Các món ăn Trung Hoa không đơn thuần chỉ là thứ để cho vào miệng và thưởng thức. Không ít trong số các đặc sản nổi tiếng của quốc gia này đều chứa đựng những giá trị truyền thống – văn hoá lâu đời. Mà điển hình chính là món mì trường thọ nổi tiếng thường được người dân ở đây dùng vào mỗi dịp sinh nhật, lễ Tết.
Tuổi thọ là một trong nhưng điều được trân trọng nhất trong văn hóa Trung Hoa. Và từ xưa, người dân nước này đã có quan niệm sợi mì kéo dài được xem là biểu tượng cho sự mạnh khoẻ, tuổi thọ cao. Thế nên vào mỗi dịp mừng tuổi mới một ai đó, người ta thường nấu món mì này để ăn thay vì bánh sinh nhật. Không chỉ mang ý nghĩa về tuổi tác, mì trường thọ còn được cho là đem lại may mắn và thịnh vượng, thế nên nó còn xuất hiện trong những dịp đầu năm mới nữa.
Mì trường thọ là một món đặc sản nổi tiếng đã xuất hiện từ lâu đời ở Trung Quốc.
Người ta quan niệm rằng ăn bát mì này sẽ mang lại hy vọng về sự mạnh khoẻ và may mắn trong cuộc sống.
Được biết, truyền thống ăn mì trường thọ vào dịp sinh nhật trở nên rất phổ biến từ thời nhà Đường, đặc biệt là tại ngôi làng Nam Sơn ở tỉnh Chiết Giang. Khi đó, những sợi mì dai và dài được người dân nơi đây chế biến với quy trình thận trọng, tỉ mỉ. Chúng được làm bằng một loại bột đặc biệt, sau khi cán mỏng sẽ được cắt thành từng sợi nhỏ, đan chéo và phơi dưới nắng vài giờ đồng hồ.
Ngày nay, bất cứ loại mì nào cũng có thể được sử dụng làm nên món ăn thơm ngon này, nhưng phổ biến nhất có thể kể đến là mì Yi Mein (một loại mì trứng Quảng Đông). Để làm loại mì đặc biệt này, đầu bếp cần có kỹ thuật cao. Khâu nhồi bột cũng được chú trọng kỹ lưỡng để đảm bảo đủ độ dai, khiến sợi mì có thể kéo dài. Sợi mì trường thọ sẽ có độ dài trên 1m chứ không ngắn như mì bình thường.
Sợi mì trường thọ được làm rất công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi người đầu bếp phải có tay nghề cao.
Ngày nay, mỗi sợi mì trường thọ thường cũng phải dài ít nhất 1m.
Ngày nay, mì trường thọ thường được xào với các loại rau củ, hải sản, hoặc nấu trong nước dùng được hầm từ gà. Nếu xào, các nguyên liệu phụ cần được để ráo nước và xào riêng, cho thêm dầu ăn để sợi mì không dính vào nhau. Một số nguyên liệu có thể ăn kèm cùng món này là thịt vịt quay, thịt xá xíu hoặc tôm sú, hoặc cũng có thể ăn riêng một mình. Khi ăn, người Trung Quốc cũng thường thêm một quả trứng gà vào vì trứng gà có hình tròn, tượng trưng cho sự viên mãn.
Món mì trường thọ ngày nay có thể ăn ở cả dạng nước hoặc xào với nhiều nguyên liệu đặc trưng.
Trứng gà là một trong những thứ thường được cho vào món mì này nhất.
Trải qua quãng thời gian hình thành và phát triển, mì trường thọ vẫn giữ nguyên công thức chế biến đặc biệt của nó. Ngày nay, du khách có thể thưởng thức bát mì trường thọ được nấu theo cách ngon nhất, đúng khẩu vị nhất ở tỉnh Chiết Giang – quê hương của món đặc sản này. Khi dùng mì trường thọ, phải ăn một hơi cho hết cả sợi mì và trước khi đưa mì vào miệng, không được cắn đứt sợi mì. Nét độc đáo trong văn hoá này ngày nay vẫn được người Trung Hoa duy trì và mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của họ.
Ngày nay, du khách có thể thưởng thức món mì trường thọ trứ danh thơm ngon nhất ở vùng Chiết Giang. Khi ăn, mọi người thường được khuyên chỉ nên nuốt trọn 1 sợi mì dài thay vì cắn đứt chúng ra.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin