Chiến dịch do Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT cùng nền tảng TikTok thực hiện.

Chiến dịch do Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT cùng nền tảng TikTok thực hiện.

Sáng ngày 28/3, lễ ký kết hợp tác thực hiện chiến dịch "Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số" đã chính thức diễn ra tại Creator House by TikTok với sự tham dự của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng quản lý Quỹ, cùng nhiều chuyên gia và nhà sáng tạo nội dung.

Ra mắt chiến dịch 'Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số' - 1

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.

Thông qua chiến dịch lần này, các bên sẽ cùng triển khai các hoạt động đưa di sản văn hóa tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ. TikTok sẽ đóng vai trò cầu nối, khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung về di sản, kết hợp công nghệ để làm sống động các giá trị văn hóa truyền thống.

Sự kiện ký kết mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các bên, tập trung vào các sáng kiến: chiến dịch hashtag challenge #DiSanVietNam trên TikTok, kêu gọi cộng đồng sáng tạo nội dung về di sản nước nhà; trải nghiệm di sản bằng công nghệ thực tế ảo (VR), giúp người dùng khám phá các địa danh, bảo tàng và tác phẩm nghệ thuật qua không gian số; chuyến đi thực tế cùng các nhà sáng tạo nội dung để ghi hình và quảng bá di sản địa phương trên nền tảng TikTok.

Ra mắt chiến dịch 'Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số' - 2

Chiến dịch hashtag challenge #DiSanVietNam kêu gọi cộng đồng sáng tạo lan tỏa các nội dung tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam.

Ra mắt chiến dịch 'Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số' - 3

Các nội dung sáng tạo được khuyến khích sử dụng công nghệ số tiên tiến của nền tảng TikTok để thu hút người xem.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, di sản văn hóa bao gồm di sản vật thể, di sản phi vật thể, di sản ký ức, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được hình thành, xây dựng và vun đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác, là sự kết nối liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

"Không có đất nước nào xây dựng nền văn hóa mà lại không cần đến lịch sử. Giá trị của di sản văn hóa được tích tụ từ truyền thống mang đến sức mạnh về tinh thần, trở thành những tinh hoa để phát triển nền văn hóa mới, xã hội mới phù hợp với tình hình mới", PGS. TS Đỗ Văn Trụ khẳng định.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có buổi tọa đàm với chủ đề "Công nghệ, giới trẻ và di sản" với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả uy tín, bao gồm đại diện TikTok Việt Nam, đại diện Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, đại diện Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT và đại diện nhiều gương mặt trẻ nổi bật.

Các diễn giả đã cùng thảo luận về cách đưa di sản đến gần hơn với giới trẻ, khơi dậy tình yêu di sản và khai thác tiềm năng của công nghệ, nền tảng số trong việc kết nối giới trẻ với văn hóa truyền thống. Đồng thời, cũng mang đến những góc nhìn mới mẻ, giải pháp sáng tạo giúp lan tỏa giá trị di sản qua nội dung trực tuyến, từ đó xây dựng một cộng đồng trẻ đam mê văn hóa, chủ động tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Việt Nam.

Ra mắt chiến dịch 'Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số' - 4

Tọa đàm "Công nghệ, giới trẻ và di sản" khơi dậy tình yêu di sản và khai thác tiềm năng của công nghệ, nền tảng số trong việc kết nối giới trẻ với văn hóa truyền thống.

Cũng tại sự kiện, những người yêu di sản được khám phá, chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh "Di sản Việt Nam", là những tác phẩm xuất sắc lưu giữ những khoảnh khắc, câu chuyện đầy cảm xúc về vẻ đẹp và giá trị di sản văn hóa của đất nước; được tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật, vật phẩm quý hiếm có giá trị văn hóa, lịch sử.

Đặc biệt, khách mời còn được sử dụng kính thực tế ảo (Virtual Reality Glasses - VR) để trải nghiệm hình ảnh 3D của các di sản nổi bật như đình, chùa, hoặc các tác phẩm hội họa cổ, khám phá các bảo tàng ảo, khám phá sinh động về di sản qua bộ thẻ flash di sản tích hợp công nghệ thực tế ảo (AR)… mang lại trải nghiệm mới lạ, gần gũi và thú vị hơn.

Ra mắt chiến dịch 'Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số' - 5

Khám phá di sản qua công nghệ thực tế ảo (AR).

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, nhấn mạnh: "TikTok tự hào khi được đồng hành trong hành trình bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa di sản dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số. Thông qua nền tảng TikTok, chúng tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ là những người tiên phong trong việc lan tỏa giá trị di sản, kết nối quá khứ với hiện tại, và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng trong nước cũng như quốc tế".

Ra mắt chiến dịch 'Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số' - 6

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, ký kết hợp tác cùng Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam thực hiện chiến dịch.

Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và nền tảng TikTok sẽ phối hợp tổ chức các chuyến đi thực tế đến các địa phương có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhằm ghi hình và sáng tạo nội dung về di sản. Đồng hành trong hành trình này là những nhà sáng tạo nội dung được yêu thích trên TikTok như: Phạm Đức Anh (@ducanh94), Giao Cùn, Mèo Trái Đất, Ninh TiTo, Cee Jay, Mạnh Tiến Khôi, Đinh Trang Thảo, Hoàng Hôn, Tiểu Ngáo, Cường Cao…

Ra mắt chiến dịch 'Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số' - 7

Các TikToker trẻ tuổi cũng sẽ tham gia vào chiến dịch lần này.

Với góc nhìn sáng tạo và phong cách tiếp cận gần gũi, các nhà sáng tạo nội dung TikTok không chỉ giúp lan tỏa giá trị văn hóa đến với giới trẻ mà còn mang di sản Việt Nam đến gần hơn với đông đảo công chúng trong và ngoài nước, biến những giá trị truyền thống trở thành nguồn cảm hứng hiện đại và sống động.

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: