Thanh Thu, hướng dẫn viên du lịch tại TP HCM, chia sẻ về chuyến đi đến nơi được mệnh danh "thủ phủ thuốc phiện" một thời của Thái Lan, tháng 9/2023.
Lần đầu đặt chân đến, Thu chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên địa phương giới thiệu về khu vực "nhạy cảm" trong quá khứ này. Trong suy nghĩ của nhiều du khách trước khi đến, Tam Giác Vàng không an toàn.
Có diện tích khoảng 380.000 km2, Tam Giác Vàng là khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar, từng nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.
Phần lớn diện tích Tam Giác Vàng nằm trong vùng núi có độ cao 1.000 m. Khu vực Thu ghé thăm nằm bên bờ sông Mekong, thành phố Chiang Rai, Thái Lan trong những năm 1970, từng là "đại bản doanh" của trùm thuốc phiện Khun Sa khét tiếng. Ngày nay ở đây không còn trồng thuốc phiện, trở thành khu du lịch sinh thái thu hút du khách quốc tế ghé thăm. Những cánh đồng anh túc năm xưa được thay bằng những thửa ruộng hoa màu, cây trái quanh năm xanh tốt. Chính phủ Thái Lan cho phép xây dựng bảo tàng thuốc phiện tại đây, khởi công năm 2003, khánh thành năm 2005.
Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm, Khun Sa đầu hàng vào tháng 1/1996 được coi là thành tựu chống ma túy lớn.
Cuộc sống tại Tam Giác Vàng đang đổi thay từng ngày. Tại Chiang Rai, có nhiều khách sạn nhà hàng cao cấp đang được xây dựng trên các khu đồi cao ở Chiang Sean. Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn bộ phong cảnh Lào, Myanmar và dòng sông Mekong.
Bên bờ sông thuộc lãnh thổ Thái Lan, các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, sầm uất như thuê mướn xuồng bè, các trang phục đồ dùng cho du khách, mỗi khách chỉ cần bỏ ra từ 300 đến 800 baht (200.000-550.000 đồng) sẽ được phục vụ tận tình.
Đối diện phía bờ bên kia của Myanmar là những khách sạn, tụ điểm vui chơi, giải trí và những sòng bạc hiện đại. Đi lại giữa hai tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) và tỉnh Mea Sai (Myanmar) thông qua cây cầu hữu nghị tại Mea Sai.
Nếu đến Chiang Rai, du khách nên đến thăm bản Therd Thai, cách 42 km về phía bắc. Nơi cách đây hơn 17 năm, trùm thuốc phiện Khun Sa và thuộc hạ chiếm đóng làm căn cứ sản xuất và cung ứng thuốc phiện cho thị trường toàn cầu. Con đường dẫn tời sào huyệt băng nhóm này hiểm trở, ngoằn ngoèo dọc theo những sườn đồi, vách núi dựng đứng. Chính vì địa thế hiểm trở mà Khun Sa đã nhiều lần thoát khỏi truy nã gắt gao của cảnh sát Thái Lan. Đường đi băng qua làng của tộc người Akha, bộ lạc thiểu số với trang phục toát lên nét đặc trưng độc đáo, lạ mắt và trở thành điểm thu hút khách thập phương.
Ngày nay, đội quân Khun Sa không còn, dấu vết là khu lán trại hoang tàn với những mái tôn ố rỉ.
Bản Therd Thai và cả vùng Tam Giác Vàng hiện nay không ngừng phát triển trong "cơn lốc" du lịch toàn cầu. Người dân luôn hy vọng trong tương lai, Chiang Rai sẽ trở thành "thành phố thiên thần" hay "vương quốc những nụ cười" như từng được gọi, thoát khỏi cái bóng là nơi gieo "cái chết trắng" cho nhân loại.
Du khách có thể tham quan Tam Giác Vàng trong ngày, đi bộ lên điểm quan sát để ngắm toàn cảnh hoặc đi thuyền ngược dòng sông Mekong để trải nghiệm xung quanh. Điểm quan sát Tam Giác Vàng là nơi có thể phóng tầm mắt nhìn ra nơi sông Ruak và sông Mekong hợp nhất, thấy biên giới của Lào, Thái Lan và Myanmar, chiêm ngưỡng ranh giới ba quốc gia và hai con sông hợp lưu tại một vị trí.
Tại bến thuyền Phra Chiang Saen Sii Pandin, tượng Phật dát vàng khổng lồ cao 15 m tọa trên bệ có hình chiếc thuyền là điểm dừng đầu tiên. Du khách có thể thuê thuyền đuôi dài để đi qua sông cập bờ Thái Lan, Lào và Myanmar hoặc thực hiện một chuyến đi dài hơn đến trung tâm huyện biên giới Chiang Saen và xa hơn nữa.
Du khách cũng có thể dừng lại ở Don Sao, hòn đảo của Lào ở giữa sông. Sau khi rời thuyền, dừng lại tại chợ địa phương ngắm nhìn các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, giá rẻ hơn tại Thái Lan là một gợi ý. Ngoài ra, bạn có thể tham quan công viên quốc gia rộng lớn trong vùng.
Chuyến tham quan có thể mất vài tiếng. Bên bờ sông gần đó có một khu chợ và nhà hàng sạch sẽ, cung cấp thực đơn phong phú gồm tất cả các món ăn phổ biến của Thái Lan và phương Tây. Các món mì và cơm có giá từ 40 baht -100 baht (27.000 - 70.000 đồng).
Nếu còn thời gian, các điểm dừng chân như thị trấn Ban Sop Ruak chỉ có một con phố độc đạo, chùa Phra That Doi Pu Khao cổ kính hay ăn tối với các món cá bên bờ sông ngắm toàn cảnh Lào khi Mặt Trời lặn là những trải nghiệm nên thử.
Có hai bảo tàng ở Tam Giác Vàng, nơi du khách có thể tìm hiểu về lịch sử thuốc phiện. Một bảo tàng thuộc quản lý của Hoàng gia Thái Lan, một cũ, nhỏ hơn thuộc sở hữu tư nhân. Bảo tàng tư nhân được khách quốc tế tìm đến nhiều hơn, do một phụ nữ địa phương thành lập. Những món đồ cô sưu tập được sau cuộc trấn áp ma túy trở nên quý hiếm như công cụ trồng, thu hoạch và tiêu thụ thuốc phiện, bao gồm ống, cân và nạo.
Hầu hết du khách đến từ Chiang Rai hoặc Chiang Mai theo tour để đảm bảo an toàn. Nếu muốn tự túc, du khách nên thuê ôtô hoặc xe tải nhỏ có tài xế thông qua một công ty du lịch địa phương.
Từ sân bay Chiang Mai hoặc Chiang Rai, du khách bắt xe buýt đến Mae Sai, sau đó đi songtheow màu xanh đến Tam Giác Vàng, khoảng 45 phút. Từ khách sạn hay nhà nghỉ ở Chiang Mai, du khách mất khoảng 3-4 tiếng đi ôtô hoặc xe buýt.
Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Chiang Mai và Chiang Rai là tháng 11 đến tháng 4 vì thời tiết mát mẻ, và có nhiều lễ hội lớn trong vùng. Trong tháng 11 có Yi Peng (lễ hội đèn trời) và Loy Krathong (lễ hội đèn hoa đăng) với hàng nghìn chiếc đèn hoa đăng được thả trôi dọc các bờ sông ở Chiang Mai cầu bình an và may mắn.
Ngoài ra còn có lễ hội hoa trong tháng 2, lễ té nước Songkran giữa tháng 4. Du khách được khuyên không nên đến Chiang Rai tháng 1 đến tháng 3, vì đây là mùa khô. Nông dân thường đốt đồng để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo, ảnh hưởng đến giao thông và sức khỏe du khách, vì đốt rơm nhiều khói.
Trước khi ghé thăm Tam Giác Vàng, du khách có thể thực hiện các chuyến đi đến Wat Rong Khun (chùa Trắng), Wat Rong Suae Ten (chùa Xanh), chùa Prathat đồi Suthep, cưỡi voi lội suối, hay thăm làng dân tộc Karen cổ dài và đồi chè Chui Fong.
Thanh Thu
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin