Những ngày gần cuối tháng 5, Hà Nội nóng bức đến độ ló mặt ra đường cũng muốn tan chảy. Phố vắng tanh, nắng chói mắt xuyên qua những ô cửa kính, người xe vội vã phóng vù qua.
Ấy thế nhưng ở một góc vỉa hè số 27 Triệu Việt Vương, vẫn có một vài vị khách chịu khó ngồi trầm tư dưới tiếng kêu ro ro của quạt con cóc, trước mặt là những ly cà phê nâu đã tan nửa đá. Họ dựa vào bức tường vàng có dòng chữ "Đến Hà Nội làm cốc nâu" đậm hoài cổ, khiến ai đi ngang cũng cảm giác như đang nhìn vào một góc Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Những miếng xốp cũ kỹ đặt cách nhau cỡ 1 gang tay lót tạm làm ghế, biển hiệu cũ kỹ phủ đầy màu thời gian ghi vỏn vẹn vài từ - Cà phê Thái. Quán nằm khiêm tốn dưới gốc cây hoa phượng, trông chẳng hề nổi bật so với hàng loạt quán cà phê khác trên phố Triệu Việt Vương, song vẫn đông nghịt khách đến lạ.
Vậy tại sao những vị khách đó vẫn nhất định phải ngồi uống cà phê ở một nơi như thế, bất chấp thời tiết không chiều lòng người? Đó là bởi số 27 Triệu Việt Vương rất đặc biệt với người Hà Nội, mang trong mình vô số ký ức gắn với lịch sử gần 1 thế kỷ của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Tôi vô tình biết anh Nguyễn Đức Hiếu – ông chủ thế hệ thứ 4 của cà phê Thái qua lời kể của một người bạn. Vốn không phải "tín đồ" của thức uống này nên hiếm khi tôi lê la khắp Hà Nội kiếm bằng được chỗ bán cà phê ngon. Tuy nhiên, lời giới thiệu úp mở về quán cà phê 94 năm tuổi đời khiến tôi cảm thấy vô cùng hứng thú, chấp nhận đội cơn nóng hầm hập lúc 3h chiều để ghé thăm.
Giống như "mốt" của những hàng quán xưa nổi tiếng đất Tràng An, tên của quán cà phê cổ này chỉ có 1 từ - Thái. Nhiều người hiểu lầm Thái là cà phê từ Thái Lan, hoặc nhiều ý nghĩa khác, song sự thực nó gắn với người đàn ông đã mở ra quán này vào năm 1926. Có thể nói, cụ Thái là thế hệ tiên phong trong việc mang văn hóa cà phê đến gần gũi hơn với người Hà Nội, ai cũng có thể thưởng thức món đồ uống này với số tiền ít ỏi. Câu chuyện giản dị về hành trình gây dựng Thái cà phê đã từng xuất hiện cả trên những kênh truyền thông quốc tế nổi tiếng, khiến du khách nước ngoài đến Hà Nội đều tò mò ghé qua.
Quán có hẳn logo riêng với thiết kế vô cùng ý nghĩa: 4 ngôi sao tượng trưng cho 4 thế hệ, một cốc cà phê nhỏ đặt bên trên mai rùa vàng, với tên quán và con số 1926 vẽ bằng tay, được giữ gìn nguyên vẹn từ năm quán ra đời đến bây giờ. Chẳng quảng cáo, cũng không có đội marketing chuyên nghiệp nào, Thái cứ an nhiên tồn tại qua lời truyền tai của người Hà Nội, đi qua mưa bom bão đạn thời chiến tranh, đi qua năm 45 đói khổ chật vật, rồi cả dịch Covid vừa mới đây. Mùa hè thì vắng hơn, chứ mùa đông thì 6h sáng quán đã bận rộn phục vụ khách uống cà phê sớm.
Chân dung anh Nguyễn Đức Hiếu - ông chủ thế hệ thứ 4 của Thái cà phê.
Anh chủ quán vui tính chia sẻ: "Thái là tên ông nội mình, được cụ nội lấy để đặt cho quán. Hơn 90 năm trước, cụ mình từ Hưng Yên lên Hà Nội kiếm sống, gánh cà phê pha sẵn đi bán khắp phố cổ. Thời ấy, có lẽ ngoài cụ ra thì chỉ có vài người nữa đi bán món đồ uống lạ lẫm phương Tây với giá rẻ, chẳng có đá lạnh hay máy pha như bây giờ nên cụ luôn dậy sớm pha cà phê sẵn cho vào bình, đun đi đun lại bằng bếp củi. Mình cũng không biết hương vị cốc cà phê cụ bán 90 năm trước ra sao, đoán là nó có mùi khét khét chứ chẳng giống cái cốc mình đang uống đâu!".
Đức Hiếu từng đi du học ở Đức ngành kinh tế, cũng liên quan chút chút đến nghề truyền thống của gia đình nhưng về nước anh vẫn đi làm văn phòng và đủ mọi công việc khác với mức thu nhập khá cao, lên đến 3000-4000$ mỗi tháng. Tuy nhiên, khi bước sang tuổi 30, Hiếu nhận ra cà phê mới thực sự là đam mê của mình, thế là chàng trai sinh năm 1987 từ bỏ hết để khăn gói lên Tây Bắc làm nông dân, học đủ thứ về cà phê từ A-Z.
Thừa hưởng tinh thần phóng khoáng của gia đình, Đức Hiếu cũng tiếp quản nghề bán cà phê với tiêu chí không đặt nặng giá cả lời lãi, chỉ muốn gìn giữ một địa điểm gắn bó lâu đời với người Hà Nội và góp phần duy trì văn hóa uống cà phê.
Số 27 Triệu Việt Vương vừa là quán cà phê, vừa là nơi ở của gia đình anh Hiếu suốt 4 thế hệ, nhưng cách đây vài tháng nó đã được phá đi để xây lại thành quán mới. Hiện tại gia đình anh sử dụng 2 căn nhà thuê ngay bên cạnh và đối diện bên kia đường để duy trì kinh doanh, khách đông đến mức ngày nào cũng phải pha sẵn 100 lít cà phê, đổ sẵn hàng trăm cốc sữa đặc mới kịp phục vụ nhanh chóng.
Bên trong quán cũ còn có chiếc máy rang "cổ lỗ sĩ" quay tay, từng thu hút biết bao khách ghé thăm chụp ảnh, tìm hiểu cách rang cà phê củi truyền thống ra sao. Ngày phá bỏ quán, vô số khách quen đã kéo tới chụp ảnh kỉ niệm chật cả con phố, gia đình anh Hiếu cũng rất tiếc nuối nhưng căn nhà cũ ấy đã quá già nua, không thể chống chọi nắng mưa thêm nữa.
Bức ảnh quý gia đình anh Hiếu còn giữ được, chụp cụ Thái trong chính căn nhà số 27 Triệu Việt Vương cũ đã phá đi.
Cánh cửa gỗ ngót nghét 1 thế kỷ của Thái cà phê, xưa là quầy pha chế, giờ đang được bảo quản để chuyển sang quán mới.
Những chiếc ghế gỗ có "tuổi thọ" gấp đôi anh Hiếu, vẫn được giữ gìn cẩn thận cho khách ngồi hàng ngày.
Anh Hiếu hồ hởi cho tôi xem những bức ảnh quý hiếm về quán cà phê từ hồi cụ Thái còn sống, khiến tôi cảm giác được ngồi ở đây là một điều vô cùng tuyệt vời: "Mặc dù phá đi để xây quán mới, song những kỷ vật lâu đời từ thời cụ mình vẫn giữ lại, sau này dùng để trang trí chỗ mới luôn, ví dụ như cánh cửa gỗ ghép trước dùng để ngăn quầy pha chế này. Hoặc những chiếc ghế được đóng từ hơn nửa thế kỷ trước, truyền qua 4 đời gia đình mình rồi, đến nay vẫn còn tốt chán. Mình cố gắng giữ nguyên phong cách cà phê vỉa hè truyền thống Hà Nội, tạo cảm giác thoải mái quen thuộc cho những vị khách gắn bó lâu năm với Thái".
Theo lời anh Hiếu thì ngày xưa chưa có phin như bây giờ, cụ của anh rang xay cà phê thủ công sau đó lọc bằng rây, ủ trong bình cho nóng rồi gánh đi khắp Hà Nội. Những món đồ "khởi nghiệp" của cụ không còn nữa, nhưng anh Hiếu đã tái hiện lại toàn bộ mô hình gánh cà phê cũ trong đám cưới vintage của mình cách đây vài năm.
4 thế hệ nhà cụ Thái chụp ảnh ngay cửa quán khoảng năm 97-98, do chính bố con anh Hiếu chụp.
Bức ảnh cuối chụp đại gia đình bán cà phê lâu năm nhất phố Triệu Việt Vương trước ngày phá bỏ quán cũ.
Bố mẹ Đức Hiếu bên gánh cà phê rong mô phỏng lại của cụ Thái cách đây 94 năm.
Thì ra 1 thế kỷ trước, "dịch vụ" cà phê ở Hà Nội được bán như thế này.
Cà phê Thái đã trở thành một phần văn hóa đời sống của người Hà Nội suốt 1 thế kỷ qua.
Sau gần 1 thế kỷ duy trì công việc bán cà phê, hiện tại gia đình anh Hiếu đã xây dựng được kho chứa cà phê và rang xay riêng ở ngoại thành, có hẳn 1 "nghệ nhân" chuyên rang cà phê thủ công do chính bố và ông nội anh đào tạo. Mỗi năm, cửa tiệm nhà anh tiêu thụ hàng chục tấn cà phê, bán ra cả nghìn cốc nâu mỗi ngày, chưa kể các món đồ uống bình dân khác như trà đá, nước sấu, nước me… vào mùa hè phục vụ không xuể. Giá cả mỗi món đều rất rẻ, chỉ 15-20k là mọi người có thể thoải mái ngồi đến khi nào chán thì thôi. Ngoài cà phê còn rất nhiều đồ uống "thời thượng" khác nữa, đáp ứng nhu cầu khách hàng đủ mọi lứa tuổi.
Ở Thái không có view đẹp lung linh lãng mạn, cũng chẳng có chỗ ngồi rộng rãi như nhiều quán khác. Nhưng vô số người vẫn thích ghé quán mỗi ngày, rủ rê bạn bè ngồi tán gẫu bằng tin nhắn quen thuộc: "Qua Thái đi!". Đối với họ, góc quán nhỏ sau cây cột điện bê tông cũ là cả bầu trời tuổi thơ, gắn với bao kỉ niệm đẹp trong cuộc sống thường nhật. Hương vị cà phê ở đây không hẳn là ngon nhất Hà Nội, nhưng nó giản dị, mộc mạc, giá rẻ bèo, chứa đựng cả một hành trình xuyên thế kỷ.
Vừa lắc cốc nâu trên tay, anh Hiếu vừa nhớ lại kỉ niệm ấu thơ ngay chỗ chúng tôi ngồi: "Cốc cà phê đầu tiên mà mình nếm thử có lẽ là từ hồi 3 tuổi. Ngày ấy chưa đông đúc như bây giờ, vỉa hè còn rộng rãi, mình hay chơi đùa với các bạn nhà hàng xóm. Bọn mình chạy qua chạy lại trước quán cà phê này, thấy khách nào đứng lên đi về mà cốc còn thừa nước là uống trộm. Lâu dần thành quen, mình chẳng bị mất ngủ tí nào, vị cà phê nó ngấm vào máu như hơi thở vậy".
Ở Thái có những bức tường vàng vô cùng đặc biệt, trong số đó được check in nhiều nhất là chỗ có dòng chữ "Đến Hà Nội làm cốc nâu" do chính tay anh Hiếu kỳ công tự viết. Để chọn được cái câu giản đơn mộc mạc ấy, ông chủ 8X đã phải trăn trở mất nhiều ngày vì muốn nó phải thật gần gũi thân thương, toát lên nét đặc trưng của người Hà Nội.
Nâu là món được bán nhiều nhất ở Thái, chỉ ngoài Bắc mới gọi tên loại cà phê pha với sữa đặc ấy bằng màu sắc của nó mà thôi. Còn ở Sài Gòn, nó gọi là cà phê sữa đá.
Anh Hiếu cũng lấy tên Nâu để đặt cho con trai đầu lòng vừa tròn 1 tuổi, tuy không đặt kỳ vọng rằng bé sẽ nối nghiệp thành thế hệ thứ 5 nhưng ông bố trẻ cũng muốn gieo hạt giống tình cảm gắn bó với món cà phê gia truyền. Biết đâu khi lớn lên, Nâu sẽ mang cà phê Thái đi khắp muôn nơi!
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin