Trong lần đầu đến Hà Nội, Kathy James đã nghĩ thủ đô Việt Nam cũng nhiều sương mù giống quê nhà London của cô. - VnExpress

"Khi nhìn lên bầu trời, tôi đã nghĩ Hà Nội giống London vì sương mù dày", nữ du khách Anh Kathy James, nói. Kathy, 26 tuổi, cùng nhóm bạn đến Hà Nội vào ngày 10/12, ở lại ba ngày rồi tiếp tục di chuyển đến Ninh Bình. Khi hướng dẫn viên phát khẩu trang cũng như cập nhật tình hình chất lượng không khí ở Hà Nội, Kathy mới biết cái mình nhìn thấy không phải sương mù, mà là bụi mịn.

2-1735052135-5770-1735052556.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SkCRomkHHtFi5SVISTbKdA

Đoàn khách Mỹ chụp ảnh lưu niệm tại Văn Miếu hôm 22/12. Dù chụp ảnh vào gần trưa, bầu trời vẫn xám xịt. Ảnh: Du lịch Việt

Givanni Gramajomo, 42 tuổi, "có đôi chút khó chịu" khi đến Hà Nội vào giữa tháng 12. "Bầu không khí đặc quánh kèm sương mù khiến tôi ho khan", nam du khách Guatemala cho biết. Mọi thứ dần trở nên dễ chịu hơn khi anh di chuyển đến Đà Nẵng và các thành phố lớn phía nam, nơi thời tiết đẹp, nhiều gió mát và bầu trời cũng trong xanh hơn.

Giống Givanni, nữ du khách Lily Guthrie đến từ Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí xấu. Trong ba ngày ở Hà Nội, mắt cô thường cay xè và mỏi dù không dùng điện thoại nhiều. "Tôi cho rằng đó là do không khí ô nhiễm", Lily nói.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng không khí ở Hà Nội chuyển xấu từ tháng 10, khi thời tiết giao mùa và bước vào chính đông. Hai trên ba trạm quan trắc tại thành phố ghi nhận chất lượng không khí ở mức rất xấu vào ngày 23/12, khi AQI (chỉ số chất lượng không khí) trên 200, cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong ba tiếng từ 21h đến 23h ngày 21/12, chỉ số AQI lên đến 380 - mức nguy hại, cảnh báo khẩn cấp ảnh hưởng sức khỏe.

Ngày 10/12, hệ thống thống kê hơn 30.000 trạm quan trắc chất lượng không khí trên toàn thế giới xếp hạng Hà Nội ô nhiễm nhất với chỉ số chung 198, thứ hai là Dhaka của Bangladesh. Ngày 23/12, Hà Nội xếp hạng ô nhiễm thứ tư toàn cầu, đứng đầu là Delhi, Ấn Độ.

2-2497-1735052556.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TYtbFvz4F9Mr_NTAoXe6gA

Người dân sống tại Hà Nội di chuyển trên đường trong điều kiện chất lượng không khí xấu. Ảnh: Ngọc Thành

Dù không khí Hà Nội không tốt đúng dịp ghé thăm, Kathy cho biết "vẫn rất thích thủ đô Việt Nam" vì bề dày văn hóa, ẩm thực ngon và người dân thân thiện. Hà Nội cũng được cô đánh giá an toàn cho nữ giới đi du lịch. Givanni và Lily cũng có quan điểm tương tự. Givanni cho rằng không phải lúc nào không khí Hà Nội cũng kém và "chỉ là tạm thời". Anh nói "đã có những ngày rất vui khi ở đây".

CEO của nhiều công ty du lịch Hà Nội cho biết chương trình tham quan được khách quốc tế thích nhất gồm khu phố cổ, hồ Gươm - đền Ngọc Sơn, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Văn Miếu và Làng gốm Bát Tràng, bảo tàng Dân tộc học. Vào những ngày chất lượng không khí Hà Nội quá xấu, hướng dẫn viên sẽ chủ động hỏi khách muốn đổi lịch trình đến các khu vực không khí trong lành như Ninh Bình, Hà Giang trước rồi quay lại Hà Nội hay không. Tuy nhiên, hầu hết khách muốn đi đúng lịch trình.

Phùng Văn, du khách Mỹ gốc Việt, đến Hà Nội vào ngày 22/12, đúng thời điểm không khí đang được đánh giá "rất tệ". Tuy nhiên, Hà Nội vẫn hấp dẫn ông nhờ ẩm thực ngon, thời tiết mùa đông không quá lạnh. "Chúng tôi chủ yếu đến tham quan rồi rời đi nên không bị quá thất vọng", ông Văn cho biết.

Phó Tổng giám đốc Du lịch Việt Phạm Anh Vũ nói chất lượng không khí xấu tại Hà Nội đang là vấn đề nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân. Ngành du lịch có thể chịu ảnh hưởng về lâu dài. Nếu chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khỏe, trải nghiệm của du khách, họ sẽ phải đổi lịch trình, dẫn đến phát sinh chi phí.

"Nếu chất lượng không khí vẫn xấu, các chính sách kích cầu du lịch khác như nới lỏng visa, đầu tư du lịch sẽ bị giảm hiệu quả", theo ông Vũ.

Du khách từ các nước phát triển hoặc có không khí trong lành, mức độ kiểm soát ô nhiễm môi trường tốt như Nhật Bản, New Zealand, khu vực Bắc Âu có thể không lựa chọn đến nơi có cảnh quan không gian và môi trường xấu. Tháng 12 là mùa cao điểm du lịch quốc tế tại Việt Nam nên hình ảnh Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện có thể bị xấu đi, cũng như giảm sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt.

huy-8913-1735102131-1735102168-4866-4251-1735102290.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HCNzPyycTDs3kSm0gxO8ig

Hà Nội mờ mịt hôm 11/12. Ảnh: Giang Huy

Thậm chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt còn cho rằng chất lượng không khí kém sẽ khiến du khách đến từ những nơi có môi trường trong lành như New Zealand "một đi không trở lại".

TP Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như TP Hà Nội đang triển khai các biện pháp để giảm thiểu nguồn phát thải. Với nguồn phát thải lớn nhất từ giao thông, Hà Nội đang xây dựng kế hoạch vùng phát thải thấp. Với xây dựng, bụi đường, thành phố tổ chức phun rửa thường xuyên hơn.

"Bạn tôi nói bầu trời Hà Nội rất đẹp vì trong, xanh. Tôi hy vọng lần ghé thăm tiếp theo sẽ được nhìn thấy màu xanh đó, thay vì màu trắng đục như hiện tại", nữ du khách Anh Kathy nói.

Phương Anh

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: