Grand Bazaar là một trong những điểm nhộn nhịp nhất nằm tại Istanbul, thành phố được ghé thăm nhiều nhất thế giới 2023, với hơn 20 triệu lượt khách quốc tế, theo Statista. 9 thành phố còn lại gồm London, Paris, Dubai, Antalya, Hong Kong, Bangkok, New York, Cancun, Tokyo.
Chợ được thành lập năm 1461 và mở rộng thành một mê cung trong gần ba thế kỷ tiếp theo. Hiện tại, chợ có diện tích 48.000 m2, hơn 4.000 cửa hàng có mái ngói đỏ. Các thương nhân bán vàng, đồ trang sức, da, lông thú, gia vị tại chợ trong nhiều thế kỷ. Mỗi dãy bày bán một mặt hàng riêng biệt, giúp khách dễ dàng tìm kiếm thứ mình cần. Gần 50 triệu người đã đi qua 21 cổng của khu chợ nổi tiếng này mỗi năm. Vào mùa cao điểm, chợ đón khoảng nửa triệu lượt khách mỗi ngày.
Tuy nhiên, ít người biết trong khu chợ có một cánh cửa bí mật. Khi đẩy cửa vào trong, du khách sẽ bước lên các bậc thang để tham gia tour mới trên tầng thượng ngắm toàn cảnh khu chợ với mái ngói đỏ kê san sát, các con phố cùng khu chợ bên dưới. Trên sân thượng không có đám đông ồn ào, chen lấn mua hàng mà chỉ có một con mèo đang nằm phơi nắng, hoặc một con mòng biển bay từ biển Marmara vào.
Istanbul là thành phố đón nhiều khách ghé thăm nhất thế giới nhưng đây là quang cảnh ít người được nhìn thấy. Theo Elif Yildiz Güven, Tổng giám đốc Grand Bazaar, trước đây chỉ có chủ cửa hàng mới được vào khu vực này và để kiểm tra, gia cố gian hàng trước mùa đông. Từ 2020, khu vực mở cửa đón công chúng thông qua các công ty lữ hành đã đăng ký và các hướng dẫn viên được cấp phép.
Tour giới hạn 10 người, tham quan trong 20 phút từ thứ hai đến thứ bảy. Tên và hộ chiếu của du khách cần được cung cấp cho đơn vị bán tour trước 24 giờ vì lý do an toàn và bảo mật. Hướng dẫn viên sẽ đưa khách đi dạo theo lối đi, bậc thang mà trước đây chỉ dành cho chủ cửa hàng, nhân viên bảo trì chợ. Mọi người không được phép chạy cũng như không được vừa đi vừa quay phim vì nguy cơ ngã rất cao nếu không chú ý.
Trong nhiều năm qua, các mái nhà lợp ngói đỏ được cải tạo liên tục với hàng trăm công nhân tu sửa cùng số tiền lên đến hàng triệu USD. Cho đến 2016, các mái nhà trong khu chợ mới được phục hồi đáng kể. Hiện tại, khu vực này có khoảng 800.000 viên ngói luôn trong tình trạng hoàn hảo nhất. Güven cho biết phục hồi khu chợ cổ không phải công việc "làm một lần là xong" vì nơi này rộng lớn và trải qua nhiều trận động đất. Các viên ngói được làm theo hình bán nguyệt, để nước mưa thoát dễ dàng.
Ban đầu, chợ được xây dựng bằng gỗ trong thế kỷ XV và XVI. Sau khi đối mặt nhiều vụ hỏa hoạn, chợ được xây lại bằng đá và gạch. Tại quận Fatih trung tâm thành phố, du khách có thể nhìn thấy châu Á qua eo biển Bosphorus và bảy ngọn đồi hình thành nên thành phố cổ Constantinople. Khu chợ nằm trên sườn đồi thứ ba.
"Khi đi bộ, bạn có thể nhìn thấy nhà thờ Hồi giáo Nur-u Osmaniye có kiến trúc Baroque hoàn chỉnh duy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là các nhà thờ tráng lệ Beyazit và Süleyman", Güven nói.
Hiện, khu chợ vào mùa cao điểm đón khách vì trùng mùa thu hoạch cũng là mùa cưới. Các bậc cha mẹ sẽ đến chợ để mua vàng làm quà hồi môn cho con. Chợ là nơi bán vàng có giá tốt nhất.
Ngoài vàng, chợ còn bán nhiều mặt hàng có giá trị cao như ngọc lục bảo, hồng ngọc, kim cương. "Đó là lý do khách mua tour lên thăm tầng thượng cần ghi lại thông tin như tên tuổi, số hộ chiếu để đề phòng trường hợp bất trắc", hướng dẫn viên người địa phương Barış Partal nói.
Anh Minh (Theo CNN)
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin