Chỉ cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km, Cần Giờ nổi tiếng với rừng ngập mặn, biển và hải sản tươi sống. Vùng đất này vài năm trở lại đây nổi lên như một điểm đến thú vị, thuận tiện di chuyển bằng ôtô. Du khách có thể dành một ngày để khám phá ẩm thực đặc sắc, trải nghiệm những loại hình du lịch dân dã hay hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ.
Buổi sáng khám phá khu du lịch sinh thái Vàm Sát
Khu du lịch sinh thái Vàm Sát nằm ở trung tâm rừng Sác Cần Giờ được nhiều khách ghé thăm khi đến đây. Vàm Sát sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, động thực vật phong phú. Du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều loài động vật, gần gũi thiên nhiên, check-in trong không gian xanh mát của cánh rừng hay thưởng thức ẩm thực...
Tràm chim Vàm Sát cách cổng trung tâm khoảng 800 m, là nơi sinh trưởng của các loài chim hoang dã vùng Nam Bộ, là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Từ tháng 4 đến tháng 10, các loại chim khắp nơi về sinh sản. Nếu di chuyển bằng xuồng, du khách sẽ được tiếp cận các tổ chim.
Cách tràm chim không xa là khu đầm dơi. Đây là khu bảo tồn dơi Nghệ. Đây là loài dơi lớn, chỉ ăn trái cây, không ăn côn trùng. Khi di chuyển đến khu này, khách tham quan phải giữ yên lặng.
Dơi chỉ tập trung trên một vùng đảo đước nhỏ trong đầm, không sống ở vùng đước bên cạnh dù chỉ cách vài mét. Nhiều giả thiết cho rằng vùng đảo này có ảnh hưởng từ trường nên dơi tập trung đông. Nhờ đó mà đàn dơi được bảo tồn và sinh sản đều trong hơn 20 năm qua.
Du khách được trải nghiệm câu cá và cua tại điểm giao sông Vàm Sát và Lò Rèn. Cá câu được có thể chế biến và thưởng thức tại chỗ. Ngoài ra, cá sấu tại Vàm Sát được nuôi theo mô hình bán hoang dã. Du khách có thể đi thuyền có lồng sắt câu cá sấu.
Ngoài việc khám phá thiên nhiên, runner có thể trực tiếp đóng góp công sức của mình trong việc bảo tồn thiên nhiên thông qua các hoạt động như trông rừng phòng hộ, thu gom rác trên bãi biển cùng ban tổ chức.
Buổi chiều tìm hiểu căn cứ cách mạng rừng Sác
Đến Cần Giờ cùng gia đình dịp này, khác du lịch có thể dẫn con em tìm hiểu lịch sử qua việc thăm chiến khu rừng Sác. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, tái hiện toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ xưa, đặc biệt là lính đặc công. Khuôn viên di tích bố trí các bức tượng tái hiện hoạt động chưng cất nước ngọt từ nước mặn theo kiểu nấu rượu để phục vụ kháng chiến, hình ảnh họp bàn phương án tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè, diệt cá sấu dưới lạch.
Để vào thăm căn cứ cách mạng rừng Sác, du khách di chuyển bằng xuồng máy, vượt sông vài km, xuyên rừng ngập mặn.
Buổi tối thưởng thức hải sản chợ Hàng Dương
Chợ Hàng Dương được mệnh danh là thiên đường ăn uống ở Cần Giờ với nhiều loại hải sản. Chơ bán cả hải sản tươi lẫn các món đã chế biến từ cua, ốc , mực, ghẹ, tôm... Du khách sẽ được nạp năng lượng trước khi bước vào giải. Hải sản có thể trực tiếp chế biến tại chỗ với chi phí vài chục nghìn đồng.
Khu bán đồ tươi sống khoảng vài chục sạp hàng, ghi điểm bởi sự đa dạng của các loại tôm, cua, sò lông, hàu, mực. Mỗi loại được đặt trong thau nhựa có ống dẫn khí để giữ độ tươi sống. Bên cạnh khu bán đồ tươi, nơi đây cũng có hẳn khu nấu ăn nằm bên tay trái, phía cuối chợ. Chợ luôn bốc khói nghi ngút, các món ăn nóng hổi, tỏa hương thơm.
Dịp này, khi đến Cần Giờ, du khách có thể hòa mình vào không khí giải chạy Green Cần Giờ Marathon diễn ra vào ngày 7-8/9, có sự đồng hành của HDBank. Đây là lần đầu tiên ngân hàng tài trợ cho giải marathon, mang đến nhiều hoạt động với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững thông qua chiến lược ESG (Môi trường - Xã hội và Quản trị).
Trong đó, 3.000 người dự giải sẽ chạy tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ, vốn được xem là "lá phổi xanh" của TP HCM. Giải gồm nhiều cự ly dành cho trẻ em, 5 km, 10 km, half marathon và marathon. Với mục đích thúc đẩy ESG, HDBank tổ chức các chương trình nhặt rác làm sạch bãi biển, trồng cây, đồng thời trao các phần quà an sinh xã hội trong suốt thời gian diễn ra giải.
Lan Anh
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin