Tồn tại hàng trăm năm, nghề gác kèo ong ở huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2020.
Theo những người thợ lâu năm ở địa phương, nghề xuất hiện khoảng nửa cuối thế kỷ XIX - khi người dân đặt chân đến vùng đất U Minh khai hoang mở cõi ven những vạt rừng tràm bạt ngàn. Những người đi rừng phát hiện ra tập tính của ong mật chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà. Từ đó, họ nghĩ ra cách "làm nhà" để dụ ong tới rồi khai thác mật, người dân gọi nôm na là nghề ăn ong.
Hệ thống nhà cho ong đến làm tổ gồm hai cây cắm xuống mặt đất để tạo độ nghiêng và một cây kèo gác bên trên.
Nghệ nhân Trần Văn Nhì, 64 tuổi, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh cho biết nơi làm kèo tốt nhất là ở khu vực cây tràm thấp nhiều bông, có ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống. Ong cho đợt mật đầu tiên sau 15-20 ngày đến làm tổ. Sau đó, khoảng 10-15 ngày lấy được các đợt mật tiếp theo.
"Mật ong U Minh Hạ có hai mùa: mùa nước (mùa mưa) từ cuối tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, mùa hạn tháng 10 đến tháng 3 âm lịch", ông Nhì nói.
Anh Phạm Duy Khanh, chủ một khu du lịch sinh thái ở huyện Trần Văn Thời, cho biết gia đình theo nghề gác kèo và khai thác mật ong 20 năm nay. Khi phát triển mô hình du lịch sinh thái vào năm 2015, anh đưa gác kèo ong vào chương trình để du khách được trải nghiệm gác kèo, lấy mật. Khu rừng tràm nguyên sinh của gia đình hiện có khoảng 1.000 kèo ong, tùy theo điều kiện mỗi đợt sẽ có hàng trăm tổ có ong về ở.
Theo anh Khanh, ở khu vực rừng tràm U Minh Hạ, các kèo ong thường được làm khá lớn vì ong nhiều, tổ có kích thước tới 1-2 m. Khu du lịch của anh từng khai thác một tổ ong dài hơn 2 m, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là Tổ ong lớn nhất Việt Nam vào năm 2021.
Đến khu du lịch sinh thái tại U Minh Hạ, khách sẽ được đi vào các cánh rừng tràm bằng xuồng. Bên trên là rừng tràm bạt ngàn, dưới nước là hệ sinh thái nước ngọt - lợ với nhiều loại cá đồng, rau dại. Tại đây, chủ rừng bố trí các kèo ong để khai thác mật và cho du khách trải nghiệm ăn ong.
Khi chọn được tổ ong lấy mật, người thợ ăn ong sẽ phát cho khách một tấm lưới để bảo vệ mặt và bùi nhùi để xông khói xua ong. Người tiếp cận tổ ong sẽ quan sát cách hun khói để đuổi ong, lộ ra tổ ong đầy mật. Những người lấy mật sẽ dùng dao nhỏ cắt một phần tổ ong, chừa lại một phần để ong tiếp tục giữ tổ làm mật. Du khách sẽ được thưởng thức mật ong và ong non vẫn còn nằm trong kén ngay tại chỗ.
Tham gia trải nghiệm ăn ong hồi tháng 4, chị Lê Thị Thúy Diễm đến từ Hậu Giang, cho biết lần đầu chị tận mắt thấy và chạm vào tổ ong mật cỡ lớn. Khi đi lấy mật, chị được người hướng dẫn chia sẻ chi tiết về cách làm kèo, quá trình sinh trưởng của ong mật và cách phân biệt mật ong thật-giả.
"Vị ngọt thanh của mật ong rừng tràm cùng vị bùi bùi của ong non cho tôi cảm giác thật khó quên", chị Diễm nói, cho biết các hoạt động tại rừng tràm U Minh rất thú vị.
Ngoài trải nghiệm ăn ong, du khách đến với U Minh Hạ còn được hòa mình vào thiên nhiên, giăng lưới bắt cá, thưởng thức đặc sản đồng quê như gỏi ong non, cá lóc nướng trui, bánh xèo rau rừng, lươn um lá nhàu.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết nghề gác kèo ong gắn với khai thác và bảo vệ rừng tràm, là nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và tạo ra giá trị kinh tế cao. Địa phương đang tiếp tục vận động người dân làm nghề gác kèo ong vừa khai thác vừa bảo tồn nét văn hóa đặc trưng, cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo của Cà Mau.
Rừng tràm U Minh Hạ rộng khoảng 35.000 ha, nằm trên địa bàn một số xã thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời, tiếp giáp với rừng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang.
Tỉnh Cà Mau thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh cực nam của tổ quốc, cách TP HCM hơn 300 km. Từ TP HCM có nhiều xe giường nằm đến Cà Mau hằng ngày hoặc đi máy bay.
Chúc Ly
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin