Một giờ phát sóng có chục gameshow giải trí, mười cái lướt tay trên mạng xã hội lại trúng một chương trình truyền hình thực tế. Có thể thấy Việt Nam đang thừa gameshow giải trí nhưng lại thiếu những gameshow mang lại giá trị thực sự cho khán giả.
Show giải trí thuần tuý: Nhanh hot, chóng tàn
Nhiều năm qua, gameshow đã trở thành món ăn tinh thần của đông đảo công chúng, được các nhà đài và đơn vị sản xuất lớn ưu ái. Trung bình hiện nay có hơn 100 shows truyền hình đang thống trị giờ phát sóng vàng. Chủ đề đa dạng từ thời trang, âm nhạc, kịch hài, hẹn hò đến show thực tế trải nghiệm.
Rap Việt mùa 4 dần thể hiện sự đuối sức khi thị trường game show đang có nhiều cái tên hấp dẫn khác
Tuy đông, nhìn lại 20 năm qua, dạng thức gameshow thuần giải trí tự thân chứng mình khó bền ở thị trường Việt Nam. Năm 2008 - 2015, loạt gameshow thi tài ra mắt như The Voice Kid, Vietnam Idol, Vietnam’ Next Top Model, Project Runway Vietnam đã giảm nhiệt rõ rệt, hoặc… biến mất. Chạy theo mục tiêu tương tác, nhiều show nhồi nhét yếu tố kịch tính, cài cắm hoạt động tương tác vô bổ, đổi khách mời liên tục khiến sớm thành show tạp kỹ, xa rời tính chất tìm kiếm tài năng. Hay kế đó, trào lưu giải trí hài lên ngôi với Ơn giời cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm. Sau năm 2020, phần lớn cũng dần đi vào dĩ vãng. Trào lưu gameshow thực tế cũng chứng kiến thực trạng tương tự. Và gần nhất là gameshow âm nhạc. Rap Việt mùa 4 cho thấy sự hụt hơi đáng kể.
Sau 8 năm vắng bóng, 'Bước nhảy Hoàn vũ' trở lại với một phiên bản hoàn toàn mới nhưng không còn giữ được nhiệt
Trên thực tế, không thể phủ nhận sự tăng trưởng chóng mặt của ngành công nghiệp giải trí thúc đẩy nhiều đơn vị nhập cuộc, góp phần chuyên nghiệp hoá về chất lượng, quy mô. Mặt khác, số lượng chương trình “từa tựa” khiến khán giả bội thực, mau chán. Từ đó, hướng tới chuẩn khắt khe hơn, điều này kéo theo áp lực tài chính và sáng tạo cho các chương trình dù lão làng hay sinh sau đẻ muộn, góp phần vào tình trạng “sớm nở chóng tàn”.
Dẫu vậy, về tổng thể, phần lớn vẫn đang chạy theo xu hướng, “ăn theo” hoặc du nhập các chương trình thành công ở Hàn hay các nước châu Âu, thay vì chuyên chú xây dựng giá trị bền vững, đáp ứng đúng tính Việt Nam. Nhiều chương trình lấy drama làm bàn đạp rating tạo nên sản phẩm giải trí “độc hại” cho khán giả. Đấy là chưa kể đến sự cẩu thả trong khâu xây dựng nội dung, lỗ hổng về kiến thức của nhiều khách mời, cố vấn tham gia gameshow và cả biên tập khiến khán giả quay lưng.
Vui thôi chưa đủ! Cần hơn chương trình gameshow tri thức cho người Việt
Trong làng giải trí Việt Nam, bền bỉ nhất phải kể đến những gameshow tri thức như Ai là triệu phú, Đường lên đỉnh Olympia. Không cần nhiều mảng miếng, format đổi xoành xoạch, các chương trình này có tuổi thọ cao nhờ vào sự cân bằng vừa phải của tính giải trí và giá trị kiến thức cho cả người chơi, người xem. Trong đó, Ai là triệu phú vừa kỷ niệm 20 năm phát sóng, Đường lên đỉnh Olympia đã tiến vào năm thứ 25.
Đoàn Quốc Duy (Trường đại học VinUni) giành ngôi quán quân của Vũ trụ Đồng tiền mùa đầu tiên
Với thế hệ khán giả mới GenZ, gameshow tri thức như Vũ trụ Đồng tiền - The Moneyverse do VTV sản xuất vừa kết thúc mùa đầu cũng cho thấy tính kế thừa của “bậc đàn anh”, kết hợp với những sáng tạo phù hợp cho giới trẻ.
Bám sát sứ mệnh trong đề án của Chính phủ về nâng cao kĩ năng quản lý tài chính cá nhân, The Moneyverse tiên phong trở thành chương trình truyền hình thực tế đầu tiên tại Việt Nam về giáo dục tài chính kết hợp giải trí dành cho sinh viên. Phối hợp đa bên từ hệ thống các trường đại học - cao đẳng, sự đồng hành của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Thuế với các chuyên gia đầu ngành đến từ các đơn vị: Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty cổ phần Chứng khoán SSI “bảo chứng” cho nội dung có chất lượng, giao thoa với xu hướng trên nền tảng chuyên môn vững vàng.
Cách chọn và triển khai chủ đề bám đúng tâm lý đối tượng như trí tuệ nhân tạo, quản lý tài chính cá nhân trên mạng xã hội, tiết kiệm ồn ào tạo ra giá trị thiết thực cho cả người chơi và khán giả. Format chương trình cũng là điểm sáng đáng tham khảo. Tại đây, các bạn sinh viên sẽ hoá thân vào vai trò phi hành gia, đi đến chức vô định khi vượt qua đủ 5 hành tinh: Kiếm - Tiêu - Tích lũy - Đầu tư - Bảo toàn.
Vũ trụ Đồng tiền có format mới lạ, giải thưởng vô tiền khoáng hậu cùng dàn cố vấn đến từ các định chế tài chính hàng đầu Việt Nam
Nhà báo Dương Ngọc Trinh, chịu trách nhiệm sản xuất chương trình, cho hay: “Với The Moneyverse và đối tượng người xem là Gen Z, chúng tôi mong muốn mang đến cho người trẻ những kiến thức hữu ích xung quanh đồng tiền, đồng hành cùng họ để tạo nên một thế hệ Gen Z tài năng, giàu có và có trách nhiệm với xã hội”.
Mang danh “lính mới”, sức hút của chương trình đã không lép vế từ ngay tập 1 với vị trí đứng top 1 rating toàn quốc và tại thị trường Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong khung giờ từ 14 - 17h00, theo Kantar Media. Mùa đầu vừa kết thúc vào 12/1/2025, thu hút hơn 25.000 bạn trẻ từ 27 trường đại học - cao đẳng trên toàn quốc. 1 tỷ đồng tiền mặt, 1 hợp đồng lao động giá trị, 1 xe hơi và 1 học bổng danh giá gần 150 triệu đồng – giải thưởng “khủng” chưa từng có đối với 1 gameshow cũng đánh trúng tâm lý, mang lại giá trị thiết thực cho người chơi. Sự tham gia đông đảo cũng cho thấy “cơn khát” gameshow tri thức, bắt đúng khẩu vị, nhu cầu của xã hội hiện nay.
Ngay sau đêm chung kết, The Moneyverse 2025 đã chính thức được khởi động, hứa hẹn một mùa giải bùng nổ và sôi động hơn, tiếp tục đồng hành nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tài chính cho giới trẻ và người dân tại Việt Nam. Sự thành công của The Moneyverse cũng truyền cảm hứng cho các gameshow tri thức tự tin ra mắt khán giả Việt Nam, trở thành món ăn bổ ích nhiều mặt.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin