Nghệ thuật vẽ hoa văn trên thổ cẩm của người Dao Tiền ở Hoài Khao không chỉ lưu giữ sáng tạo dân gian lâu đời mà còn chứa đựng một không gian văn hóa, duy trì truyền thống tốt đẹp hàng trăm năm và ý thức gìn giữ thiên nhiên đáng quý của người dân nơi đây.
Nếu người Mông ở Yên Bái (Trạm Tấu, Mù Kang Chải, Văn Chấn) đã ghi tên mình vào hệ thống di sản phi vật thể quốc gia nhờ nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải.
Người Dao Tiền ở Hoài Khao – Cao Bằng cũng vẽ hoa văn bằng sáp ong trên thổ cẩm nhưng câu chuyện của họ thể hiện nét đẹp trong việc khai thác và gìn giữ không gian sống cho loài ong đá (loài ong quý được ghi vào Sách Đỏ) hàng trăm năm, tạo ra không gian văn hóa riêng - nơi con người và tự nhiên sống cân bằng, nương tựa lẫn nhau.
Vẽ họa tiết bằng sáp ong lên vải còn gọi là nghệ thuật vẽ batik xuất hiện từ hơn 2500 năm trước trên thế giới (ở Viễn Đông, Trung Á, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á,..). Tại Việt Nam, nghệ thuật batik là một nét đặc trưng trong văn hóa trang phục của người Mông người Dao.
Vải được dệt thủ công trên khung cửi gỗ, trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ để tạo ra hoa văn. Khi xưa, chưa có công nghệ hiện đại hỗ trợ, người dân là vải bằng cách đặt trên mặt phẳng của những phiến đá lớn, phẳng mịn sau đó dùng nanh lợn là thật nhẵn và láng bóng.
Để có sáp ong như ý bắt đầu vẽ, công đoạn đun sáp ong cũng được làm tỉ mỉ, đảm bảo khi vẽ họa tiết không bị nhòe (nếu loãng quá) hoặc không ăn vào vải (nếu đặc quá).
Dụng cụ vẽ sáp ong gồm: Dụ pơi (một que tre nhỏ được vót nhọn đầu), Woè (một thanh tre hoặc trúc nhỏ được vót mảnh ở giữa, sau đó gấp lại thanh hình tam giác vừa tay người), Chùn thốc (hai ống tre hoặc trúc to và nhỏ dùng để tạo hình đồng tiền) và Phông Tháo Phan (là lá của cây Chít, dùng để đệm khi các đường thẳng chi tiết ngắn).
Hoa văn được tạo ra theo các bước sau: dùng Woè chấm vào sáp ong tan chảy rồi chấm lên vải tạo hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, các đường ngắn, dài trong các hình.
Chùn thốc để tạo hình đồng tiền (Chùn thốc to chấm hình tròn vòng ngoài, Chùn thốc nhỏ chấm tạo hình tròn nhỏ bên trong). Sau đó, dùng Phông tháo phan để đệm giữa các đường thẳng ngắn trong hình tránh sáp ong chấm sau đè lên các hình họa đã vẽ trước đó.
Các hoa văn trên trang phục thể hiện niềm mong ước của người dân về một cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu.
Họa tiết trang trí trên trang phục người Dao Tiền có 6 dạng mô típ chính: Chùn thốp (hoa văn đồng xu), Chùn heng (hoa văn kẻ ngang), Chùn chủn (hoa văn hình chữ nhất xếp chồng lên nhau), Sà Pjơi (hoa văn hình chữ nhật có vạch kẻ bên trong), Chùn chjao (hoa văn sóng nước màu trắng của vải từ chấm sáp ong giữ lại); Chùn meng (sóng nước màu chàm).
Sau khi hoàn chỉnh bộ hoa văn, chờ sáp ong khô, miếng vải sẽ được mang đi nhuộm chàm. Công đoạn nhuộm chàm cũng phải trải qua 4-5 lần mới được màu như ý. Sau đó, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi khiến cho sáp tan ra. Lúc đó, hoa văn mới hiện lên trên nền chàm.
Để có một tấm vải nhuộm chàm in sáp ong hoàn chỉnh, phụ nữ Dao cần khoảng 10 ngày. Từ những tấm vải đó, họ tiếp tục khâu thành váy.
Nhưng hành trình lấy sáp ong - một hoạt động tập thể đầy gắn kết giữa các thành viên trong làng mới chính là một chỉ dấu văn hóa độc đáo. Câu chuyện về loài ong Đá kéo về hang núi cách làng khoảng 1,5 cây số làm tổ hàng trăm năm nay vẫn tồn tại như một truyền thuyết có thực giữa thời hiện đại ở Hoài Khao.
Ở Hoài Khao, người Dao Tiền gìn giữ những hang ong Đá với khoảng 50 tổ trong mỗi vách núi như báu vật. Chỉ khi ong bay đi hết, để lại những chiếc tổ vàng óng, họ mới thu hoạch.
Ong Khoái là loài phổ biến, phân bố khắp Việt Nam (trừ đồng bằng sông Hồng), làm tổ ngoài trời và trên thân cây cao, vách đá, chưa được thuần hoá, có thân lớn.
Ong Đá ở Hoài Khao lại là loài quý hiếm, chưa thuần hoá chủ yếu làm tổ trên vách đá, trong hang đá cao từ khoảng 2.500m trở lên. Tổ ong Đá thường rất lớn, một tổ có thể chứa 60kg, trong khi tổ ong Khoái nhỏ hơn, thường chỉ chứa 4-6kg mật.
Ngay cả người già nhất trong làng cũng không ai biết đàn ong Đá sau mỗi mùa làm tổ bay đi đâu, nhưng đến mùa xuân, ong lại tiếp tục quay về.
Trong suốt quá trình sinh trưởng ấy, những người dân trong làng bảo vệ ong bằng niềm tin và quy tắc riêng của mình: không lấy mật, không xâm phạm vùng ong làm tổ. Vì thế, hàng trăm năm người Hoài Khao sống hòa thuận và thừa hưởng di sản loài ong Đá để lại.
Để tạ ơn loài ong đã mang sáp đến hàng năm, người Hoài Khao chọn ngày rằm tháng 7 âm lịch làm lễ cúng. Sau nghi lễ cúng thần rừng, thần ong, trai tráng trong xóm bắc thang leo lên vách núi lấy tổ về.
Sau đó, người dân cùng tụ hội nấu sáp rồi chia đều cho các gia đình trong xóm. Nếp sống ấy được duy trì nhiều đời, trở thành sinh hoạt văn hóa từ ngàn xưa của người Dao Tiền trong xóm núi này.
Điểm đặc biệt là, nếu ở các địa phương khác, sản phẩm số 1 của ong là mật, thì với người Dao Tiền ở Hoài Khao, sáp ong mới chính là tài sản. Cách khai thác thuận tự nhiên này hàm chứa triết lý về sự cân bằng và sự tôn trọng tự nhiên của những con người nơi đây.
Vì thế, ngày lấy sáp ong từ lâu đã trở thành hội làng ở Hoài Khao. Trong căn nhà sinh hoạt cộng đồng, phụ nữ một phần lo củi lửa để nấu sáp, một phần theo đàn ông lên núi gánh sáp về. Những chàng trai trẻ sẽ phụ trách việc lấy sáp từ trên vách đá xuống. Về bản, họ vừa nấu sáp vừa tụ họp ăn uống.
Chuyện thu hoạch sáp và vẽ sáp ong trên trang phục của người Dao Tiền ở Hoài Khao chứa đựng một không gian văn hóa, duy trì truyền thống tốt đẹp lâu đời.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin