2020 có thể xem là một năm đáng buồn đối với ngành du lịch trên toàn thế giới bởi ảnh hưởng to lớn của dịch Covid-19. Không chỉ đóng cửa hàng loạt các địa điểm vui chơi, tham quan và giải trí nổi tiếng ở khắp các quốc gia, lượng khách du lịch ế ẩm không dám đi đâu mùa dịch bệnh càng khiến những nhánh nhỏ như nhà hàng – khách sạn, hàng quán ăn uống cũng phải "kêu cứu".
Không những vậy, hàng loạt các sự kiện đình đám khác diễn ra đúng vào giai đoạn nhạy cảm này đều được thông báo dời hoặc huỷ bỏ trong năm nay. Điều này cũng một phần gây ra tổn thất không hề nhỏ cho nền du lịch mỗi quốc gia.
1. Lễ hội té nước Songkran (Thái Lan)
Songkran (lễ hội té nước) không chỉ là ngày tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan mà còn là một trong những lễ hội thu hút đông đảo lượng khách quốc tế nhất khi ghé thăm xứ sở chùa Vàng. Năm nay, dự kiến lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 13 – 15/4.
Thế nhưng vào đầu tháng 3 vừa qua, giới chức trách Thái Lan đã thông báo lễ hội này sẽ bị hủy gần như là toàn bộ do dịch Covid-19. Thậm chí, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác trong tháng 3 và tháng 4 ở các thành phố lớn như Pattaya, Phuket, Khon Kaen, bãi biển Bang Saen, Koh Phangan,… cũng bị hoãn vô thời hạn tại Thái Lan.
Lễ hội té nước Songkran năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 13 - 15/4 sắp tới, tuy nhiên cũng đã được giới chức trách Thái Lan thông báo huỷ bỏ để phòng dịch Covid-19.
2. Lễ hội ngắm hoa anh đào (Nhật Bản)
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm cũng là lúc hoa anh đào bắt đầu nở rộ trên khắp mọi nẻo đường Nhật Bản. Hoạt động ngắm hoa thường được người dân gọi là Hanami (花見). Lúc này, ai cũng tranh thủ đổ xô đến những nơi hoa nở rộ để săn đón, trong đó đa số là loài hoa anh đào hồng rực (Sakura). Hàng năm, những địa điểm ngắm hoa nổi tiếng tại các thành phố lớn như Nara, Osaka, Kyoto, Tokyo,… đều không bao giờ vắng bóng du khách ghé thăm.
Lễ hội ngắm hoa anh đào (Hanimi) tại Nhật Bản hàng năm đều thu hút rất đông du khách tham quan cả trong nước lẫn quốc tế tìm đến.
Tuy nhiên, năm nay đường phố vắng bóng đến lạ thường, nhất là ở những điểm du lịch vì khách nước ngoài đang tránh di chuyển trong thời điểm này, còn dân địa phương cũng được khuyến cáo nên ở nhà nếu không có việc cần thiết phải ra ngoài. Được biết, lượng người hưởng ứng lễ hội Hanami năm nay chỉ bằng khoảng 1% so với đám đông các năm trước. Lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản cũng đã giảm 58,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, do nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tập trung đông người nên hàng loạt địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng đều trở nên vắng bóng các du khách.
3. Lễ hội âm nhạc Coachella (Mỹ)
"Coachella Valley Music and Arts Festival" hay Lễ hội âm nhạc và nghệ thuật Thung lũng Coachella là sự kiện được tổ chức thường niên tại Empire Polo Club ở Indio, California. Đây là một trong những lễ hội âm nhạc hút khách bậc nhất thế giới kể từ khi xuất hiện vào năm 1999, thường thu hút trung bình khoảng 100.000 người tham dự mỗi đợt. Được biết chỉ tính riêng trong năm ngoái, sự kiện đình đám này đã mang về hơn 1 tỉ USD lợi nhuận với sân khấu bùng nổ của Ariana Grande cũng như BLACKPINK.
Sân khẩu Coachella 2019 chứng kiến sự bùng nổ của Ariana Grande và BLACKPINK, giúp sự kiện đình đám này thu về tới hơn 1 tỉ USD lợi nhuận.
Tuy nhiên trong năm nay, ban tổ chức Coachella cũng đã chính thức lên tiếng công bố lễ hội âm nhạc lớn nhất hành tinh này sẽ lùi lịch tổ chức tới ngày 9 - 11/10 và 16 - 18/10/2020 thay vì ngày 10 – 12/4 và 17 - 19/4 tại Indio, California. Quyết định được đưa ra sau khi thung lũng Coachella (California, Mỹ) phát hiện 3 trường hợp nhiễm Covid-19.
Đây là một tin không mấy vui với khán giả, đặc biệt là người hâm mộ của BIGBANG, Lana Del Rey, Lil Nas X, Calvin Harris, Charli XCX,... (những nghệ sĩ có tên trong dàn line-up). Có thể thấy, việc đi đến quyết định dời một lễ hội âm nhạc với doanh thu lên đến hàng tỉ USD là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với tình hình phức tạp của dịch bệnh, đây là điều BTC bắt buộc phải làm để tránh những sự kiện tụ tập đông người rất nguy hiểm trong mùa dịch.
Tuy nhiên trong năm nay, lễ hội âm nhạc lớn nhất hành tinh chính thức bị trì hoãn đến giữa tháng 10 vì tình hình dịch bệnh nguy hiểm.
4. Thế vận hội Olympic 2020 (Nhật Bản)
Olympic được xem là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, nơi quy tụ những nhà vô địch trên thế giới, đem lại sự tự hào cho nơi được trao cờ đăng cai. Thế nhưng trước dịch Covid-19, tất cả chỉ còn quan tâm đến sự an toàn hơn cả. Vì vậy vào tối ngày 24/3 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Ủy ban Olympic Thế giới (IOC) Thomas Bach đã đồng ý hoãn kỳ thế vận hội khoảng 1 năm, tức là dời tới mùa hè năm 2021 thay vì diễn ra từ ngày 24/7 – 9/8 năm nay.
Được biết, thời gian tổ chức Olympic chưa bao giờ được thay đổi trong thời bình. Theo nhiều nhà tổ chức thông tin tiết lộ, chi phí được bỏ ra cho kỳ Olympic năm nay lên đến con số 25 tỉ USD. Trong đó bao gồm cả những dự án cơ sở hạ tầng lớn như hệ thống giao thông - khách sạn - công trình mới, chi phí chuyển các sự kiện marathon từ Tokyo tới Sapporo để tránh thời tiết nóng vào mùa hè cũng như những khoản tiền đến từ các nhà tài trợ, bảo hiểm và kênh truyền thông khắp nơi. Ngoài ra, ngành du lịch Nhật Bản chắc chắn cũng bị ảnh hưởng không kém khi Olympic bị huỷ bỏ.
Sự kiện thể thao lớn nhất thế giới Olympic 2020 diễn ra tại Nhật Bản cũng bị dời lại đến tận mùa hè năm sau, gây ảnh hưởng không hề nhỏ đối với nền du lịch xứ sở mặt trời mọc.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin