Indonesia- Niluh Djelantik là cái tên nhiều khách quốc tế gặp rắc rối với chính quyền Bali đều tìm cách liên hệ để được giúp đỡ. - VnExpress

Niluh Djelantik, 48 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Bali, từng làm việc với các đối tác người nước ngoài nên thành thạo ngoại ngữ. Do đó, trong những năm gần đây, cô trở thành nhân vật khách quốc tế luôn tìm đến mỗi khi gặp rắc rối với chính quyền, từ những người bị bắt vì chụp ảnh khỏa thân trên núi thiêng hay lái xe máy lượn lách. Hiện Djelantik được biết đến như một người "giữ gìn sự hòa bình không chính thức" cho hòn đảo.

1-3529-1689147327.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9AvEwCTTJfmR8cY_c8tQcg

Niluh Djelantik là một doanh nhân sống tại Bali. Ảnh: CNN

Công việc của cô là làm trung gian giữa khách quốc tế cư xử không đúng chuẩn mực và dân địa phương, những người khó chịu trước hành xử của khách. Djelantik làm công việc này một cách tình nguyện, không tính phí và thường đứng ra làm người trung gian sau khi nhận được các lời tố cáo của người dân về du khách. Phương tiện họ hay liên lạc nhất với cô là qua Instagram.

"Mọi người tìm đến tôi nhờ giúp đỡ hơn là đến tố cáo hành vi của khách với chính quyền. Họ biết tôi sẽ luôn phản hồi và giúp hòa giải rắc rối", Djelantik mô tả công việc của mình.

Ngoài người dân, những du khách quốc tế cũng tìm đến cô để nhờ hỗ trợ. "Vì vậy, tôi lắng nghe cả hai bên và làm những gì trong khả năng".

Các cuộc gặp mặt này đôi khi có cả sự tham gia của luật sư hay đôi khi là buổi uống cà phê, trò chuyện với cảnh sát địa phương, quan chức trên đảo. Dù là cuộc họp chính thức hay không, Djelantik cố gắng "tạo sự cân bằng" giữa người nước ngoài và cư dân để duy trì hòa bình, giảm tối đa rắc rối phát sinh. "Nhưng điều đó thật không dễ dàng", cô nói.

Mọi thứ có thể trở nên căng thẳng. Bali "phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch quốc tế". Nhiều người đến Indonesia và được người dân đối xử bằng sự tôn trọng, yêu mến nhưng "khách cần biết vị trí của mình, tôn trọng lại người dân và nền văn hóa ở đây nếu muốn gọi Bali là ngôi nhà thứ hai", theo Djelantik. Và người dân địa phương cùng du khách nên học cách sống chung hòa bình.

"Cô ấy có lẽ là người quan trọng nhất ở Bali sau thống đốc Wayan Koster vì được nhiều người nước ngoài biết đến. Cô ấy là người đi cùng khi họ gặp rắc rối", một du khách Đức 30 tuổi nói. Nữ du khách Đức này chưa từng gặp Djelantik nhưng theo dõi cô qua Instagram. "Bali là một nơi nhỏ nên tin tức lan truyền rất nhanh. Nếu có một khách nước ngoài gặp rắc rối, bạn sẽ luôn thấy Niluh Djelantik xuất hiện", người này nói.

Một số sự cố gần đây Djelantik đứng ra làm trung gian hòa giải với chính quyền địa phương và khách là một thiếu niên người Nga bị bắt quả tang phun sơn lên tường của một trường học hồi tháng 1. Tháng 3, khách Nga tên Yuri Chilikin đăng bức ảnh khỏa thân chụp trên núi Agung, đỉnh cao nhất và linh thiêng của Bali. Sự việc này được coi là "nghiêm trọng", "gây náo động dư luận địa phương".

Đối mặt với các bản án phạt và bị trục xuất, Chilikin tìm đến Djelantik. "Anh ấy hối hận, hợp tác và thể hiện sự chân thành, sẵn sàng nhận hình phạt. Vì vậy tôi đã đồng ý giúp", Djelantik nói.

Với sự giúp đỡ của Djelantik, Chilikin viết lời xin lỗi công khai vì hành động của mình cũng như tham gia buổi lễ cầu nguyện trong một ngôi đền ở Denpasar. Djelantik nói các hành vi xấu không chỉ xúc phạm người dân địa phương và chính quyền, mà còn thiếu tôn trọng các vị thần. Đó là lý do Chilikin phải tham gia vào một nghi lễ cầu nguyện.

Bên cạnh đó, nhiều sự việc Djelantik không chịu hòa giải. Một trong số đó là những vị khách hành xử bất lịch sự với người dân và không có thái độ hối cải. Djelantik cũng bày tỏ tham vọng chính trị khi có ý định tranh cử thượng nghị sĩ ở Bali vào năm tới.

"Cô ấy chân thành, luôn nỗ lực giúp đỡ du khách, là người tốt để kết bạn. Một ngày nào đó có thể bạn sẽ là người tiếp theo cần cô ấy giúp", một du khách Đức nhận xét về Djelantik.

Anh Minh (Theo CNN)

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: