Sương mây la đà trên núi lửa Chư Đăng Ya, khi chuyển giao mùa khô sang mùa mưa. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Vẻ đẹp giao mùa trên núi lửa Chư Đăng Ya” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa (Hòa Carol), hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Pleiku.
Chư Đăng Ya là tên ngọn núi lửa đã từng hoạt động ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm. Theo tiếng đồng bào J’rai, Chư Đăng Ya có nghĩa là “củ gừng dại”, thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi lửa tựa như một cái phễu khổng lồ, lòng chảo miệng núi mang sắc đỏ đất bazan màu mỡ đã được những lớp nham thạch tạo nên từ xa xưa.
Núi lửa này là điểm du lịch nổi tiếng Gia Lai, cách trung tâm phố núi Pleiku khoảng 30 km về hướng đông bắc, cách Biển Hồ 20 km.
Chư Đăng Ya có cảnh sắc thiên nhiên đa dạng. Nếu như những thảm hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực trên khắp các triền đồi vào tháng 11, thì vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, ngọn núi mang vẻ đẹp riêng, hoang sơ và quyến rũ trong tiết trời giao mùa của nắng, mưa, gió, sương mây hòa cùng màu đất đỏ bazan.
“Tôi chụp bộ ảnh này vào những ngày cuối tháng 4. Sau những cơn mưa đầu mùa trút xuống, cảnh vật trên núi như tràn đầy sức sống và sáng sớm xuất hiện những làn sương mây như lạc vào nơi tiên cảnh”, anh Hòa cho biết.
Quang cảnh xe cơ giới đang làm đất. Cuối mùa khô, người dân J’rai sống ở làng Ia Gri bắt đầu canh tác làm đất trồng dong riềng. Chư Đăng Ya là một trong những nơi hiếm hoi trên cả nước có thổ nhưỡng phù hợp trồng loại cây này.
Việc làm đất, xẻ rãnh phải kịp thời trước lúc mưa xuống, để cây dong riềng được chăm sóc và phát triển tốt trong mùa mưa, bắt đầu nở hoa vào tháng 7 và kéo dài đến khoảng tháng 10 thu hoạch củ.
Trước mỗi mùa vụ, nông dân ngoài việc dùng xe cơ giới để san bằng đất, họ còn sử dụng bò đi trước để tạo luống theo cách truyền thống.
Những người nông dân hối hả ra đồng chuẩn bị trồng củ. Họ sẽ trồng xen kẽ các vụ mùa dong riềng, ngô, bí đỏ và khoai lang, không trồng liên tiếp theo vụ. Cứ cách hai mùa mưa, mới quay lại trồng một mùa dong riềng.
Xe vận chuyển củ giống dong riềng được tập kết tạo không khí làm việc nhộn nhịp trên đồng. Sau khi các thửa đất được xẻ rãnh hoặc bổ hốc xong, người nông dân sẽ đặt củ vào.
Quang cảnh cày bò và trồng củ giống dong riềng. Củ được đặt sâu 12-15cm, mầm hướng lên. Mật độ trồng khoảng 30.000 - 40.000 cây/ha.
Cây dong riềng được người nông dân trồng chủ yếu để lấy củ. Thương lái thu mua củ để chế biến thành tinh bột làm miến. Sau mùa mưa dong riềng nở rộ, nắng lên hoa dã quỳ lại bắt đầu rợp vàng Chư Đăng Ya.
Anh Hòa cho biết khi du khách viếng thăm Gia Lai nên dành vài ngày để khám phá, trải nghiệm trên “Con đường Hàng thông - Vườn chè Biển Hồ - Núi lửa Chư Đăng Ya” được xem là cung đường du lịch đẹp nhất ở Gia Lai.
Huỳnh Phương
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin