơn trước rất nhiều. Người ta ứng xử văn minh hơn, lịch sự hơn. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa tinh thần cộng đồng nơi đây như đờn ca tài tử, tín ngưỡng thờ Bà Ngũ Hành, nghề làm muối truyền thống cũng được bảo tồn và phát huy. Du lịch cũng giúp bà con thêm tự hào về quê hương xứ sở và tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng. Cùng với đó là ý thức bảo vệ môi trường cũng được nâng cao. Tôi cho đó mới là thành công của du lịch Thiềng Liềng”, ông Linh chia sẻ thêm

Có thể thấy, du lịch cộng đồng đã đang và sẽ mang lại những giá trị lớn cả về kinh tế, văn hóa, môi trường… cho người dân, thành viên HTX và cả địa phương. Nhưng với điều kiện loại hình này phải phát triển bền vững. Muốn bền vững, người làm du lịch cần phải bảo đảm được sự hài hòa giữa văn hóa và kinh tế, từ đó vừa giữ gìn được những giá trị vốn có và không làm mất niềm tin của du khách vào mô hình này.

Giữ gìn nghề truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng ở TP.HCM
Giữ gìn nghề truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng ở TP.HCM

Xuất phát điểm là những diêm dân chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời, những người dân đã cùng nhau xây dựng...

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: