Song hành với hoạt động du lịch, Hòn Cau còn là nơi thực hiện những sáng kiến nổi bật nhằm gắn kết cộng đồng trong nỗ lực bảo vệ môi trường, tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Hòn Cau, ‘hòn đảo ngọc ẩn mình’ của tỉnh Bình Thuận, không những sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ đầy quyến rũ, mà còn là nơi được đánh giá cao về đa dạng sinh học, cũng là điểm sinh sản của nhiều loài thuỷ sinh vật quý hiếm - trong đó có rùa biển.
Hòn Cau - viên ngọc quý giữa lòng biển khơi
Thắng cảnh Hòn Cau, hay còn gọi là Cù Lao Câu, thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, là một quần thể bao gồm phần đảo chính và vùng biển quanh đảo. Đảo Hòn Cau, tựa như một viên ngọc quý lặng lẽ tỏa sáng giữa lòng biển khơi. Nằm cách bờ biển 9km, hòn đảo nhỏ với diện tích khoảng 1,4 km² sở hữu một vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần kì vĩ.
Những khối đá triệu năm tuổi muôn hình vạn trạng xếp chồng lên nhau, mặt nước xanh ngọc bích trong vắt soi bóng những rạn san hô sống động, bãi cát trắng mịn trải dài cùng thảm thực vật xanh ngút ngàn tạo nên một cảnh sắc đan xen hài hoà tựa tranh vẽ.
Cảnh sắc hoang sơ và kì vĩ tại Hòn Cau.
Vùng biển quanh đảo được đánh giá cao về tính đa dạng sinh học, sở hữu hàng trăm rạn san hô nguyên thuỷ độc đáo và hơn ba mươi loài thuỷ sinh vật quý hiếm như trai tai tượng, hải sâm, v.v. phân bố rộng khắp. Đặc biệt, hệ sinh thái nơi đây chính là sinh cảnh yêu thích của nhiều loài thuỷ sinh vật quý hiếm, và là nơi sinh sản của rùa biển - loài vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Lứa rùa con nở tại Hòn Cau vào tháng 9/2024.
Đáp ứng toàn diện nhiều tiêu chí, năm 2022, Hòn Cau đã chính thức được xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp tỉnh và nắm giữ nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Tuyến du lịch đảo Hòn Cau thể hiện bước tiến mạnh mẽ với sự gia tăng gần 50% lượng du khách trong vòng một năm (8.295 lượt khách năm 2022 đến 12.026 lượt khách năm 2023), theo báo Bình Thuận.
Trước những dấu hiệu tích cực đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để Hòn Cau có thể nắm bắt được cơ hội phát triển du lịch, bảo đảm lợi ích cho cộng đồng địa phương, đồng thời vẫn giữ gìn được sự cân bằng và đa dạng sinh thái hiện có?
Một trong những câu trả lời chính là việc thành lập Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau từ năm 2010 với tổng diện tích là 12.500 ha. Trong nhiều năm qua, nhờ vào sự hoạt động không ngừng nghỉ của các cán bộ KBTB, hệ sinh thái và đa dạng sinh học nơi đây đã có nhiều tiến triển như sự gia tăng trong số lượng và chủng loại hải sản, sự phục hồi của các khu vực san hô trước đây bị tàn phá do hoạt động đánh bắt và neo đậu tàu thuyền trái phép.
Sức mạnh cộng đồng lan tỏa giá trị chung
Hành trình bền bỉ 14 năm qua của KBTB không chỉ hướng đến việc bảo vệ hệ sinh thái biển quý giá mà còn là một nỗ lực trao quyền cho cộng đồng địa phương nắm vai trò chủ đạo. Việc triển khai Đề án “Phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại KBTB Hòn Cau” từ năm 2019 là một ví dụ nổi bật.
Đáng chú ý, một trong những cách nâng cao hiệu quả và lan tỏa giá trị của KBTB đến với cộng đồng có thể kể đến là sự phối hợp với Liên minh bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, đặc biệt là thông qua Chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển. Chương trình kêu gọi công dân Việt Nam 21-50 tuổi trải nghiệm công tác bảo tồn rùa biển trong bảy ngày tại đảo Hòn Cau.
Tình nguyện viên tham gia trực tiếp vào các công việc bảo tồn như dọn dẹp vệ sinh đảo, bảo vệ ổ đẻ, thả rùa con về biển, canh trực rùa mẹ lên bãi và các công việc nâng cao ý thức cộng đồng sau chương trình.
“Vấn đề bảo vệ môi trường tại Việt Nam nói chung và tại Hòn Cau nói riêng chưa được quan tâm rộng rãi. Sự có mặt của tình nguyện viên ngay tại Hòn Cau là sự giúp ích lớn cho KBTB", chị Lưu Yến Phi, thành viên thuộc Ban quản lí KBTB Hòn Cau chia sẻ.
Tình nguyện viên IUCN đến và lưu trú tại Trạm của KBTB Hòn Cau.
Tình nguyện viên IUCN kiểm tra ổ đẻ rùa biển.
Năm 2024 đánh dấu sự quay lại của một cá thể rùa mẹ lên đẻ trứng năm lần tại Hòn Cau sau ba năm vắng lặng. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với hệ sinh thái biển ở Hòn Cau nói riêng và quần thể rùa biển nói chung. Nhìn chung, rùa biển có tỉ lệ sống sót đến tuổi trưởng thành vô cùng thấp, ở mức 1/1000.
Các yếu tố như biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển (rác thải nhựa, chất thải công nghiệp), hay các hoạt động đánh bắt của con người ảnh hưởng trực tiếp đến sinh cảnh, sức khoẻ và khả năng sinh sản của rùa biển.
Trong khi đó, rùa biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng hệ sinh thái biển bao gồm quần thể sứa, rạn san hô hay các loài thực vật biển. Bảo vệ rùa biển đồng nghĩa với việc bảo tồn cả một hệ sinh thái đảo, giữ gìn sự đa dạng sinh học và cũng là bảo vệ nguồn sống cho cộng đồng địa phương sống dựa vào biển.
Rùa con trước khi chính thức bước vào cuộc chiến sinh tồn giữa đại dương.
Nguyên tắc “ba không” góp phần cho du lịch bền vững
Nếu đến Hòn Cau từ cuối tháng 9 năm 2024, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy tấm bảng ghi rõ ba nguyên tắc của KBTB bao gồm: “Không đánh bắt hải sản trong vùng lõi; Không khai thác, dẫm đạp san hô; Không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”. Tuy KBTB thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền - nâng cao ý thức, nhưng việc thực hiện phần lớn đến từ ý thức tự nguyện của chính người dân, bao gồm cả khách du lịch, tình nguyện viên, ngư dân hay cán bộ công tác trên đảo.
Tấm bảng nguyên tắc “ba không” tại KBTB Hòn Cau.
Khai thác tài nguyên biển để phục vụ cho du lịch hay buôn bán là hoạt động sinh kế chính của cộng đồng bám biển. Khi KBTB từng là ngư trường của người dân địa phương, công tác kiểm soát tàu thuyền neo đậu ở đây cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Trần Hoàng Phước - cán bộ Đội tuần tra và Kiểm soát của KBTB Hòn Cau tâm sự: “Công việc này nên bắt đầu từ việc giải thích cho người dân hiểu, vì hiểu rồi thì mới thấy thích, lúc đó người dân sẽ cùng mình bảo vệ vùng biển này luôn". Bên cạnh đó, với anh Phước, việc các cán bộ KBTB đều là người dân địa phương là một thế mạnh trong công tác bảo tồn, vì họ là những người hiểu và yêu nơi này nhất.
Thực tế, hoạt động du lịch, nếu kết hợp giữa KBTB, vẫn có thể mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương; đồng thời, người dân cũng có xu hướng hành động bảo vệ môi trường khi các lợi ích và giá trị của họ được đảm bảo. Thay vì trước đây, rùa biển thường bị săn bắt để lấy thịt và làm đồ thủ công – khiến số lượng loài suy giảm nghiêm trọng, thì hiện nay việc bảo tồn rùa biển lại mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ thông qua du lịch sinh thái.
Theo IUCN, tại nhiều nơi trên thế giới, du khách sẵn sàng trả tiền để quan sát rùa biển đẻ trứng, tạo ra nguồn thu lớn cho cộng đồng địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Việt Nam cũng bắt đầu áp dụng mô hình này tại Côn Đảo, mang lại hiệu quả tích cực.
Nhìn chung, sự duy trì và phát huy hoạt động các KBTB tại các địa điểm du lịch là vô cùng quan trọng nhằm nâng cao thực hành du lịch có trách nhiệm, cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và cơ hội phát triển du lịch. Bên cạnh đó, việc khuyến khích khách du lịch trở thành tình nguyện viên cũng có thể được cân nhắc.
Tuy đây là hành trình gian nan, nhưng với sức mạnh của cộng đồng, cùng sự tham gia của nhiều bên liên quan, Hòn Cau vẫn nắm giữ tiềm năng lớn trong phát triển du lịch bền vững, đáp ứng Mục tiêu số 14 ‘Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển” trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin