Hơn 20 ngày từ sau khi bão số 3 – Yagi đổ bộ vào TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, 28 chiếc tàu du lịch bị bão đánh chìm vẫn nằm dưới mặt nước biển. Tài sản trị giá hàng tỷ đồng của người dân bị hư hỏng và mất trắng.
Bão số 3 đổ bộ, Quảng Ninh nằm trong tâm bão chịu sức tàn phá khủng khiếp, dù đã chủ động ứng phó nhưng thiệt hại vẫn rất nặng nề. Trong số 269 phương tiện tàu, thuyền hoạt động tại địa bàn tỉnh bị đắm, chìm, có 28 tàu du lịch đưa khách tham quan vịnh Hạ Long. Đáng nói, số tàu này không nằm trong diện được hỗ trợ kinh phí trục vớt phương tiện, khó càng khó hơn.
Ghi nhận của PV Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh tại Cảng tàu Quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long, có hơn 20 tàu du lịch bị đắm đang chờ trục vớt, đa số là tàu vỏ gỗ.
Thời điểm thủy triều lên, nhiều chiếc tàu gần như bị chìm hoàn toàn. Thủy triều rút, tàu vẫn dầm mình trong nước mặn. Trên bờ, lều tạm được che bằng bạt được dựng lên để các chủ tàu, nhân viên ở lại để trông coi ngày đêm.
Thủy triền lên, nước biển cuốn trôi các vật dụng, thiết bị từ trong tàu ra ngoài tạo thành một lớp rác bao phủ góc bến cảng.
Để tránh nước vào bên trong, nhiều chủ đầu huy động cả máy bơm công suất lớn để bơm nước tránh tàu bị chìm xuống biển.
Một số chủ tàu đã cho nhân công cố gắng vớt lại một số áo phao, bàn ghế để vệ sinh lại với hy vọng tái sử dụng. Tuy nhiên, do ngâm nước biển lâu ngày cùng với phơi nắng mưa trên cảng khiến nhiều thiết bị nội thất có dấu hiệu hư hỏng.
Nhiều chủ tàu hàng ngày ra đứng nhìn tài sản của mình chỉ còn lại là một đống phế liệu mà không khỏi xót xa. Một chủ tàu, cho biết bão số 3 gây luồng lốc xoáy khiến tàu nằm ở 2 khu vực trong cảng bị đắm, tổng số tàu bị ảnh hưởng là 28 tàu.
Anh Nguyễn Đức Triệu (42 tuổi trú phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long) có 4 tàu đón khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long thì có 3 chiếc bị đắm, mặc dù xác định vớt lên cũng không thể sửa chữa tái sử dụng, thậm chí còn mất thêm khoản chi phí lớn, khó khăn trong thuê đơn vị trục vớt tàu… nhưng vì trách nhiệm, vì đảm bảo an toàn bến đỗ, vệ sinh môi trường, anh Triệu và các chủ tàu vẫn cố tìm thuê đơn vị trục vớt.
Tuy nhiên, chi phí trục vớt một chiếc tàu lên đến hơn 100 triệu, trong khi đó các đơn vị thực hiện trục vớt tàu rất ít dẫn đến những chiếc tàu thân gỗ phải ngâm mình trong nước biển hơn 20 ngày qua.
Lý do chậm trễ là vì có rất ít đơn vị nhận trục vớt tàu chìm, đắm. Hơn nữa, số tàu thiệt hại tại Hạ Long quá nhiều nên muốn trục vớt phải đợi xếp hàng tới lượt. Nhiều chủ tàu cho biết thêm, ngoài chi phí trục vớt tàu, các chủ tàu còn phải bao chi phí ăn, ở mỗi ngày cho thợ làm việc.
“Mất hết ! sau cơn bão tài sản tiền tỷ của chúng tôi coi như mất trắng. Những chiếc chìm hẳn dưới biển thì không thể sửa chữa hay phục hồi được. Những chiếc còn lại phải bỏ vào đấy 2-3 tỷ để sửa chữa toàn bộ”, bà Nguyễn Thị Huyến, chủ tầu Minh Vân chia sẻ.
Theo bà Huyến, mong muốn của các chủ tàu hiện tại là nhanh chóng trục vớt các tàu bị đắm. Ngoài ra, nhiều chủ tàu mong muốn tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ chi phí trục vớt và có chỉ đạo ngân hàng xem xét cho vay vốn để sửa chữa và đóng mới lại tàu để tiếp tục hoạt động du lịch.
Nhiều chủ tàu cho biết thêm dù mong muốn như vậy nhưng với việc đóng tàu bằng vỏ gỗ rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Ngoài ra, những chiếc tàu vỏ gỗ này không nằm trong danh sách được nhà nước hỗ trợ chi phí trục vớt.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh không xem xét hỗ trợ đối các phương tiện tàu thuyền đã mua bảo hiểm thân, vỏ tàu, các phương tiện tàu, thuyền không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống bão hoặc không thực hiện di chuyển, neo đậu vào đúng vị trí neo đậu, tránh trú bão theo chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin