Ở đâu đó vẫn còn có những bản làng xa xôi, người dân bản địa vẫn luôn kiên định bảo vệ những cánh rừng già, giàu có với những cây nghiến cổ thụ trên 300 tuổi, thậm chí cả 1000 năm tuổi.
Gìn giữ rừng nhờ sự linh thiêng
Xuất phát từ thành phố Cao Bằng, men theo tỉnh lộ 207 đến huyện Hạ Lang, đi thêm khoảng 8km đường liên xã, du khách sẽ đến được xóm Túng Kít, xã Kim Loan. Đây là nơi lưu giữ những cánh rừng nghiến nguyên sinh còn sót lại, nổi bật với một cây nghiến cổ thụ có tuổi đời hơn 1.000 năm.
Cây nghiến này, với chu vi gốc 9,6 mét và đường kính 2,5 mét, đã được vinh danh là "Cây Di sản Việt Nam" vào tháng 5/2011. Màu xanh mướt của cây nghiến sừng sững như biểu tượng trường tồn của thiên nhiên và cộng đồng nơi đây.
Khi đặt chân đến xóm Túng Kít, hiện lên trước mắt là hình ảnh một bản làng hoang sơ với những cánh rừng già, nơi cây nghiến quý hiếm vẫn hiên ngang tồn tại. Ngay đầu làng là miếu thờ Thổ Công, nơi người dân gửi gắm niềm tin vào thần bảo hộ.
Cạnh miếu, một mỏ nước trong vắt tuôn ra từ lòng đất đá, mát lành và thuần khiết. Dưới ánh mặt trời, dòng nước lấp lánh phản chiếu hình bóng những bộ rễ cây nghiến phía trên. Những bộ rễ ấy vươn ra mạnh mẽ, gân guốc và cường tráng như cánh tay rắn rỏi của những chàng trai trẻ, che chở cho ngôi làng. Chúng quấn quanh những tảng đá, vươn lên với sức sống mãnh liệt. Chính vì sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, nên những cây nghiến phải mất hàng thế kỷ để lớn lên. Chính cái sự chậm lớn ấy đã tạo nên giá trị vô giá của gỗ núi đá – thứ gỗ mà từng thớ thịt cứng chắc, bền bỉ với thời gian.
Rễ cây nghiến cổ thụ uốn lượn vững chãi, gắn kết với mảnh đất thiêng nơi người dân đã bảo vệ qua nhiều thế hệ.
Trước cơn lốc phá rừng dữ dội của nhiều thế kỉ trước, điều gì đã khiến những người dân ở xóm Túng Kít, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, có thể kiên trì bảo vệ những cánh rừng già và cây nghiến cổ thụ đến ngày nay?
Anh Hà Thế Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Kim Loan, chia sẻ: "Từ bao đời nay, khu rừng này được coi là rừng thiêng. Bà con nơi đây tôn thờ thần rừng và Thổ Công – vị thần linh thiêng bảo hộ cho cả làng. Người dân Túng Kít tin rằng, chỉ khi bảo vệ thần rừng, họ mới nhận được sự che chở của thần, được thần giúp đỡ từ mùa màng, nguồn nước sinh hoạt đến sức khỏe”. Anh Thành nhấn mạnh rằng, những quy ước không xâm phạm rừng đã được duy trì qua hàng trăm năm, thể hiện sự kính trọng và ý thức bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng.
Bên cạnh lời kể của anh Thành là câu chuyện đầy cảm động của cụ Lăng Thị Nhình (84 tuổi), người đã chứng kiến sự thay đổi qua nhiều thế hệ: "Đây là rừng thiêng! Từ nhỏ, làng có lệ không được vào rừng lấy củi, không thả trâu bò vào rừng, và tuyệt đối không săn bắn. Thậm chí khi cây đổ xuống làng, chúng tôi phải làm lễ cúng Thổ Công trước rồi mới dám di chuyển”.
Cụ Lăng Thị Nhình.
Từ rừng thiêng đến rừng bền vững
Người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng từ lâu đã gắn bó mật thiết với rừng, coi những cánh rừng không chỉ là tài sản thiên nhiên quý báu mà còn là sự sống, linh hồn của bản làng. Họ tin rằng rừng chính là vị thần bảo vệ, đem lại sự an yên và nguồn nước cho cộng đồng.
Tại xóm Túng Kít, những cây nghiến cổ thụ được xem như “lá chắn” che chở làng khỏi thiên tai. Anh Nông Văn Đông, Trưởng xóm, chia sẻ: “Cây nghiến giúp giữ đất, giữ nước, bảo vệ bản làng khỏi đá lăn từ núi, và đảm bảo nguồn nước sạch cho cả xóm". Mỗi năm, vào ngày mùng 1 tháng 3, người dân trong làng lại tập trung tại miếu Thổ Công, nơi diễn ra lễ cúng kéo dài từ chiều tối đến trưa hôm sau. Lễ này không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn là ước nguyện cho một năm bình yên, mùa màng bội thu.
Tán lá xanh mướt của cây nghiến tỏa bóng mát, tạo nên không gian yên bình và kỳ vĩ.
Thân cây nghiến sần sùi, lớp vỏ dày mang dấu vết của thời gian, là chứng nhân của bao câu chuyện và niềm tin trong đời sống tâm linh của người dân.
Phong tục thờ thần rừng, thần cây của người Tày, Nùng mang đậm yếu tố tâm linh, nhưng lại có giá trị thực tiễn sâu sắc. Từ xưa, người dân đã chọn các khu vực dưới chân núi có nhiều cây cổ thụ để lập bản. Theo quan niệm phong thủy, nhà cửa phải tựa lưng vào núi để vững chắc, còn rừng lớn sẽ đảm bảo nguồn nước và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất. Sống dựa vào rừng, họ thiết lập các quy ước nghiêm ngặt để bảo vệ rừng. Ai vi phạm, như chặt phá cây, sẽ bị phạt nặng và có thể bị cô lập khỏi cộng đồng.
Khi chúng tôi ngỏ ý nhờ anh Đông dẫn vào rừng để chụp ảnh rừng nghiến, anh kiên quyết từ chối: “Ở làng có quy định, bất cứ ai, dù người trong làng hay ngoài làng, đều không được bước vào rừng thiêng, kể cả nhà báo cũng thông cảm. Mời nhà báo cứ đứng ở bìa rừng mà chụp rừng cây để minh họa”, anh Đông giải thích, đây là hương ước của làng từ bao đời nay, mong mọi người thông cảm. Chính nhờ sự kiên trì ấy, những khu rừng quý ở Túng Kít vẫn tồn tại, trở thành minh chứng cho sức mạnh bền vững từ sự đoàn kết và bảo vệ rừng.
Trưởng thôn làng đứng dưới gốc nghiến cổ thụ, biểu tượng của người bảo vệ rừng, như một lời nhắc nhở về truyền thống giữ gìn rừng xanh từ đời này sang đời khác.
Mỏ nước tự nhiên giữa rừng nghiến nghìn năm tuổi – nguồn nước quý giá giúp người dân trong làng sinh hoạt hàng ngày.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực từ nạn khai thác quá mức, bài học từ Túng Kít đã truyền cảm hứng cho việc bảo tồn rừng không chỉ là công việc của cá nhân hay cộng đồng mà là trách nhiệm của cả xã hội. Chính nhờ niềm tin và sự kiên trì bảo vệ, những khu rừng quý hiếm ở Túng Kít đã và đang tồn tại, trở thành minh chứng cho sức mạnh bền vững từ sự đoàn kết cộng đồng và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Người Khơ Mú ở Tuần Giáo gìn giữ 'báu vật' của dân tộcNhững bộ trang phục đa sắc màu thể hiện sự cần cù, sáng tạo và tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ của những người...
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin