Về lý thuyết, Du lịch không phát thải (Net Zero Tourism) là một điểm đến của ngành du lịch mà con đường đã được vẽ ra một cách tường minh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để đạt được điều đó là rất khó khăn và nhiều thách thức đối với nền kinh tế.
Thách thức đối với thế giới
* Thách thức trong nội bộ ngành du lịch
Việc đạt được phát thải ròng bằng 0 cho ngành du lịch trong dài hạn vẫn đang gây ra khá nhiều tranh cãi và nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, một số đối tượng cho đây là một mục tiêu quá tham vọng đến mức khó có thể đạt được vào năm 2050. Trên quy mô của một chuỗi giá trị ngành du lịch và cả một nền kinh tế với rất nhiều hoạt động, đối tượng khác nhau, người ta khó lòng xác định và lựa chọn được đòn bẩy và sáng kiến quan trọng phù hợp để kích hoạt hiệu quả quá trình chuyển đổi.
Thách thức lớn nhất hiện nay là hoạt động đo lường và giám sát phát thải để có thể báo cáo các chỉ số ESG nhằm có chiến lược, kế hoạch và đánh giá đúng quá trình chuyển đổi. Trên chuỗi giá trị ngành du lịch, các sản phẩm dịch vụ có tính chất đa dạng xoay quanh các hoạt động của du khách nên cách thức đo lường khác biệt nhưng khi tính phát thải trên cả chuỗi thì lại đòi hỏi phải kết hợp.
Ảnh: Shutterstock
Việc đo lường không chính xác, trùng lắp hoặc rò rỉ phát thải là điều có thể xảy ra làm triệt tiêu động cơ chuyển đổi của các cá thể và gây mất niềm tin vào tính minh bạch và hiệu quả của quá trình trung hòa carbon. Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn đầu tư vào các nỗ lực liên quan đến carbon vẫn chưa thể xác định được, điều này khiến hoạt động trung hòa phát thải khó nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư, hội đồng quản trị và các cổ đông.
Việc thiếu thốn các nguồn lực đầu vào cho quá trình trung hòa phát thải, đặc biệt là nguồn lực về tài chính và ngân sách đang tạo rào cản lớn cho việc chuyển đổi. Các nguồn vốn xanh chủ yếu dồi dào ở thị trường vốn quốc tế chưa đủ sức kích hoạt được nền kinh tế thế giới và các tiêu chuẩn đưa ra cũng rất khắt khe.
Ảnh: Shutterstock
Trong khi đó, nếu muốn thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư thì các hoạt động chuyển đổi xanh lại không thể chứng minh được mối liên hệ rõ ràng giữa việc giảm phát thải với giá trị kinh doanh và lợi thế cạnh tranh.
Nguồn lực về con người cũng là một vấn đề lớn, ngay cả đối với nhóm nhân sự lãnh đạo, việc chuyển đổi tư duy từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cũng là một thách thức lớn. Trong khi đó, với nhóm nhân sự bên dưới, những hạn chế do chưa kịp cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan đến phát triển bền vững sẽ gây khó khăn lớn cho quá trình chuyển đổi.
* Thách thức đến từ bối cảnh bên ngoài ngành du lịch
Thị trường tiêu dùng có tính chất quyết định lớn đến hành vi nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ vì khách hàng là người trả tiền mua sản phẩm du lịch nên cũng là đối tượng tạo động cơ thay đổi cho các doanh nghiệp và tổ chức. Tiếc là cho đến thời điểm hiện này, sự ủng hộ chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải đến từ thị trường vẫn còn khá yếu.
Ảnh: UNDP
Một trong những nguyên nhân chính là do sự thiếu minh bạch trong việc thể hiện thông tin phát triển bền vững. Hiện tượng tẩy xanh thương hiệu được bóc trần ở một số quốc gia khiến khách hàng tỏ ra thiếu lòng tin vào các doanh nghiệp tuyên bố quá trình chuyển đổi xanh của mình. Bên cạnh đó, những giới hạn của các công nghệ và sự cồng kềnh của bộ máy quản lý hành chính ở giai đoạn đầu chuyển đổi khiến việc trung hòa phát thải trở nên đắt đỏ.
Chi phí đạt được các mục tiêu phát triển bền vững còn cao trong khi mức độ sẵn sàng chi trả cho sản phẩm du lịch bền vững của du khách còn thấp.
Hiện nay, các công nghệ hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải đang trong giai đoạn nghiên cứu và được đưa ra thị trường ban đầu nên chi phí còn cao trong khi đó, như đã đề cập bên trên, sự giới hạn về tài chính và ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững khiến năng lực chi trả cho các công nghệ sẵn có của các doanh nghiệp còn thấp.
Nhất là khi các doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết về các công nghệ mới nổi khiến họ dè dặt hơn trong việc quyết định mua và ứng dụng vào quá trình sản xuất và cung ứng. Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ hay chuyển đổi mô thức vận hành còn phụ thuộc lớn vào cơ sở hạ tầng sẵn có. Điều này khiến cho quá trình ứng dụng các công nghệ hay thay đổi mô thức vận hành đáp ứng yêu cầu không phát thải diễn ra chậm chạp hơn.
Các quy định và những yêu cầu báo cáo được ban hành ngày càng nhiều nhưng lại thiếu cơ chế khuyến khích thông qua tài trợ các nguồn lực để doanh nghiệp thực hiện. Điều này khiến các chính sách, quy định báo cáo trở thành gánh nặng thách thức các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế.
Trong khi đó, các thể chế vẫn tiếp tục thay đổi trong bối cảnh thích ứng khiến các doanh nghiệp hoang mang và cảm thấy thiếu minh bạch trong công tác quản trị. Sự thiếu nhất quán về số liệu carbon và phương pháp báo cáo đang tạo ra một tương lai bất định gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.
Thách thức của ngành du lịch Việt Nam trong việc xây dựng Net Zero Tourism
* Thách thức trên cả nước
Việt Nam có trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ với các hoạt động nhỏ lẻ, tính liên kết thấp, đây sẽ là trở ngại lớn cho quá trình xác định dấu chân carbon, nguồn phát thải và kiểm kê khí nhà kính.
Trong khi đó, các nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế, khoảng 50% dữ liệu quan trọng đang nằm trong tay các tổ chức tư nhân có hoạt động kinh doanh đặc thù tạo được dữ liệu, tuy nhiên các dữ liệu này khó có thể được tập trung để chia sẻ công khai. Việc thiếu thốn dữ liệu sẽ hạn chế khả năng nhận thức được các bối cảnh và tăng tính liên kết, phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
Hội An nỗ lực để trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước. Ảnh: Shutterstock
Không riêng gì Du lịch và Lữ hành, hiện nay, các ngành kinh tế tại Việt Nam chủ yếu đang được khu vực công quản lý theo ngành chứ chưa theo chuỗi giá trị và cụm ngành gây khó khăn cho việc xác định và đánh giá phát thải theo 3 phạm vi. Trong khi đó, ở khu vực tư nhân, tư duy và triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa kịp chuyển đổi.
Trong một nền kinh tế theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, không phải một doanh nghiệp có khả năng sản xuất sản phẩm dịch vụ số lượng lớn, chất lượng cao với chi phí thấp sẽ nắm được ưu thế trên thị trường mà phải là doanh nghiệp có năng suất cao trong điều kiện phát thải thấp mới nhận được sự ủng hộ của nền kinh tế.
Du khách đi xuống ba lá dọc những rừng dừa xanh mướt ở Bến Tre. Ảnh: Shutterstock
Tuy nhiên, việc cân bằng giữa thách thức duy trì và chuyển đổi của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một rào cản lớn. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp vẫn phải duy trì các mô thức vận hành và những công nghệ cũ để tiếp tục sản xuất, cung ứng sản phẩm nhằm có doanh thu và đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trong khi đó, áp lực phải chuyển đổi để đạt được mục tiêu không phát thải lại buộc họ phải thay đổi ngay trong ngắn và trung hạn trong khi dòng tiền chảy vào từ doanh thu cho hoạt động này lại khó xác định. Hiện nay, một số doanh nghiệp có xây dựng bộ phận hoặc dự án hướng đến phát triển bền vững nhưng vẫn rất hạn chế và khó tích hợp được câu chuyện giảm phát thải vào các hoạt động một cách hiệu quả.
Từ bước thứ 2 trong lộ trình khử carbon trên chuỗi giá trị ngành du lịch đòi hỏi phải có sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, do hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với ngành du lịch, đa phần đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thiếu những vị “nhạc trưởng” đóng vai trò dẫn dắt cuộc chơi, điều này không chỉ làm giảm tính phối hợp mà còn gây khó khăn trong việc cân bằng lợi ích giữa các mắc xích và đối tượng trên chuỗi giá trị.
Qua một thời gian dài xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các sáng kiến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững còn khá hạn chế và chỉ dừng lại ở việc cải thiện vấn đề cá nhân hoặc ở một công đoạn, không bao phủ được tất cả dấu chân carbon. Điều này khiến các công nghệ trong nước khó bắt kịp các công nghệ mới liên tục ra đời trên thế giới.
Thách thức ở TP.HCM
Hồ Chí Minh là thành phố lớn với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có quy mô và thương hiệu mang tính cạnh tranh cao. Đây có thể xem là một lợi thế hiếm hoi so với cả nước, tuy nhiên, sự chênh lệch trong hoạt động và năng lực của các đối tượng trong ngành du lịch cũng có thể sẽ gây rào cản cho quá trình phối hợp.
Qua một thời gian dài công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, Thành phố đang rơi vào giai đoạn bão hòa khi các nguồn lực dần toàn dụng, quỹ đất sạch không còn nhiều, chi phí sản xuất kinh doanh đắt đỏ, các nguồn lực về tài chính, con người và công nghệ đều đang khó bắt kịp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, giai đoạn nền kinh tế cần phát triển theo chiều sâu.
Khu Du lịch Vàm Sát, Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Hải An
Quá trình phát triển quá nóng của thị trường bất động sản và các sản phẩm dịch vụ đang khiến cơ sở hạ tầng và quy hoạch thành phố bị “phình to”, chưa tương thích với nhu cầu kinh tế thực, điều này gây ra nhiều hạn chế cho quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Thành phố vẫn phải giải quyết bài toán duy trì sinh kế cho người dân, đặc biệt là nhóm lao động nhập cư trong khi phải dịch chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức.
Cuối cùng, mặc dù có một số ưu thế trong việc huy động nguồn lực về tài chính và công nghệ từ các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và khu vực tư nhân vốn đang phát triển rất mạnh ở thành phố, TP.HCM được đánh giá là vẫn chưa thể khai thác hết được lợi thế này cho các hoạt động báo cáo và giám sát quá trình khử carbon.
Một số khuyến nghị cho ngành du lịch Việt Nam và TP.HCM
Trong bối cảnh đầy thách thức như đã phân tích, việc chuyển đổi và xây dựng Du lịch không phát thải cần được ưu tiên thực hiện các hoạt động, các tổ chức, các lĩnh vực có tính khẩn cấp và có tính khả thi cao hơn. Tính khẩn cấp được xác định dựa vào bối cảnh nhu cầu thị trường du lịch và yêu cầu của các thể chế trong và ngoài nước. Tính khả thi có thể thực hiện theo đề xuất về ba nhóm mục tiêu như khuyến nghị của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới đã trình bày bên trên.
Để đảm bảo cân đối giữa thách thức duy trì trong ngắn hạn và thách thức chuyển đổi trong trung dài hạn, cả khu vực công và các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân đều phải thành lập các nhóm bền vững chuyên trách để tập trung vào vấn đề trung hòa carbon nhưng đảm bảo quá trình vận hành chính vẫn đang tiếp diễn để đem lại doanh thu.
Tuy nhiên, để các tổ chức có thể tích hợp dần câu chuyện khử carbon vào tất cả các hoạt động kinh doanh hiện hữu, việc thiết kế các công cụ đánh giá tác động và các phân tích chuỗi cung ứng lãi & lỗ môi trường là cần thiết để có thể giúp hiểu rõ hơn về các tác động kinh doanh hiện tại và phạm vi hành động khí hậu cần thiết như một điểm khởi đầu.
Với 1 đô thị lớn như TP.HCM, việc xây dựng nền tảng về dữ liệu hay thông tin sẽ đóng vai trò thúc đẩy thị trường giảm phát thải định hình trong đó có ngành du lịch. Ảnh: Văn Trung
Các tổ chức, doanh nghiệp du lịch trong nước trong quá trình thực hiện các dự án chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng giảm phát thải có thể huy động nguồn lực tài chính quốc tế thông qua tạo tín chỉ bù đắp carbon. Các sản phẩm du lịch và lữ hành không phát thải có thể là hoạt động tạo doanh thu chính, nhưng tín chỉ carbon cũng sẽ là sản phẩm đem lại doanh thu bổ sung.
Khi thiết kế các chính sách, quy định liên quan đến trung hòa phát thải, việc tăng cam kết của các đối tượng trong nền kinh tế đối với nhiệm vụ chuyển đổi cần được thực hiện thông qua tạo cơ chế động lực đến từ thị trường và khen thưởng – chế tài từ các chính sách chính phủ.
Riêng đối với các đô thị lớn như TP.HCM, việc xây dựng nền tảng về dữ liệu hay thông tin sẽ đóng vai trò thúc đẩy thị trường giảm phát thải định hình trong đó có ngành du lịch. Bên cạnh đó, TP.HCM là một trong những địa phương có quy mô kinh tế lớn với sự hình thành rõ nét các cụm ngành hỗ trợ cho các sản phẩm dịch vụ du lịch như logistics, tài chính ngân hàng,…việc quản trị Du lịch & Lữ hành nên được thực hiện theo cách tiếp cận chuỗi giá trị và cụm ngành.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần kết nối với các địa phương trong vùng TP.HCM, Đông và Tây Nam Bộ để mở rộng phạm vi nền kinh tế, khai thác các nguồn lực mới trong bối cảnh bão hòa và viết nên câu chuyện du lịch đặc sắc về kinh tế môi trường.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính đến kinh tế tuần hoàn, TP.HCM cần tạo điều kiện khuyến khích sự hình thành các cụm ngành hỗ trợ chuyển đổi xanh như các hoạt động kiểm toán, truy xuất carbon, chứng nhận phát thải, tư vấn và nghiên cứu về quá trình trung hòa phát thải.
Bên cạnh đó, để cải thiện nguồn lực tài chính và ngân sách cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải, Thành phố cần tạo môi trường thân thiện hơn cho các nguồn vốn đầu tư xanh chảy vào. Và đối với các rào cản đến từ yếu tố con người, các chính sách giáo dục cần hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tích hợp nội dung phát triển bền vững vào các chương trình đào tạo, chuyên ngành ở các trường, tổ chức giáo dục.
Bài 1: Du lịch Net Zero, thách thức không nhỏ đối với thế giới
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin