Vào sáng Giáng sinh 2024, Anthony Ross, thức dậy trên đảo Machias Seal, nằm giữa vịnh Maine, Mỹ và Fundy, Canada. Bên ngoài, gió thổi qua bãi cỏ nâu đóng băng, phả hơi lạnh từng đợt vào ngọn hải đăng còn phía dưới sóng vỗ vào bờ đá. Phòng bên cạnh, Rusell, anh trai Anthony, cũng đã thức dậy và chăm chú nhìn ra biển. Khi trực thăng đưa họ đến đảo rời đi cũng là lúc họ biết rằng ít nhất đến hết tháng mới có thể trở về nhà.

Anthony Ross chụp ảnh khi ngồi trên đảo Machias Seal. Ảnh: BBC
"Bạn phải xa nhà trong 28 ngày, đó là phần khó khăn nhất nhưng rồi sẽ sớm quen với điều đó thôi", Russell, người đã trông coi ngọn hải đăng gần 20 năm, nói. Dù phải ở xa nhà, hai anh em Ross vẫn chuẩn bị đầy đủ các món đồ để ăn nhân dịp Giáng sinh như gà tây, bia và cả quà tặng nhau. Sau khi trang trí cây thông Noel và gọi điện về nhà ở tỉnh Nova Scotia, Canada, họ cùng nhau thưởng thức bữa tối với thịt nướng.
Cách bờ biển bang Maine, Mỹ hơn 16 km là những tảng đá cằn cỗi thuộc đảo Machias Seal, nơi sinh sống của đàn chim hải âu cùng nhiều loài chim biển khác. Hòn đảo rộng gần 730.000m2, sương mù phủ gần như quanh năm này là vùng đất còn đang tranh chấp duy nhất của Mỹ và Canada, khi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Cuộc tranh chấp chủ quyền xảy ra từ nhiều thế kỷ trước, hiện không được nhiều người dân hai nước quan tâm, ngoại trừ các công ty lữ hành nằm ở hai bên biên giới. Từ thị trấn Cutler, Mỹ, du khách có thể đến đảo bằng thuyền và ngắm hải âu. Khi căng thẳng Mỹ - Canada gia tăng, hòn đảo nhỏ cùng khối đá North Rock gần đó, bắt đầu được mọi người để ý nhiều hơn.
Dù diện tích nhỏ và nằm ở vị trí xa xôi, khó có thể định cư lâu dài, Machias Seal lại có vị trí chiến lược khi ở giữa tuyến đường vận chuyển có giá trị thương mại, gần đảo Grand Manan, nơi có khoảng 2.000 dân sinh sống và không quốc gia nào muốn từ bỏ chủ quyền.

Đảo Machias Seal nhìn từ ngoài biển. Ảnh: BBC
Năm 1832, Canada khi đó thuộc Anh, đã xây dựng một ngọn hải đăng trên đảo để khẳng định chủ quyền. Kể từ đó, người Canada đã sinh sống trên đảo. Trong khi hầu hết các hải đăng ở Canada bên biển Đại Tây Dương đã đóng cửa, chính phủ vẫn cho hoạt động ngọn hải đăng trên đảo này. "Cơ hội để chúng tôi ở lại đây, canh gác hòn đảo này rất quan trọng. Không còn nhiều người canh gác hải đăng nữa", Anthony nói.
Hai anh em đã gắn bó với nơi này đủ lâu để hiểu về hòn đảo: cách nó chuyển từ màu xanh ngọc lục bảo sang màu nâu theo mùa, cách những con chim cánh cụt lao xuống và kêu khi phát hiện có cá trong nước và cả cách những chiếc thuyền đánh bắt tôm hùm xuất hiện ở phía đường chân trời. "Khi những chiếc thuyền đánh cá xuất hiện lúc bình minh, bạn có thể nhìn thấy mọi người", Russell nói. Và những ngư dân đều biết tên anh, nhận được ra giọng nói của anh qua radio.
Anh em Ross cũng đóng vai trò là đại sứ không chính thức của hòn đảo, chào đón thuyền du lịch đưa khách đến từ Canada và Mỹ cập cảng vào mùa hè, khi nơi này thành khu bảo tồn chim biển.
Ngày nay, đảo được Cơ quan Động vật hoang dã Canada bảo vệ, và nơi này cấp quyền hạn chế lượng khách đến đảo. Mỗi ngày, chỉ tối đa hai thuyền du lịch, một từ Mỹ và một từ Canada được phép cập bến với tối đa 15 hành khách mỗi chuyến. Vào mùa cao điểm hè, tour đến đảo thường kín chỗ trước hai tháng.

Michias là nơi sinh sống của hàng trăm loài chim được bảo tồn. Ảnh: BBC
Khi lên đảo, du khách chỉ được phép đi bộ trên những lối đi đã lát ván để tránh dẫm phải hang chim hải âu. Tiến sĩ Tony Diamond, người điều hành phòng thí nghiệm nghiên cứu chim Đại Tây Dương của Đại học New Brunswick từ năm 1995, cho biết vào tháng 5, hàng nghìn con chim hải âu bay đến đảo đào hang, đẻ trứng. Sau khi trứng nở, hải âu mẹ và bố thay nhau bảo vệ đàn con. Quá trình chăm con có thể kéo dài đến khoảng tháng 8, thu hút lượng lớn du khách ghé đảo để quan sát, nghiên cứu. Vào mùa hè, đảo có thêm ba nhà nghiên cứu là đồng nghiệp của Tony đến sống để giám sát mùa sinh sản của các loài chim.
Ngoài nghiên cứu hệ sinh thái sinh vật biển, hòn đảo còn giúp ngư dân kiếm tiền nhờ bắt tôm hùm. Trong gần 10 năm trở lại, giá tôm hùm tăng gấp ba lần. Mỗi ngư dân có thể kiếm 8 USD cho một kg tôm hùm. Vào những ngày đẹp trời, một chiếc thuyền có thể dễ dàng kiếm hàng nghìn USD. Do đó, nơi này còn được ví như "mỏ vàng", và không bên nào muốn từ bỏ quyền đánh bắt ở vùng biển này. Do đó, ngư dân hai nước tự đưa ra một loại thỏa thuận không chính thức: mọi người sẽ làm việc ôn hòa với nhau, tránh va chạm.
Anh Minh (Theo BBC, Lonely Planet)

Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin