Ramadan 2020 được người đạo Hồi thực hiện khác với mọi năm, trong bối cảnh Covid-19 thay đổi gần như mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.

Tháng Ramadan là một trong 5 cột trụ quan trọng với gần 2 tỷ người Hồi giáo trên thế giới. Tất cả đàn ông và phụ nữ đủ điều kiện phải thực hiện nghi lễ không ăn uống trong thời gian từ bình minh cho đến khi hoàng hôn buông xuống. Ngày bắt đầu tháng Ramadan là ngày xuất hiện mặt trăng lưỡi liềm vào tháng thứ chín, theo năm Hồi giáo. Thông thường, đây là thời gian hạnh phúc và đáng nhớ của cộng đồng người theo đạo Hồi trên toàn thế giới. Nhiều người đến dự lễ ở các nhà thờ Hồi giáo, các gia đình tụ họp đông đủ để tham gia các nghi thức truyền thống khác nhau ở nhà. Tuy nhiên năm nay, họ phải thay đổi thói quen này.

Tháng lễ Ramadan 2020 bắt đầu vào ngày 23/4, trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn còn áp dụng hình thức cách ly xã hội. Hầu hết các quốc gia đều cấm tụ tập đông người, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo... để ngăn chặn sự lây lan của nCoV. Chỉ có một số người được đến nhà thờ tập trung cầu nguyện trực tiếp, còn hầu hết thực hiện nghi lễ tại nhà.

Một khía cạnh quan trọng khác của Ramadan cũng bị giới hạn là iftar, bữa ăn duy nhất của ngày khi hoàng hôn buông xuống. Đây là dịp để các gia đình, bạn bè cùng tụ tập ăn uống và nấu những bữa ăn lớn. Nhà thờ cũng tổ chức những buổi cầu nguyện và các tín đồ Hồi giáo sẽ tập trung ăn uống vào buổi tối.

Nguoi-dao-Hoi-don-thang-Ramada-6521-1195-1588149362.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZQ_dfDZ5klNMtrbVcUyU1g

Người Hồi giáo tập trung ăn uống trong tháng Ramadan sau khi mặt trời lặn. Ảnh: Alamy Stock Photo/ Culture Trip.

Song năm nay, việc này không thể diễn ra. Trước việc các quốc gia thi hành lệnh giới nghiêm, người Hồi giáo cũng đã dự trữ các nhu yếu phẩm. Mỗi quốc gia đều có những đặc sản riêng bán rất chạy trong tháng Ramadan, những thứ này đang khan hiếm tại nhiều cửa hàng và được bán với số lượng hạn chế.

Mặc dù nghi thức nhịn ăn là bắt buộc đối với tất cả người trưởng thành theo đạo Hồi, vẫn có ngoại lệ đối với người già, phụ nữ mang thai và bất kỳ ai đang có vấn đề về sức khỏe. Những người nhiễm nCoV cũng thuộc trường hợp ngoại lệ và họ được khuyên không nên nhịn ăn cho đến khi bình phục. Những người đang tự cách ly, không có sẵn đồ ăn và đồ uống vào buổi tối cũng có thể cân nhắc không thực hiện nghi thức này nếu nó khiến họ không khỏe.

Thách thức lớn nhất đối với người Hồi giáo năm nay chắc chắn là Eid al-Fitr (lễ hội kết thúc tháng nhịn ăn). Đó ngày cuối cùng của tháng Ramadan, được xem là một trong những ngày quan trọng nhất đối với người Hồi giáo. Tất cả mọi người sẽ tập trung đông đúc trong nhà và ngoài trời, hòa mình trong lễ hội và các bữa tiệc. Mỗi quốc gia sẽ có văn hóa tổ chức Eid al-Fitr khác nhau, song nhìn chung, đây là dịp để mọi người trong cộng đồng có dịp gắn kết, giao lưu. Năm nay, các cuộc tụ họp sẽ không thể tiến hành. Dịp lễ Eid al-Fitr năm nay sẽ rất khác so với mọi năm, điều mà ít người Hồi giáo từng trải nghiệm trước đây.

Trong quan niệm của Hồi giáo, việc giữ gìn sự sống là điều tối quan trọng. Nhà thờ Hồi giáo ở Anh vẫn đóng cửa và những buổi cầu nguyện tối thứ sáu hiện đang diễn ra tại nhà. Hind Makki, một nhà nghiên cứu tín ngưỡng ở Mỹ chia sẻ rằng, cô thấy Ramadan năm nay là thời điểm tốt để nhìn nhận lại hành trình của bản thân. "Chúng tôi có thể quay trở lại với ý tưởng Ramadan là dịp để kết nối với thế giới tâm linh bên trong. Vì tất cả chúng ta đều ở nhà và không tiếp xúc nhiều với bên ngoài", cô nói. Tuy nhiên, Makki cũng có kế hoạch tham dự một số bữa ăn trực tuyến vào buổi tối, cơ hội để cô tương tác với những người khác khi kết thúc thời gian nhịn ăn trong ngày.

Ngoài ra, người đạo Hồi vẫn đang chờ đợi thông tin về việc Hajj có bị hủy bỏ hay không. Hajj là chuyến đi hành hương hàng năm đến thánh địa Mecca, Arab Saudi - điều mà tất cả người Hồi giáo phải thực hiện ít nhất một lần trong đời. Nó diễn ra vào giữa tháng cuối cùng của lịch Hồi giáo. Trong năm 2020 diễn ra vào khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 và được đánh dấu kết thúc bởi lễ Eid al-Adha hay còn gọi là Lễ Hiến sinh.

Nguoi-dao-Hoi-don-thang-Ramada-2874-9677-1588149362.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=leEiYdraK_6NoPUrhEkB9A

Công nhân khử trùng quanh khu vực Hắc Thạch, nhà thờ Hồi giáo Kaaba, Mecca. Ảnh: AMR NABIL/AP.

Hàng năm, có tới 2 triệu tín đồ trên thế giới đến Mecca để hành hương. Song năm nay, việc Hajj có được diễn ra như bình thường hay không là một câu hỏi lớn. Hiện các quan chức Arab Saudi đang đặt thành phố dưới lệnh phong tỏa, và có những hạn chế nghiêm ngặt đối với người đi du lịch trong và ngoài nước. Chuyến hành hương đã bị hủy bỏ lần cuối vào năm 1821 trong đợt dịch tả. Và năm nay, điều tương tự có thể sẽ lại xảy ra.

Ngân Dương (Theo Culture Trip)

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: