Nếu được so sánh, Thành phố Hồ Chí Minh có thể ví như một bản giao hưởng đa thanh âm, nơi những tòa nhà chọc trời đầy kiêu hãnh đứng sừng sững bên những công trình cổ kính nhuốm màu thời gian, ngày qua ngày cùng ngân nga những giai điệu bổng trầm nơi thành phố sôi động.
Như bản nhạc jazz đầy ngẫu hứng, thành phố là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhịp sống nơi đây luôn có những bất ngờ, đầy ắp những điều thú vị, ẩn chứa trong mỗi góc phố hay bên trong những con hẻm nhỏ.
Đi qua những con đường đông đúc, bạn sẽ có cảm giác như thể bản thân mình đang ở giữa một cuộc đối thoại đa tầng giữa hiện đại và truyền thống. Trong dáng vẻ tân thời vẫn phảng phất đôi nét cổ điển; trong lối sống hội nhập vẫn còn dư vị của những chiêm nghiệm trăm năm. Sự kết hợp này đã tạo nên vẻ đẹp riêng có cho thành phố và cũng là minh chứng cho sự quyết tâm giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng không cứng ngắc mà uyển chuyển thích nghi với sự phát triển của xã hội.
Một buổi sáng cuối tuần tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: David Style.
Đó là những đúc kết tôi có cho riêng mình khi đăng ký tham gia trải nghiệm một tour du lịch tản bộ ngắm nhìn những công trình di sản của thành phố này.
Vào một buổi sáng cuối tuần đầy "ướt át", đúng kiểu thời tiết đặc trưng của nơi này trong những tháng mùa mưa, tôi vội rời khỏi nhà trong sự hoài nghi về quyết định của mình khi chọn ngắm thành phố dưới cơn mưa lất phất.
Ngày hôm ấy, cả đoàn tập trung trước Nhà văn hóa Thanh Niên trên đường Phạm Ngọc Thạch. Sau một hồi giải thích lịch trình, hướng dẫn viên bắt đầu chia sẻ sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của kiến trúc hiện đại (modernism) tại Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn những năm 1940 đến 1970.
Xu hướng này lấy cảm hứng từ kiến trúc hiện đại phương Tây, kết hợp với các yếu tố độc đáo của kiến trúc Việt Nam để hòng chống chọi với khí hậu nhiệt đới gắt gỏng quanh năm. Một số kiến trúc sư tiêu biểu cho "kỷ nguyên" modernism có thể kể đến như Huỳnh Tấn Phát, Ngô Viết Thụ... Họ là những "cây đa cây đề" đã tạo ra nhiều công trình kiến trúc đặc biệt vẫn còn vang bóng tại thành phố hôm nay.
Hội trường Thống Nhất | Số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Nghé, Quận 1
Chúng tôi đi qua Công viên 30/4 về phía Hội trường Thống Nhất, để mặc cho cơn mưa phùn nhẹ lấm chấm rơi trên đầu. Đứng trước khuôn viên rộng lớn của Hội trường, người hướng dẫn cho phép cả đoàn thoải mái chụp hình trước khi bắt đầu phần thuyết minh.
Mặt tiền Hội trường Thống Nhất mang diện mạo của kiến trúc hiện đại (modernism). Ảnh: Andrey X.
Với một người Sài Gòn "chính chuyên" mà nói, Hội trường Thống Nhất là một địa danh quen thuộc. Công trình là kiệt tác của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người đầu tiên mang về cho Việt Nam giải thưởng Grand Prix de Rome danh giá năm 1955. Ông đã kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống Á Đông bằng cách lồng ghép các chữ Hán mang ý nghĩa cát tường vào tổng thể thiết kế.
Mặt tiền công trình được lấy cảm hứng từ hình ảnh cây tre. Người hướng dẫn cho biết, mặt tiền với mặt đứng hai lớp là một trong những đặc điểm nhận dạng của kiến trúc hiện đại Việt Nam. Đây là giải pháp cho các công trình ở các quốc gia nhiệt đới và cũng là chất liệu để kiến trúc sư thể hiện sức sáng tạo của mình.
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế đã thiết kế phần brise soleil (thuật ngữ ám chỉ giải pháp chắn sáng, điều sáng, làm giảm sự gia tăng nhiệt trong tòa nhà bằng cách làm chệch hướng ánh sáng mặt trời thông qua vận dụng các khối hình học) hai tầng với những chi tiết bê tông đứng như thân tre, tạo thành một tấm rèm với chín khe hở hình lá, gợi nhớ đến tấm mành tre truyền thống trong các ngôi nhà Nam Bộ xưa.
Thiết kế brise soleil với những ống bê tông hình thân tre tạo thành một tấm rèm chắn nóng cho công trình. Ảnh: Andrey X.
Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh | Số 69 Lý Tự Trọng, Phường Bến Thành, Quận 1
Với diện tích khoảng 7.000m2, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ tiêu biểu khác của kiến trúc hiện đại tại thành phố. Với hình khối kiến trúc mạnh mẽ, cùng hệ thống thông gió tự nhiên thông minh, thư viện không chỉ là nơi lưu trữ tri thức mà còn là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc.
Khuôn viên bên ngoài Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Huỳnh Nhi.
Thư viện được xây dựng từ năm 1968 đến 1971 bởi kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện và Bùi Quang Hanh, với cố vấn kỹ thuật từ kiến trúc sư Lê Văn Lắm. Dẫu không phải là người am tường về kiến trúc, nhưng khi đặt chân vào bên trong thư viện, tôi vẫn cảm nhận được tầm nhìn chi tiết và phức tạp mà các kiến trúc sư thể hiện trên dáng vẻ công trình.
Sảnh bên trong Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh với lối kiến trúc ấn tượng. Ảnh: Kate Tipler.
Theo chia sẻ từ người hướng dẫn, mặt tiền thư viện mang đậm màu sắc phương Đông, lấy cảm hứng từ Hán tự như chữ Thọ, chữ Vạn cách điệu. Bên cạnh đó, công trình còn tích hợp hình ảnh của tứ linh Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ, tượng trưng cho sự hòa hợp, thịnh vượng và thành công theo phong thủy. Dễ nhận thấy, công trình cũng áp dụng thiết kế mặt tiền hai lớp nhằm giảm tác động nhiệt từ bên ngoài, giúp người đọc tránh được cái nóng của mùa khô và ẩm ướt của mùa mưa.
Tấm brise soleil được tạo nên từ Hán tự cách điệu và hình ảnh tứ linh ở mặt tiền thư viện. Ảnh: Lee Starnes.
Tòa nhà V.A.R | Số 9-19 Hồ Tùng Mậu, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1
Điểm đến cuối cùng trong hành trình đi bộ kéo dài gần 3 tiếng rưỡi là tòa nhà V.A.R – minh chứng tiêu biểu cho phong cách hiện đại và sức sáng tạo của người Việt tại thành phố trong những năm cuối thế kỷ 20.
Tọa lạc tại góc đường Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Công Trứ, mặt tiền của tòa nhà chính là nét nổi bật gây chú ý với đoàn người thưởng lãm. Tuy có diện tích khiêm tốn, nhưng một lần nữa, lớp "vỏ đôi" của kiến trúc hiện đại vốn đòi hỏi nhiều kỹ thuật vẫn được kiến trúc sư Lê Văn Lắm thể hiện đầy tinh tế, cho thấy mối quan tâm của ông trước điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng bức tại chốn thành thị đông đúc.
Tòa nhà V.A.R tại góc Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Alberto Prieto.
"Tấm rèm" chắn nóng brise soleil được làm hoàn toàn từ bê tông cốt thép, bao gồm một hệ thống các thanh bê tông ngang và dọc "mảnh mai" được móc vào nhau, xoay chuyển và hoán đổi theo một nhịp điệu nhất định được tính toán khôn khéo. Kết quả mang đến một hiệu ứng chuyển động độc đáo được tạo ra bởi sự chuyển tiếp trong quy luật thị giác, thể hiện tư duy thẩm mỹ trong tính tương phản và chiều sâu bố cục ba chiều của kiến trúc sư.
Bên cạnh đó, vật liệu hoàn thiện tòa nhà gồm đá rửa, đá xẻ và gạch mosaic cũng góp phần mang lại sự hài hòa cho tổng thể, đồng thời, cũng giúp bảo vệ cấu kiện khỏi những tác động khác nhau của môi trường khí hậu. Có thể vì thế mà trải qua biết bao mùa sương gió, tòa nhà V.A.R vẫn vững vàng tồn tại để chứng kiến những đổi thay đáng kinh ngạc của thành phố này.
Bộ khung brise soleil đặc trưng của kiến trúc hiện đại (modernism) được thể hiện tinh tế trong tổng thể tòa nhà. Ảnh: Alberto Prieto.
Sau khi nói lời tạm biệt với chuyến trải nghiệm bộ hành, lẽ dĩ nhiên, trong mỗi chúng tôi đều vỡ òa những hiểu biết mới về thành phố mang tên Bác, nơi vẫn không ngừng đổi thay để bắt kịp thời đại. Nhưng trong guồng quay hối hả này, thật hay làm sao khi được chứng kiến các công trình cổ điển mang hơi thở của một thời dĩ vãng vẫn đang song hành cùng những tiến bộ tích cực. Đó là lời nhắc nhở về sự khéo léo, niềm hy vọng và tinh thần kiên cường của người Việt Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng qua bao thăng trầm.
Quá khứ không chỉ đơn thuần là những gì nằm lại phía sau, mà còn là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo đột phá của tương lai. Mỗi công trình kiến trúc là một cuốn sách chứa đựng trí tuệ và tâm hồn của người Việt. Khi tìm hiểu và khám phá những giá trị ấy, chúng ta sẽ tìm thấy những ý tưởng mới, những góc nhìn mới để tiếp tục nuôi dưỡng và làm phong phú thêm các giá trị tinh thần tại Thành phố Hồ Chí Minh theo cách đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, tạo nên sức hút đối với những trái tim đam mê xê dịch ở phương xa.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin