Qua câu chuyện hàng ngàn khách Ấn Độ qua Việt Nam du lịch, đã nói lên rằng đất nước hình chữ S đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho người nước ngoài nói chung và người dân Hồi giáo nói riêng.
Theo báo cáo về Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI), năm 2023, khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, con số này ước tính khoảng 230 triệu lượt, chi tiêu lên tới 225 tỷ USD. Người Hồi giáo trên thế giới hiện có khoảng 2,1 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới, gần nửa số người Hồi giáo sống ở các quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Phát triển nhiều dịch vụ và tiện ích
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trên thực tế, du khách từ Ấn Độ đến TP.HCM, có sự tăng trưởng nhanh thời gian qua. TP.HCM cũng là địa phương có nhiều đường bay trực tiếp đến Ấn Độ so với các tỉnh thành.
Các nhà hàng tại TP.HCM đông khách Hồi giáo
“TP.HCM luôn tập trung cho thị trường Ấn Độ và sẵn sàng đón các đoàn khách lớn đến TP.HCM", ông Hòa nhấn mạnh.
Người Ấn Độ nói riêng và du khách theo đạo Hồi nói chung đã và đang lựa chọn TP.HCM là điểm đến du lịch. Từ đó, những sản phẩm dịch vụ, du lịch tại đây được phát triển theo.
Chị Aisha (34 tuổi, người Malaysia, đạo Hồi) đang lưu trú tại Q.7, TP.HCM, cho hay thời gian đầu đến TP.HCM du lịch, còn bỡ ngỡ về đường đi, lối lại. Đặc biệt là tìm kiếm món ăn dành cho khách Hồi giáo khá khó khăn. “Tuy nhiên, nhờ bạn bè giúp đỡ tôi đã biết những nơi ăn uống thoải mái dành cho người theo đạo Hồi”, chị Aisha cho hay.
Để đáp ứng nhu cầu của nhóm du khách này, TP.HCM đã phát triển nhiều dịch vụ và tiện ích như nhà hàng Halal, phòng cầu nguyện tại sân bay và các khách sạn có cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu tôn giáo của họ. TP.HCM cũng có số lượng hàng quán phục vụ ẩm thực Halal phong phú với các món ăn gà Irani, bánh Naan, bánh Roti hay cơm trộn tại các nhà hàng…
Người dân TP.HCM luôn nhiệt tình chào đón khách du lịch nước ngoài nói chung và người dân đạo Hồi nói riêng
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã đưa vào hoạt động Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Halal (tại Q.1) từ năm 2019. Đây là cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM phục vụ trên 300 loại sản phẩm đạt chuẩn Halal như: trái cây, thực phẩm chế biến, các loại thức ăn nhanh, hàng tiêu dùng, thời trang và quà lưu niệm... Trong tương lai, đơn vị này cũng đang lên kế hoạch mở thêm hai cửa hàng tiện lợi dành cho người theo đạo Hồi tại TP.
Bên cạnh đó, TP.HCM có hàng chục nhà hàng Halal, riêng trên tuyến đường Nguyễn An Ninh đã có vô số nhà hàng và hai quán ăn bình dân. Còn lại là các nhà hàng nằm trên đường Trương Định, Đông Du và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Ngoài ra, còn có một số quán ăn Halal bình dân nằm rải rác tại địa bàn cư trú của người Hồi giáo như khu vực đường Dương Bá Trạc (Q.8), Nguyễn Văn Trỗi - Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận). Khu vực đường; đường Trần Hưng Đạo (Q.1).
Nhiều nhà hàng tại Q.1, TP.HCM phục vụ khách du lịch đạo Hồi
Cùng với sự gia tăng số lượng du khách theo đạo Hồi đến TP.HCM, tại các con đường xung quanh chợ Bến Thành như Nguyễn An Ninh, Lê Thánh Tôn, Trương Định thời gian gần đây cũng xuất hiện những xe máy nhỏ bán dạo cà phê Halal, một số loại bánh như Kuin Kari Bap, Popia, Binkang cho du khách.
Anh Rozack, chủ quán cà phê và nhà hàng Jamilah (số 16 Nguyễn An Ninh, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) cho hay thời gian qua lượng khách từ các quốc gia như: Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ tăng đến kể. “Thời gian gần đây, quán chúng tôi không chỉ đa dạng về số lượng sản phẩm mà các nhân viên phải tăng giờ làm để phục vụ khách du lịch”, anh Rozack nói.
Anh Rozack vinh dự đón các vị khách đạo Hồi đến từ Malaysia
Hiện nhà hàng Jamilah có đa dạng đồ ăn, thức uống như: Bánh khoai mì, bánh xếp Mã Lai, cơm dừa, bánh mì cá mòi, phở bò, cơm chiên Kicap, trứng Sambal… với giá chỉ từ vài chục ngàn đồng đến hơn 100.000 đồng/món. Trung bình mỗi ngày quán anh đón tiếp hơn 200 khách, dự tính sẽ còn tăng trong tháng tới, bởi thời điểm đó, khách du lịch ở Mã Lai sẽ đến rất nhiều.
“Những món ăn bên nhà hàng tôi có độ mặn, ngọt khá giống vị của người miền Tây nên khách du lịch đạo Hồi và bản địa đều dùng được. Nhờ thế việc chế biến, kinh doanh đồ ăn thức, uống cũng được dễ dàng hơn”, anh Rozack nói thêm.
Khách Ấn Độ "tấp nập" đến Việt Nam
Đầu năm nay, một cặp đôi tỷ phú Ấn Độ đã tổ chức đám cưới ở Việt Nam thu hút nhiều du khách hạng sang trên toàn thế giới ghé thăm. Để đám cưới được diễn ra thuận lợi, cặp đôi giới “siêu giàu” đã bao trọn khu nghỉ dưỡng hơn 250 phòng ở Sheraton Grand Đà Nẵng trong 3 ngày 19 - 21/1. Giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng cho biết, riêng chi phí do cặp đôi tỷ phú bỏ ra cho 3 ngày này đã lên 500.000 USD bao gồm: tiền phòng, ăn uống, âm thanh, ánh sáng, trang trí và một số khoản khác. Chưa kể những ngày trước đó và sau đám cưới khách tiếp tục ở lại.
Gần đây nhất, ngày 27/8, những nhóm du khách đầu tiên trong số 4.500 nhân viên thuộc tập đoàn dược phẩm Sun Pharmaceutical Industries (Ấn Độ) đến Hà Nội, bắt đầu hành trình tham quan các địa điểm nổi tiếng. Theo kế hoạch, đoàn du ở Việt Nam tới 7/9. Lịch trình của đoàn đã được lên kế hoạch trước từ 2 - 3 tháng. Đoàn chia làm 6 đến 7 nhóm, đến Việt Nam nhiều đợt.
Tuy nhiên, vì các quy tắc ăn uống khắt khe, khi đi du lịch, du khách Ấn Độ sẽ mang theo nguyên liệu hoặc đầu bếp của vùng miền đang sống. Điển hình là trong chuyến đi nói trên, các thành viên trong đoàn phục vụ chay kiểu tự chọn, khoảng 90% nguyên liệu đưa từ Ấn Độ sang, phía công ty du lịch cũng đưa đầu bếp và đồ phục vụ đến nhà hàng để nấu ăn.
Điểm đến hấp dẫn cho người Hồi giáo
Việt Nam, sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh và sự ổn định chính trị – xã hội, có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch Hồi giáo.
Ông Trần Văn Tân Cương - Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam cho biết, du lịch Hồi giáo đang khôi phục nhanh sau đại dịch. Từ thông tin của các đại lý tour (Agentour) cho thấy, số lượng khách Hồi giáo từ Singapore, Malaysia, Indonesia đến Việt Nam đang tăng rất nhanh. Chỉ riêng một số đại lý tour Hồi giáo ở TP.HCM khai thác khách tuyến TP.HCM - Đà Lạt - Mũi Né đạt từ 15 - 43 đoàn khách/tháng, một số nhà hàng Hồi giáo tại Hà Nội mỗi tháng đón cũng đón hàng chục đoàn khách du lịch.
Những cửa hàng dành cho người Hồi giáo ở TP.HCM
Theo ông Tân Cương, từ năm 2023 người Hồi giáo đang có xu hướng đi về Đông Nam Á, một khu vực còn khá mới lạ trên bản đồ du lịch Hồi giáo. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, số du khách Hồi giáo đến Malaysia và Indonesia, Thái Lan, Singapore tăng rất nhanh và giờ họ đang muốn đến Việt Nam.
Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đang phát triển nhiều dịch vụ phục vụ cho du lịch Halal. Ảnh: Tân Cương
Ông Trần Văn Tân Cương cho rằng, Việt Nam có lợi thế du lịch núi non, sông nước, cảnh đẹp, văn hóa lịch sử khác biệt giữa các vùng miền, tạo sự hấp dẫn, mong muốn được trải nghiệm khám phá và quay lại. Du lịch Việt Nam có thể khai thác rất đa dạng các loại hình từ trecking đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng du lịch golf..., khác với một số quốc gia chỉ du lịch đơn thuần camping, picnic ngoài trời.
Trang tin uy tín Tripadvisor đã thống kê các nhà hàng, khách sạn tốt nhất nơi du khách Hồi giáo có thể thưởng thức ẩm thực Halal. Có thể khẳng định, việc quảng bá thực phẩm Halal sẽ là yếu tố quan trọng để khách du lịch Hồi giáo biết tới Việt Nam và sẵn sàng tới thăm quan, trải nghiệm các danh lam thắng cảnh và ẩm thực Halal tại Việt Nam.
Khánh sạn đẳng cấp tại Sapa phục vụ khách Hồi giáo. Ảnh: Tân Cương
Bà Đỗ Thị Thanh Tâm, CEO Công ty cổ phần du lịch Sapa Hills, cho hay tại khách sạn Charm, đơn vị đang phối hợp với Công ty Halal Quốc gia Việt Nam, triển khai 2 tầng với 25 buồng phòng thân thiện với khách Hồi giáo, có thảm cầu nguyện, vị trí cầu nguyện thích hợp, có áo lễ dành cho phụ nữ và những điều kiện sinh hoạt phù hợp khách.
Phòng cầu nguyện cộng đồng tại tầng 6 luôn mở cửa 24/24 cho tất cả các khách Hồi giáo đến du lịch hay làm việc tại Sa Pa. Khu vực phòng ăn Halal tại tầng 2 có sức chứa đến 350 khách, có bếp ăn Halal được kiểm tra và chứng nhận, có đầu bếp, các nhân viên phục vụ bếp ăn, phục vụ bàn được tập huấn về chế biến thực phẩm và văn hóa Hồi giáo.
Cũng theo bà Thanh Tâm, khách Hồi giáo đến Sa Pa ngày càng đông, đặt phòng rất nhiều tại Charm, đòi hỏi về thực phẩm và một số tiện nghi sinh hoạt phù hợp khiến cho các nhà quản lý rất trăn trở để tìm ra phương thức chuẩn mực. Thời gian tới, khách sạn sẽ mở thêm không gian cho những khách Việt Nam và khách đến từ nhiều quốc gia khác được thưởng thức các món ăn Halal theo đúng chuẩn.
Điều kiện lý tưởng để phát triển thị trường Halal
Vào tháng 5/2024, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương phối hợp cùng WTC Bình Dương và Công ty TNHH Halal Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội nghị “Giới thiệu về Halal – Thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng”.
Hiện tại quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu là 7.000 tỷ USD, dự kiến đạt 10.000 tỷ USD trước 2028. Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm và phong cách sống vào năm 2022. Chi tiêu này dự kiến đạt 2.800 tỷ USD vào 2025. Riêng thị trường thực phẩm Halal Đông Nam Á có quy mô 230 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Năng lực xuất khẩu top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, Halal không chỉ là một khía cạnh của văn hóa và tôn giáo, mà còn là một phần quan trọng của ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ toàn cầu. Việc tuân thủ các quy tắc Halal đảm bảo sự an toàn và chất lượng của sản phẩm cho người tiêu dùng. Việt Nam có sẵn các đối tác thương mại truyền thống thuộc khu vực Đông Nam Á có nhu cầu cao với các sản phẩm Halal như: Malaysia, Indonesia, Singapore..., Bình Dương có những điều kiện lý tưởng để phát triển thị trường Halal. Với sự tiến bộ trong công nghệ và quản lý chuỗi cung ứng, chúng ta có thể đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ chuẩn mực cao nhất về Halal. Đồng thời, việc xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc với cộng đồng Halal và các đối tác thương mại quốc tế cũng là chìa khóa để thành công.
Cộng đồng dân tộc thiểu số chung tay xây dựng TP.HCM giàu đẹp, nghĩa tìnhĐồng bào dân tộc thiểu số tại TP.HCM đã và đang có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả. Những hoạt động của họ...
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin