Lượng khách đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự cuối tuần qua đông kỷ lục, nhiều khách tham quan không tuân thủ quy định, xâm phạm hiện vật, gây bức xúc. - VnExpress

"Đây là lần đầu tôi chứng kiến cảnh tượng đông đúc, lộn xộn như vậy ở một bảo tàng", chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, sống ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ về trải nghiệm tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sáng ngày 10/11.

Chị Ánh đến bảo tàng lúc 9h40, mất gần một tiếng di chuyển trên đoạn đường 3-4 km vì tắc đường kéo dài. Chị cho hay bảo tàng đã kín khách từ sớm, mọi khu vực từ ngoài vào trong đều đông nghịt người. Bảo tàng mở cửa cho khách tham quan tự do, cổng chính dồn dập khách ra vào và không phân chia lối đi theo làn. Phần lớn khách tham quan là gia đình có con nhỏ.

462537924-1008519141030279-532-8105-5005-1731318986.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=j8v9cOCyE1pNEbYeFrfO6w

Cảnh ùn tăc ở đường Đại Mỗ 9h sáng ngày 10/11. Ảnh: nqxcanh

"Nhiều khách nhí nô đùa, chạy nhảy khắp nơi, trèo lên cả hiện vật nhưng không thấy phụ huynh đi cùng nhắc nhở", chị Ánh nói và cho biết chưa đi hết bảo tàng nhưng phải bỏ về giữa chừng vì quá đông, không quan sát được các hiện vật.

Chị chia sẻ nhiều hiện vật như xe tăng, pháo, trưng bày ở không gian mở, không có dây ngăn cách, có biển báo "không leo trào, bám, tựa vào hiện vật", nhưng nhiều trẻ nhỏ và người lớn tự ý trèo lên để chụp ảnh. Cảnh tượng lộn xộn diễn ra ở hầu hết khu vực trong bảo tàng. Sảnh ra vào có trường hợp khách phơi quần áo, khu vực chờ la liệt khách ngồi ăn uống.

"Có một người cầm loa nhắc nhở tại khu vực trưng bày máy bay, mặc thường phục nên tôi không rõ có phải nhân viên bảo tàng hay không", chị Ánh nói thêm.

466109565-546011791396609-7856-4710-7441-1731318986.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lQSl4245Bf6Dgcj8o3imrA

Nhiều trẻ nhỏ leo lên xe tăng 843, một trong bốn bảo vật quốc gia tại bảo tàng, sáng 10/11. Ảnh: nqxcanh

Theo khảo sát của VnExpress, từ tối 10/11, mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh khách tham quan leo trèo, làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, gây tranh cãi.

Tài khoản Tr Văn Nghĩa chia sẻ trong nhóm Facebook gần một triệu thành viên hình ảnh sa bàn Điện Biên Phủ kín người bao quanh trưa 10/11. Tài khoản cho biết nhiều du khách nhí dẫm chân lên sa bàn, bị nhắc nhở nhưng vẫn đùa nghịch. Dưới phần bình luận, nhiều người có mặt tại bảo tàng hôm cuối tuần cũng nhận xét chuyến đi là "trải nghiệm lộn xộn".

Một fanpage giải trí hơn 4 triệu lượt người theo dõi cũng đăng tải đoạn video nhiều trẻ em chơi đùa, đu bám vào hiện vật xe tăng, xung quanh có nhiều phụ huynh đứng nhìn nhưng không nhắc nhở. Bài chia sẻ thu hút 10.000 lượt tương tác và hơn 2.000 ý kiến phản hồi.

Tài khoản Tran Anh Thang bình luận: "Trẻ con chưa biết đã đành bố mẹ cũng không nhắc nhở thậm chí còn bảo con trèo lên chụp ảnh".

Hôm 10/11, Trung tá Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết từ đầu buổi sáng 10/11, bảo tàng đã quá tải. Đến 11h, khoảng 25.000 - 30.000 du khách đã đổ về tham quan. Do lượng khách đổ về đông, các khu vực bên trong và ngoài của bảo tàng đều đông nghịt người. Bãi để xe của bảo tàng với sức chứa hơn 1.000 xe cũng chật kín chỗ. Cung đường dẫn về bảo tàng, cổng trước, cổng sau đều tắc.

Trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về cảnh tượng du khách leo trèo, xâm phạm hiện vật, phóng viên đã liên lạc tìm hiểu với phía đại diện truyền thông của bảo tàng nhưng chưa nhận được phản hồi.

Ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội, nhận định trường hợp Bảo tàng Lịch sử Quân sự quá tải, nhiều khách xâm phạm hiện vật là do chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý, chưa quy hoạch về luồng tuyến cho khách đi tham quan. Theo ông Huy, bảo tàng nên tính toán lại lượng khách tham quan dự kiến để lường trước những sự cố đám đông.

"Nên bổ sung lực lượng hướng dẫn khách, làm rào chắn các khu vực trưng bày hiện vật", ông Huy nói. Ngoài ra, việc quản lý điểm du lịch hướng đến phát triển bền vững cần có những chỉ số đo lường lượng khách đến trong cùng một thời điểm, khả năng xâm hại đến môi trường cảnh quan thế nào và công tác quản lý quá tải an ninh trật tự.

Khách tham quan leo trèo lên hiện vật ở bảo tàng lịch sử quân đội

Cảnh tượng du khách chen chúc, leo trèo lên hiện vật trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sáng 10/11. Nguồn: Ngọc Ánh

Theo ông Huy, các bảo tàng nổi tiếng thế giới như bảo tàng Lourve, Pháp, hay bảo tàng Matterhorn ở Zermatt ở Thụy Sĩ có những quy định nghiêm ngặt với khách tham quan, quản lý đám đông. Bảo tàng Louvre từng xảy ra nhiều vụ việc du khách tìm cách phá hoại bức tranh nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci. Lần gần nhất vào năm 2022, xảy ra vụ du khách tấn công bằng bánh kem lên bức họa. Một người đàn ông giả dạng phụ nữ ngồi xe lăn đã ném bánh kem vào tranh Mona để kêu gọi mọi người "bảo vệ Trái Đất". Bánh kem không gây ảnh hưởng gì vì lớp kính chống đạn bảo vệ vẫn chắn mọi va chạm.

Louvre đã áp dụng nhiều biện pháp để quản lý đám đông xem tranh như tạo hệ thống đặt vé và giới hạn lượt vào bảo tàng; phân chia khu vực và quy định di chuyển; tạo khoảng cách và hàng rào bảo vệ các hiện vật; nhân viên giám sát và hướng dẫn trực liên tục; ứng dụng công nghệ điều hướng và camera giám sát.

Theo ông Trần Tường Huy, những hình ảnh lộn xộn ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có thể tác động tiêu cực đến hình ảnh du lịch, làm giảm giá trị của bảo tàng. Hiện nhiều du khách Việt chưa có nhu cầu thưởng lãm, tìm hiểu sâu kiến thức lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trong bảo tàng mà chỉ đến vì tò mò hoặc để chụp ảnh. Ông cho hay cần đẩy mạnh hơn các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức cho du khách.

"Đây là nơi để khách tham quan tìm hiểu và hình dung lại quá khứ hào hùng của lịch sử quân sự Việt Nam, không phải là nơi để check in ồn ào", ông Huy nói.

Bích Phương

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: