An Giang- Tiệm ở Tri Tôn biến tấu món gỏi mắm đu đủ kiểu Campuchia, giã trong cối, ăn cùng bò nướng, hút khách trong vùng và được nhiều du khách tìm đến. - VnExpress

Tiệm Ri Na nằm tại ấp An Thuận, Châu Lăng, cách thị trấn Tri Tôn gần hai km, bán bò nướng đu đủ đâm gần 20 năm. Tiệm được nhiều khách du lịch biết tới và được nhận xét dễ tìm bởi "vừa đến đầu đường đã ngửi được mùi thơm của mắm và bò nướng".

Còn với người dân địa phương, món chính - bò nướng đu đủ đâm - của quán là ngon và "đông khách nhất tại Tri Tôn", Thu Trang, người địa phương cho biết.

Đu đủ đâm là gỏi đu đủ theo kiểu Campuchia, tên gọi xuất phát từ cách chế biến đâm (dầm, trộn hay giã) trong cối. Thành phần chính của món là đu đủ bào sợi kết hợp với rau muống, đậu đũa, cà chua, rau thơm, chanh, củ hành hòa quyện với các loại gia vị như đường thốt nốt, đậu phộng và đặc biệt là mắm được pha chế theo công thức riêng.

IMG-0829-5499-1724411600.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MM1vYmaHbXfpboVeS661dA

Phần đu đủ đâm kèm bò nướng tại tiệm. Ảnh: Hà Mã Đây

Chị Châu Ri Na, người Khmer, 30 tuổi, cho biết mẹ chị mở tiệm này sau khi học được công thức từ một người Campuchia di cư sang Việt Nam từ 20 năm trước. Ngày đầu mở cửa, món ăn chưa phổ biến, khách chủ yếu là người trong vùng.

IMG-0717-6685-1724411600.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XY8nwZeYEgQNauLxN_NUjQ

Chị Châu Ri Na làm món đu đủ đâm phục vụ khách. Ảnh: Hà Mã Đây

"Ở Campuchia chỉ bán gỏi đu đủ nhưng gia đình tôi kết hợp bán thêm bò nướng để tăng hương vị cho món ăn", chị Na nói.

Chủ quán cho biết để món ăn ngon, trái đu đủ được chọn phải là loại sắp chín hay đu đủ mỏ vịt theo cách gọi của người miền Tây. Để đu đủ giòn và tươi, sau khi bào lấy sợi chị đem ướp đá lạnh. Rau muống ăn kèm cũng được làm tương tự. Loại gia vị không thể thiếu là mắm ủ riêng theo kiểu Khmer, bí quyết giúp món đu đủ đâm Tri Tôn thêm đậm đà, dậy mùi thơm.

Phần xiên bò nướng được làm từ nạm của bò vùng Bảy Núi, huyện Tri Tôn. Thịt bò mua về được rửa sạch và ướp các loại gia vị, để thấm đều. Sau đó quán dùng que tre chẻ đôi kẹp bò vào buộc lại. Các xiên bò được nướng trên than hoa trong khoảng 10 phút, bày ra đĩa ăn kèm muối ớt chanh.

Khi có khách gọi món, chủ quán lần lượt cho đường, muối, bột ngọt, hành tím, tỏi, ớt và một miếng chanh vào cối rồi đâm (giã) cho đều. Kế đến, quán cho sợi đu đủ và ít rau muống bào sợi, các loại rau thơm vào đâm liên tục nhưng nhẹ tay để không bị nát. Phần đu đủ đâm trong vài phút thấm đều gia vị và mắm được đem ra phục vụ cùng bò nướng xiên.

Chị Na cho biết mỗi ngày quán bán khoảng 30 kg đu đủ và 40 kg bò nhưng ngày lễ và dịp vía bà Chúa Xứ số lượng chuẩn bị tăng lên gấp ba. "Dịp lễ đông khách, ngày bán mấy trăm đĩa đu đủ và bò nướng là chuyện thường", chị Na nói.

Quán có diện tích 100 m2, mở cửa từ 11h đến 17h hằng ngày, bò nướng 6.000 đồng/xiên, đu đủ đâm 20.000 đồng đến 25.000 đồng một phần.

Lan Trinh, 24 tuổi sống tại Tri Tôn, cho biết đây là quán quen cô hay ghé buổi chiều và "hương vị bao năm vẫn không thay đổi". "Mình ăn từ thời giá xiên bò từ 2.000 đồng đến nay lên 6.000 đồng", Trinh nói.

Anh Quốc Bình, 40 tuổi, cùng gia đình tới tiệm thưởng thức trong chuyến du lịch An Giang hôm 20/8. Du khách đến từ Đà Nẵng nói đu đủ đâm kết hợp với bò nướng nóng là món "nhất định phải thử khi đến Tri Tôn".

Quán Ri Na trên đường Tỉnh lộ 955B là một trong những địa chỉ nổi tiếng nhiều năm, luôn đông khách vào mỗi buổi xế chiều. Khu vực này có nhiều quán bán đu đủ đâm và bò nướng nên để đến được đúng quán, du khách có thể đi theo bản đồ hoặc hỏi người dân dọc đường.

Món ăn theo hương vị miền Tây nên phần bò nướng hơi ngọt, phần đu đủ đâm thiên vị cay, khách có thể cân nhắc và yêu cầu người bán giảm độ cay theo khẩu vị.

Tuấn Anh

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: