Trước thách thức "số chưa qua, xanh đã tới", các doanh nghiệp du lịch cần tìm ra giải pháp hiệu quả để cân bằng vấn đề này. Vậy đâu là những hướng đi khả thi giúp họ vượt qua áp lực kép này?
Trước đó, Tạp chí Du lịch TP.HCM đã thực hiện bài viết "Số chưa qua, xanh đã tới": Áp lực kép đối với doanh nghiệp du lịch TP.HCM. Có thể nói, thực trạng này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp du lịch, buộc họ phải tìm ra hướng đi phù hợp để cân bằng giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Vậy, đâu là những hướng đi hiệu quả trong giai đoạn đầy thách thức này?
Xây dựng các tour, dịch vụ du lịch xanh phù hợp
Bà Trần Hương Giang, Giám đốc chuyên môn - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt, nhận định “chuyển đổi xanh” là một yêu cầu cấp thiết do tình trạng cạn kiệt tài nguyên và gia tăng phát thải khí nhà kính, dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường và khí hậu. Đây là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự chuyển đổi trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Bà Trần Hương Giang – Giám đốc chuyên môn - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt,
“Mối quan hệ giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là phức tạp. Chuyển đổi số có thể hỗ trợ chuyển đổi xanh thông qua việc số hóa thông tin, ứng dụng công nghệ điện tử, và phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu sâu hơn về tác động của chuyển đổi số đối với phát thải và bảo vệ môi trường”, bà Giang nói.
Hiện nay, TP.HCM đang đẩy mạnh “du lịch xanh”. Song “du lịch số” đã và đang tiếp diễn
“Đồng thời, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là phải duy trì hoạt động hiện tại trong khi đồng thời tiến hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải vừa duy trì mô hình vận hành cũ vừa xây dựng mô hình mới, gây ra gánh nặng về nguồn lực”, bà Giang chia sẻ thêm.
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình chuyển đổi do hạn chế về nguồn lực. Trong khi đó, doanh nghiệp lớn có lợi thế hơn do có nhiều nguồn lực để đầu tư và chịu được giai đoạn quá độ. Vai trò của Chính phủ và các doanh nghiệp lớn là rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi. Theo đó, cần có chính sách và nguồn lực tài chính thích hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này thực hiện chuyển đổi”, bà Giang cho ý kiến.
Cũng theo bà Giang việc huy động nguồn lực tài chính quốc tế để hỗ trợ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh gặp khó khăn do yêu cầu về đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận và nâng cao năng lực quản trị.
Trong bối cảnh kinh tế biến động, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường và phát triển bền vững.
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly, cho rằng hiện tại chưa có quy định bắt buộc nào về việc các doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi số hay chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, áp lực đến từ sự thay đổi của thời đại, xu hướng phát triển kinh tế xanh toàn cầu và nhu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp cần phải thích ứng với những xu hướng này để không bị tụt hậu.
“Thách thức lớn nhất là nâng cao nhận thức và tuyên truyền, quảng bá để thay đổi được tư duy và hành vi của cả doanh nghiệp và khách hàng. Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn vốn đầu tư ban đầu cũng là một thách thức đáng kể, đặc biệt là với các doanh nghiệp cũ”, bà Ly cho hay.
Bên cạnh đó, chuyên gia Phan Yến Ly còn cho rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai quá trình gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Việc áp dụng công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch quản lý hiệu quả hơn và thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, để đạt được những sản phẩm du lịch xanh đích thực, các doanh nghiệp cần phải có sự sáng tạo và xây dựng các tour, dịch vụ du lịch xanh phù hợp.
“Việc tuyên truyền, quảng bá về ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức của cả doanh nghiệp và khách hàng, từ đó tạo nên sự chấp nhận và ủng hộ cho các sản phẩm du lịch xanh”, bà Ly nhấn mạnh.
Khẳng định vị thế trên thị trường cạnh tranh ngày càng cao
Tiến sĩ Tạ Duy Linh, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, cho rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu trong ngành du lịch, yêu cầu doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng lực công nghệ mà còn cam kết bảo vệ môi trường.
Trong đó, chuyển đổi số giúp tối ưu hóa hoạt động, tăng cường tương tác với khách hàng và nâng cao trải nghiệm dịch vụ.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp du lịch từ việc tích hợp ứng dụng quản lý đến phân tích dữ liệu hành vi du khách, tối ưu hóa quy trình và đáp ứng nhanh chóng xu hướng tiêu dùng mới. Đặc biệt, công nghệ còn hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với biến động như đại dịch, khi công nghệ trở thành cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và du khách.
Tiến sĩ Tạ Duy Linh - chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch
Song song đó, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu thiết yếu từ thị trường và các cơ quan quản lý. Trong thực tế, ngày càng nhiều du khách mong muốn trải nghiệm các dịch vụ thân thiện với môi trường, từ việc tiết kiệm năng lượng đến giảm thiểu rác thải nhựa.
Do đó, các doanh nghiệp du lịch đang tập trung triển khai các biện pháp như: sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa công nghệ tiết kiệm năng lượng và tham gia vào các dự án bảo vệ thiên nhiên tại điểm đến.
Du lịch “xanh” đang được đẩy mạnh tại TP.HCM
"Chuyển đổi kép không hề đơn giản, khi doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đầu tư lớn cho thiết bị và đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, lợi ích dài hạn của chuyển đổi kép là đáng kể, giúp xây dựng thương hiệu bền vững, thu hút khách trung thành và khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường", tiến sĩ Tạ Duy Linh nói.
Ưu tiên và có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn
Chuyển đổi số và phát triển bền vững hướng đến “net zero” đều là mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Tạ Duy Linh, không ít doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn khi phải cân bằng cả hai cùng lúc.
Đầu tiên, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề tài chính. Đầu tư vào công nghệ số và các giải pháp xanh, giảm phát thải đều đòi hỏi nguồn kinh phí đáng kể. Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc phải ưu tiên một trong hai mục tiêu trở thành vấn đề nản giải, vì ngân sách thường hạn chế.
Tiếp theo, chuyển đổi số yêu cầu đội ngũ có kiến thức về công nghệ và quản lý dữ liệu, trong khi chuyển đổi xanh đòi hỏi hiểu biết về quy trình bền vững và quản lý năng lượng. Việc tìm đội ngũ đáp ứng cả hai yêu cầu và đào tạo nhân viên hiện tại là một thách thức lớn.
Một yếu tố quan trọng nữa là thời gian và tốc độ thay đổi. Nhiều doanh nghiệp thấy rằng, việc xây dựng một lộ trình chuyển đổi số vững chắc có thể mất nhiều thời gian để triển khai và ổn định.
Trong khi đó, mục tiêu “net zero” cũng cần có thời gian để thiết lập các quy trình và hệ thống mới, nhằm giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo hiệu quả kinh doanh không bị ảnh hưởng. Hai quá trình này, nếu diễn ra đồng thời có thể khiến doanh nghiệp bị quá tải, dẫn đến tiến độ dang dở và khó đạt được kết quả như mong muốn.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các chính sách, mô hình hợp tác công - tư và các chương trình vay vốn ưu đãi từ chính phủ hoặc tổ chức quốc tế, một số doanh nghiệp đã thành công trong việc lên kế hoạch từng bước để đạt “mục tiêu kép” này. Chìa khóa ở đây, chính là xác định rõ ưu tiên và có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, để đảm bảo vừa tận dụng được công nghệ, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường.
Phát triển chiến lược và lâu dài
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là hai định hướng phát triển chiến lược và lâu dài mà bất kỳ doanh nghiệp, cơ sở du lịch nào cũng cần lưu ý thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Để xây dựng tốt và đầy đủ hai tiêu chí này, ông Linh cho rằng, các doanh nghiệp có thể chú trọng vào một số điểm sau như:
Một là, xây dựng lộ trình chuyển đổi rõ ràng: mỗi doanh nghiệp cần xác định mục tiêu cụ thể và lộ trình từng giai đoạn cho cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Điều này giúp doanh nghiệp có thể theo dõi tiến độ, đánh giá và điều chỉnh các bước đi một cách hợp lý. Một lộ trình rõ ràng cũng đảm bảo rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có thể bổ trợ lẫn nhau, mà không gây ra áp lực quá lớn về mặt tài chính hay nhân lực.
Hai là, đầu tư vào hạ tầng công nghệ: đối với chuyển đổi số, các cơ sở du lịch cần đầu tư vào hệ thống quản lý khách hàng (CRM), hệ thống dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu để tối ưu hóa các hoạt động và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, việc áp dụng các giải pháp công nghệ như Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa sẽ giúp giảm tiêu hao năng lượng và tối ưu hóa quy trình vận hành, hỗ trợ cho mục tiêu chuyển đổi xanh.
Khu du lịch áp dụng công nghệ vào trồng nông sản
Ba là, đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên: để chuyển đổi thành công, yếu tố con người là không thể thiếu và xem nhẹ. Các doanh nghiệp cần xây dựng các chương trình đào tạo về kỹ năng công nghệ số cho đội ngũ nhân viên, cùng với đó là nâng cao nhận thức về môi trường và các phương pháp làm việc bền vững. Sự cam kết của nhân viên với hai mục tiêu này, sẽ giúp doanh nghiệp triển khai các kế hoạch một cách đồng bộ và hiệu quả hơn.
Bốn là, tận dụng nguồn hỗ trợ và chính sách ưu đãi: hiện nay, có rất nhiều chương trình hỗ trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế, quỹ môi trường và từ các chính sách khuyến khích của chính phủ dành cho doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số; và phát triển bền vững. Doanh nghiệp nên tìm hiểu và tận dụng những chính sách này để giảm thiểu chi phí và rủi ro trong quá trình chuyển đổi.
Năm là, thiết lập hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả: để biết các chuyển đổi đang diễn ra hiệu quả đến đâu, các doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chí đo lường cụ thể cho từng hạng mục chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chẳng hạn, với chuyển đổi số, có thể theo dõi chỉ số hài lòng của khách hàng, tỷ lệ khách quay lại hoặc thời gian xử lý đơn hàng. Còn với chuyển đổi xanh, các chỉ số như mức giảm phát thải carbon, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo hay lượng rác thải nhựa được giảm thiểu sẽ giúp đánh giá sự tiến bộ.
Sáu là, tăng cường hợp tác công - tư và liên kết cộng đồng: để hai chuyển đổi này thực sự bền vững và có sức lan tỏa, các doanh nghiệp du lịch cần hợp tác với các bên liên quan, từ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cùng ngành đến cộng đồng dân cư tại điểm đến. Sự hợp tác này không chỉ tạo ra giá trị chung, mà còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng và xây dựng hình ảnh du lịch bền vững cho địa phương.
"Tóm lại, việc thực hiện đồng thời chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đòi hỏi sự kiên trì và chiến lược hợp lý. Các doanh nghiệp cần có cái nhìn dài hạn, chuẩn bị kỹ lưỡng về cả tài chính, nhân lực và công nghệ; từ đó, có thể xây dựng một hệ thống hoạt động bền vững và hiệu quả, không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ và phát triển điểm đến du lịch trong tương lai", tiến sĩ Tạ Duy Linh nhấn mạnh.
Trong tương lai, du lịch vừa số vừa xanh sẽ trở thành xu hướng chủ đạo, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Việc kết hợp công nghệ số để nâng cao trải nghiệm khách hàng và các giải pháp bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn tạo dựng được hình ảnh thương hiệu thân thiện với môi trường. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp khẳng định vị thế và phát triển bền vững trong một thế giới ngày càng chú trọng đến bảo vệ hành tinh.
Bài 1: ‘Số chưa qua, xanh đã tới’: Áp lực kép đối với doanh nghiệp du lịch TP.HCM
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin