TP HCM có thể tham khảo Hàn Quốc, Singapore phủ kín cửa hàng mua sắm ở khu vực sầm uất, sân bay để du khách có chỗ chi tiền, theo chuyên gia. - VnExpress

Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Matt Kim, giảng viên người Hàn Quốc ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT, nhận định mua sắm là hoạt động giải trí, một động lực quan trọng kích thích du lịch. Hoạt động mua sắm của khách tăng nguồn thu ngoại tệ, tạo việc làm và đa dạng hóa các điểm đến du lịch.

Theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành thế giới (WTTC), du lịch mua sắm toàn cầu năm 2019 mang lại 178,2 tỷ USD, chiếm 6% đóng góp trực tiếp của du lịch và lữ hành vào GDP toàn cầu. Ở một số quốc gia, con số đóng góp này vượt 15%.

Một trong số quốc gia đi đầu châu Á về du lịch mua sắm là Hàn Quốc. Chính quyền thành phố Seoul và Tổ chức Du lịch Seoul (STO) đã thực hiện khảo sát du lịch quốc tế Seoul năm 2023 nhắm vào khách du lịch từ 5 quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ và Anh, những người đã đến Seoul hơn hai lần. Theo báo cáo này, 88,2% khách du lịch quốc tế đến Seoul để giải trí và tham quan. 79,9% người lựa chọn đến thành phố này để mua sắm.

Nhìn vào mức chi tiêu theo đầu người trong chuyến đi, mỗi khách du lịch bỏ ra trung bình 2.000.000 won (tương đương 38,6 triệu đồng) cho vé máy bay và chỗ ở, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Chi phí mua sắm trung bình là 620.000 won (11,2 triệu đồng) và chi phí ăn uống khoảng 500.000 won (9,7 triệu đồng).

"Điều này cho thấy hoạt động mua sắm tác động đáng kể đến doanh thu du lịch điểm đến", bà Matt Kim nói.

Theo bà Kim, các cửa hàng miễn thuế tạo động lực mua sắm cho du khách vì họ mua được những món hàng xa xỉ, hàng hiệu giảm giá (outlet mall), đồ địa phương với giá tốt và không bị đánh thuế. Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc có các cửa hàng miễn thuế gặt hái thành công nhờ tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh.

Ví dụ, Hàn Quốc nổi tiếng với các sản phẩm làm đẹp và thời trang, được đánh giá cao về chất lượng và thương hiệu. Ở Seoul có con phố Myeongdong hay trung tâm thương mại Coex Mall nổi tiếng với khách du lịch vì chuyên bán các sản phẩm làm đẹp từ xa xỉ đến bình dân, miễn thuế. Hầu hết tour du lịch cơ bản đến Hàn Quốc đều có hoạt động mua sắm, tham quan hai địa điểm này trong lịch trình.

baeb4acc0fd5ae8bf7c4-jpeg-1595-1715244739.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_r5-ed0joiwAlUJfw-YLCw

Điểm mua sắm miễn thuế tại nhà ga T2, sân bay Changi, Sinagapore. Ảnh: Bích Phương

Tại Singapore, mua sắm miễn thuế được tập trung phát triển nhằm tăng trải nghiệm cho khách du lịch, đồng thời đảo quốc cũng tự định vị là "điểm mua sắm, bán lẻ toàn cầu", đại diện Tổng cục Singapore cho biết. Đảo quốc có các cửa hàng miễn thuế trong phố, tại các nhà ga ở sân bay Changi. Đại diện sân bay cho biết phần lớn doanh thu của họ không đến từ hoạt động đón hành khách mà từ các hoạt động thương mại. Sân bay có hơn 550 cửa hàng ăn uống, bán lẻ, cửa hàng miễn thuế tại 4 nhà ga và khu phức hợp Jewel.

Tổng cục du lịch Singapore (STB) nhận định mua sắm là một trong những yếu tố chính góp phần vào tổng doanh thu du lịch. STB thống kê doanh thu du lịch giai đoạn tháng 1-9/2023 đạt 20,1 tỷ đôla Singapore (14,8 tỷ USD). Trong đó, doanh thu từ hoạt động mua sắm đạt 3,71 tỷ đôla Singapore (2,74 tỷ USD), chiếm 18% tổng doanh thu.

Năm 2024, ngành du lịch Singapore tiếp tục tập trung làm mới các trải nghiệm mua sắm nhằm hút khách chi tiêu. Đại lộ Orchard được nâng cấp, tăng sức cạnh tranh với các điểm du lịch mua sắm khác trên thế giới. Sân bay Changi cung cấp trải nghiệm mua sắm cho du khách thông qua dịch vụ người mua hộ iShop Changi. Khách có thể chọn sản phẩm cần mua qua ứng dụng trực tuyến, sau đó nhân viên mua hộ sẽ lấy hàng và giao tận tay trước khi khách lên máy bay.

Từ thành công của những thiên đường mua sắm hút khách tại châu Á, chuyên gia Matt Kim cho hay TP HCM muốn hút khách chi tiêu mạnh tay cần đa dạng thương hiệu quốc tế trong các trung tâm thương mại lớn. Thành phố có thể tham khảo mô hình phát triển của TTTM Coex Mall ở Hàn Quốc hay The Landmark ở Hong Kong. Những điểm mua sắm mang tính biểu tượng này không chỉ quy tụ nhiều thương hiệu quốc tế mà còn mang đến những trải nghiệm giải trí và tiện nghi với khách trong và ngoài nước.

TP HCM cũng có thể tận dụng thế mạnh hiện có như chợ đường phố sôi động và các khu mua sắm truyền thống nhưng làm mới mặt hàng, cách thức mua bán tại các khu vực này, đồng thời bảo tồn di sản là không gian kiến trúc. Cách tiếp cận này mang lại nhiều trải nghiệm mua sắm, đáp ứng các sở thích và ngân sách khác nhau.

Các doanh nghiệp và nhà bán lẻ cũng cần hiểu được khác biệt của từng thị trường khách quốc tế để xây dựng sản phẩm du lịch mua sắm phù hợp. Chẳng hạn, khách du lịch từ các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể có xu hướng mua sắm mỹ phẩm và các mặt hàng thời trang cao cấp khi đến TP HCM vì những sản phẩm này thường được cho là có giá phải chăng hơn so với ở đất nước của họ.

Khách du lịch châu Âu thường thích các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thủ công và đồ lưu niệm mang dấu ấn địa phương.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn IPPG kỳ vọng TP HCM có thể phát triển các sản phẩm du lịch mua sắm như cửa hàng miễn thuế nội đô, các outlet hàng hiệu giá rẻ, công viên vui chơi giải trí chuyên đề. Ông nhận xét thành phố có ít lựa chọn mua sắm cao cấp để khách tiêu tiền mạnh tay. Hầu hết họ chỉ ghé các khu truyền thống như chợ Bến Thành, An Đông hoặc các trung tâm thương mại.

"Nếu giải được bài toán mặt bằng, TP HCM sẽ xây dựng được mô hình cửa hàng miễn thuế nội đô chỉ trong 6 tháng, đón thêm hàng chục triệu khách quốc tế, doanh thu du lịch dự kiến đạt thêm từ 1-2 tỷ USD mỗi năm", ông Hạnh nói.

c198dad491cd309369dc-jpeg-1622-1715244739.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dYit65QqVcsB3etQxcFgmw

Khu vực ăn uống, mua sắm đặc sản địa phương ở chợ Bến Thành. Ảnh: Bích Phương

Tiến sĩ Matt Kim cho rằng "phải khảo sát kỹ lưỡng và lập kế hoạch chiến lược để đánh giá tính thực tế của những đề xuất phát triển các điểm mua sắm trong thành phố". Có rất ít nghiên cứu về hành vi mua hàng tại các cửa hàng miễn thuế của du khách từ các thị trường mục tiêu khi đến TP HCM. Đồng thời, vẫn chưa đo lường được mức độ quan tâm khách du lịch nội địa có mong muốn mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế hay không vì nhóm này hầu hết có thói quen chi tiêu cho các mặt hàng thực phẩm như trái cây sấy khô, các loại hạt hoặc cà phê.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở du lịch TP HCM cho biết năm 2023, doanh thu ngành du lịch của TP HCM đạt 160.000 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Hoạt động mua sắm của du khách đóng góp quan trọng vào nguồn thu địa phương nhưng dư địa còn rất lớn. Hiện, mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến TP HCM khoảng 4,7 triệu đồng mỗi ngày. Năm 2019 là 3,89 triệu đồng.

Bà Hoa cho hay từ nay đến năm 2030, du lịch mua sắm được xác định là một trong những sản phẩm chính mang lại nguồn thu chủ yếu cho du lịch TP HCM. Định hướng tăng chi tiêu mua sắm của khách ngoại đến thành phố trong ngắn hạn là phát triển các hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại, khu phức hợp.

"TP HCM còn nhiều địa điểm cũng đang được cân nhắc trở thành điểm dịch vụ mua sắm phục vụ du khách bên cạnh khu vực trung tâm quận 1", bà Hoa nói.

Bích Phương

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: