Các thiếu nữ Khơ Mú vẫn được các mẹ, các bà gửi gắm sự khéo léo qua những lần truyền dạy thêu thùa. Đó là cách để bà con Khơ Mú lưu giữ, bảo tồn trang phục truyền thống.
Dấu ấn riêng của người Khơ Mú
Trang phục truyền thống với màu sắc đầy tinh tế và hoa văn đẹp mắt chính là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên bởi nó vừa thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ cũng như nét duyên dáng của người phụ nữ, đồng thời còn thể hiện được văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của bà con Khơ Mú.
Người Khơ Mú vốn gắn liền tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh hoạt với thiên nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vì thế mang đậm dấu ấn của núi rừng. Trang phục của họ cũng giản dị nhưng mang đậm bản sắc dân tộc. Mỗi bộ trang phục đều thể hiện sự cần cù với các công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên trì khéo léo qua từng đường kim mũi chỉ. Ngày thường trang phục của chị em phụ nữ có phần đơn giản với váy, áo, thắt lưng còn vào ngày Tết sẽ có thêm khăn piêu và đồ trang sức khá độc đáo.
Phụ nữ Khơ Mú trong trang phục có màu sắc tinh tế và hoa văn đẹp mắt.
Bà Quàng Thị Hương, nghệ nhân bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ cho biết từ xa xưa người Khơ Mú đã biết trồng bông, dệt vải để tự làm ra vải mặc. Các bà các mẹ truyền dạy cho con, cháu cách làm bông, dệt vải. Các thiếu nữ tuổi đôi mươi đã tự tin trong việc thêu thùa, may vá. Phụ nữ Khơ Mú đã trở thành người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lối sống của dân tộc mình. Điều này thể hiện rất rõ trong trang phục truyền thống mà chị em Khơ Mú thường mặc gồm áo, chân váy, thắt lưng, khăn piêu đội đầu…
Đầu tiên phải kể đến áo của chị em phụ nữ Khơ Mú. Áo truyền thống của đồng bào Khơ Mú rất quan trọng trong kỹ thuật cắt may và phối màu sắc hài hòa. Thân áo thường là màu đen, cổ áo được may theo hình chữ V, viền được may bằng vải thổ cẩm. Tấm thổ cẩm đáp trước vạt áo được thêu hoa văn rực rỡ, đây là một trong những đặc điểm không thể thiếu làm nên dấu ấn riêng cho trang phục Khơ Mú.
Ngoài ra áo của đồng bào Khơ Mú không thể thiếu màu đỏ. Miếng vải màu đỏ thường được sử dụng để làm nẹp viền cho hàng cúc bạc to hình chữ nhật trước ngực. Sự kết hợp giữa thân áo màu đen cùng màu đỏ và màu trắng tạo cho tổng thể chiếc áo vừa hài hòa vừa thu hút. Đặc biệt, hàng cúc bạc trước ngực còn thể thể hiện mong ước giàu sang, phồn thịnh, đồng thời gửi gắm sự mong chờ các vị thần mặt trời sẽ sưởi ấm và che chở họ trong cuộc sống hàng ngày. Đây là điểm nhấn thu hút nhất của chiếc áo phụ nữ dân tộc Khơ Mú.
Ngày nay, tuy trang phục phụ nữ Khơ Mú có đôi chút cải tiến, nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng về kiểu dáng và họa tiết truyền thống.
Chiếc áo nhiều màu sắc sẽ được kết hợp với váy màu đen. Thân váy, gấu váy được thêu nhiều họa tiết hoa văn dọc chạy theo thân váy. Váy khi mặc được giữ lại bởi chiếc thắt lưng quấn quanh eo. Thắt lưng thường là các tấm vải đủ màu sắc sặc sỡ quấn quanh phần eo vừa tạo điểm nhấn cho y phục vừa che khuyết điểm người mặc. Áo, váy, thắt lưng kết hợp thêm với chiếc khăn piêu đầy màu sắc làm tăng thêm vẻ đẹp rạng rỡ của phụ nữ Khơ Mú.
Ảnh: Lương Trọng Giáp
Đặc biệt, để trang phục của đặc sắc hơn, ngày nay nhiều chị em Khơ Mú đã cải tiến bằng cách sử dụng các loại vải màu như xanh, đỏ, vàng, tím đính kèm kim tuyến để may trang phục, nhưng vẫn giữ nguyên các họa tiết đặc trưng của y phục truyền thống. Ngoài ra, một số chị em còn thêu các họa tiết, hoa văn vào phần tay, vai, ngực, chân áo để tạo điểm nhấn cho y phục hay có những cách tân ở cổ áo, tay áo khiến cho trang phục vừa đẹp mắt vừa tôn dáng.
Không thể thiếu trong nghi lễ quan trọng
Bà Quàng Thị San, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ cho biết, đối với người người phụ nữ Khơ Mú, mặc trang phục truyền thống luôn là niềm tự hào. Phụ nữ Khơ Mú thường trưng diện trang phục truyền thống trong tất cả những dịp lễ hội, năm mới, đặc biệt là ngày cưới hỏi. Việc mặc trang phục truyền thống vào những dịp lễ, Tết và những sinh hoạt trọng đại của gia đình không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn nâng cao đời sống tinh thần, lòng tự tôn dân tộc.
Bà Quàng Thị San duyên dáng trong trang phục Khơ Mú.
Ngày nay, sự giao thoa văn hóa và nghề trồng bông, dệt vải đã bị mai một đi nhiều nhưng các nghệ nhân Khơ Mú rất tâm huyết với việc giữ gìn trang phục của người Khơ Mú. Trên mái nhà sàn, các nghệ nhân vẫn miệt mài chỉ dạy cách thức may vá thêu thùa cho con cháu. Các thiếu nữ Khơ Mú luôn được các mẹ, các bà gửi gắm sự khéo léo qua những lần truyền dạy thêu thùa. Đó là cách để bà con Khơ Mú lưu giữ, bảo tồn trang phục truyền thống.
"Trang phục là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống. Mỗi lần khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Khơ Mú luôn cảm thấy tự hào, kiêu hãnh và cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn và bảo lưu trang phục truyền thống", bà Quàng Thị San khẳng định.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin