Trung tuần tháng 10, dịp trở lại tham quan Khu truyền thống Cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tôi thật sự bất ngờ với nhiều nét mới nơi đây. Đặc biệt là Không gian giới thiệu các sản phẩm xanh, đạt chuẩn OCOP của huyện với bưởi da xanh, rượu đinh lăng, mật ong…
Một sớm mù sương, những tia mong manh hanh vàng, lưa thưa rắc hạt lên cơn phùn buổi sớm.
Lác đác vài cánh bồ câu chao lượn dưới ánh ban mai vừa ló dạng, thấp thoáng bên ngọn si già xào xạc, rung rinh cành lá gọi mời.
Hòa cùng trăm hoa khoe sắc, những cánh bồ câu cũng tung cánh hân hoan đón chào khách ghé chân tham quan, tìm hiểu địa danh lịch sử Bình Chánh.
Nằm phía Tây Nam Thành phố, Khu truyền thống cách mạng Xuân Mậu Thân 1968 hôm nay như được khoác thêm một chiếc áo mới đầy màu sắc sặc sỡ. Sáng cuối tuần, các cô, các dì, các chị xúng xính áo dài hoa muôn sắc thắm, nô nức tạo dáng check in, ghi lại những tấm hình thật đẹp, kỷ niệm chuyến ghé thăm Di tích lịch sử.
Dưới ngọn lửa thiêng, mọi người thường cùng nhau lưu lại những bức ảnh kỷ niệm nơi đây.
Trang trọng tại khu vực trung tâm Khu truyền thống cách mạng Xuân Mậu Thân 1968 là biểu tượng Ngọn lửa bất diệt - ngọn lửa thiêng liêng bất khuất, thể hiện tinh thần kiên trung của quân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng.
Các đoàn thể, các em học sinh xếp hàng trang nghiêm, trang phục chỉnh tề, thành kính thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Liệt sĩ, đồng bào, chiến sĩ đã hi sinh.
Hương sắc mùa Thu rộn ràng hơn cùng với muôn hoa hòa cùng các tà áo dài thướt tha.
Sắc Thu vàng buổi sớm tại đây khiến mình phải thực hiện ngay kiểu ảnh “thả dáng đón bình minh”, chị Thúy Phượng hồ hởi cho hay.
Ở góc khác, bên các tiểu cảnh sinh động, chiếc xe đạp “hoa mùa thu nở rộ”, hoặc ngay tại trước quảng trường… là tà áo dài hoa của các cô, các chị, càng khiến không gian Khu truyền thống thêm rực rỡ trong buổi sớm mai vương màu nắng.
Cảnh sắc hôm nay tại Khu truyền thống thật tươi mới, nhộn nhịp; lại thêm mấy chú chim bồ câu nô nức xòe cánh xà xuống vui vẻ đón khách, trông thật đáng yêu, cô Tâm thích thú nói.
Cô Trần Thị Thanh Tâm thướt tha trong tà áo dài màu thiên thanh nhờ các anh chị trong đoàn chụp hình, cô nói: “Chụp hình để còn về khoe với bạn, bè, và người thân ở quê nhà”.
Mỗi lần ghé đến Di tích Mậu Thân mỗi lần đều có cảm nhận khác lạ, thấy đẹp hơn, rực rỡ hơn. Nhất là hôm nay lại càng rộn rã hơn với không gian “Cà phê buổi sáng mùa Xuân 68”. Rực thắm sắc màu, sắc hoa làm mình càng thêm hoài niệm sắc Thu Hà Nội, cũng bảng lãng sương giăng cùng những tia nắng mai lưa thưa cành lá buổi sớm, cô Tâm lãng mạn chia sẻ.
Trong cùng buổi sáng, hàng trăm em học sinh từ mầm non đến tiểu học, THCS đến tham quan, tìm hiểu và học tập.
Hòa cùng các đoàn khách, đại biểu, các em học sinh tập trung xuống tham quan tầng hầm Khu turyền thống.
Dịp này, Trường tiểu học Linh Đông TP. Thủ Đức tổ chức cho 250 học sinh đến tham quan học tập, tìm hiểu lịch sử. Chương trình giúp các e hiểu rõ hơn về ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1968, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, thể hiện rõ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lòng tự hào nơi các em được sinh ra và lớn lên.
Trong hành trình về nguồn, tham quan, tìm hiểu Khu truyền thống Mậu Thân hôm nay gồm các giáo viên Tổ ngữ văn và tiếng anh cùng các em học sinh nhà trường, thầy Chương cho hay.
Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Lộc B, thầy Phan Văn Chương xúc động chia sẻ, mình cảm thấy tự hào vì trên địa bàn Huyện có khu Truyền thống trang trọng. Khuôn viên xanh mát, tươi đẹp hấp dẫn du khách tìm về. Chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn về nguồn, đưa các thầy cô giáo và các em học sinh của trường về đây tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Sắc màu của muôn hoa tươi sắc thắm càng làm không khí Thu vàng thêm rộn rã.
Khu truyền thống càng đẹp đẽ, vui tươi hơn với không gian Cà phê Xuân 1968, được bày trí, sắp đặt gọn gàng với quầy cà phê - nước giải khát, quầy lưu niệm, xe hoa trang hoàng vui nhộn, bắt mắt cùng các sản phẩm xanh, OCOP đặc trưng của Huyện.
Chiếc xe Biệt động Sài Gòn dùng làm phương tiện chuyên chở và vận chuyển vũ khí.
“Thật bồi hồi trước các hiện vật trưng bày tại không gian bên dưới quảng trường – Nơi tái hiện chân thực cuộc đấu tranh anh dũng, bất khuất của quân dân ta giành từng tấc đất, hàng cây”, chú Phan Thành Tài đi cùng đoàn tham quan Tân Kiên xúc động nói.
Chú Ba Trung đứng cạnh bên tiếp lời: “Phải quay video ghi lại hình ảnh nơi đây để về mở lên cho con, cháu ở nhà cùng xem”.
Không gian tầng hầm được thiết kế như một bảo tàng với các khu vực triển lãm sống động, mô tả trận chiến ác liệt bên con hẽm nhỏ ở Bàn Cờ, con đường ở Chợ Lớn. Cảnh bom rơi, lửa đạn khắc họa hình ảnh chiến sĩ kiên cường chiến đấu giữa các con phố, ngổn ngang gạch đá…
Cùng với đó là hình ảnh sinh hoạt của quân – dân thắm tình, ẩn sâu các hầm bí mật cất giấu vũ khí, dạn dược. Những trận đánh vang dội đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn được thể hiện chân thực bằng kích thước thật, đưa khách tham quan chìm vào kí ức một thời kiên cường bất khuất của cha ông trong trong thời kháng chiến, đấu tranh Cách mạng.
Đi cùng cha, cô bé chăm chú nghe giới thiệu. “Bé cũng thích đến mấy chỗ như thế này, không gian ở đây tái hiện giống y như thiệt, thật sinh động”, anh Tuấn cho hay.
Khu truyền thống mở cửa xuyên suốt các ngày trong tuần, kể cả Chủ nhật để đón tiếp khách tham quan.
Ngoài việc đón tiếp các du khách đến tham quan tìm hiểu, học tập lịch sử, nơi đây còn tập trung phát triển dịch vụ văn hoá, các hoạt động dã ngoại, vui chơi, giải trí, hội thao, hội trại,…
Ông Trương Văn Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý các di tích lịch sử, dịch vụ văn hoá H. Bình Chánh giới thiệu một số sản phẩm OCOP của Huyện.
Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Huyện, Trung tâm sẽ tổ chức chương trình triển lãm, trưng bày các sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện và các địa phương để giới thiệu đến với bà con, du khách gần xa, ông Trương Văn Hạnh cho hay.
Du khách dễ dàng tìm thấy những món quà lưu niệm ý nghĩa và có thể mua về làm quà tặng người thân và bạn bè.
Các sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện cũng được trưng bày, giới thiệu.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ mở rộng giới thiệu các sản phẩm theo mô hình “Đoàn tàu hỏa đa sắc màu”.
Khu truyền thống sẽ tiếp tục mở rộng thêm các gian hàng, trưng bày các sản phẩm du lịch, nước giải khát… Đặc biệt là các sản phẩm đặc sản các địa phương cùng các sản phẩm xanh, sạch, sản phẩm OCOP đặc trưng của Huyện nhằm phục vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan, tìm hiểu.
Được xem là một trong những tuyến điểm mới hấp dẫn người dân và du khách thời gian gần đây, Khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tọa lạc tại số 226 đường Thế Lữ, ấp 1 xã Tân Nhựt - H. Bình Chánh, chỉ cách trung tâm Thành Phố 25km.
Không gian xanh mát với cây xanh, thảm cỏ, chòi nghỉ chân.... gói gọn trong khuôn viên diện tích 12 ha, Khu truyền thống gồm các hạng mục: Quảng trường, Không gian tái hiện lại toàn bộ Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Khu hoạt động dịch vụ văn hoá (Khu B)…
Nơi đây là một trong những tuyến điểm mới, được giới thiệu, ra mắt trong các chương trình giới thiệu điểm du lịch hấp dẫn của thành phố; thời gian qua đã thu hút hàng vạn lượt du khách tìm về tham quan, tìm hiểu. Khu truyền thống hiện đang tham gia chương trình bình chọn: Điểm đến du lịch hấp dẫn thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin