Thời gian qua, du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hút đông đảo du khách đến khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, việc đầu tư vào mô hình này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chiều ngày 17/10, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả đạt được và khó khăn vướng mắc trong phát triển du lịch canh nông trên địa bàn.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, sản phẩm du lịch canh nông đã từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông.
Tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 (đầu năm 2018 thẩm định và công nhận điểm du lịch canh nông) đến nay đạt hơn 7 triệu lượt khách.
Quang cảnh hội nghị.
Sau giai đoạn phát triển mạnh, du lịch canh nông tại Lâm Đồng có dấu hiệu chững lại sau dịch Covid-19 khi có 14 mô hình được công nhận du lịch canh nông ngưng hoạt động.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động du lịch canh nông cần được tháo gỡ. Cụ thể là những vướng mắc tới Luật Đất đai, Luật Du lịch và Luật Xây dựng.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị.
Các vấn đề về tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỉ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp. Hơn nữa, hiện nay các bộ ngành trung ương vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch canh nông...
Đại diện các doanh nghiệp nêu những kiến nghị nhằm gỡ khó cho du lịch canh nông.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, du lịch canh nông là loại hình du lịch mới, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương nói chung và ngành du lịch.
Từ năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển loại hình du lịch này, như bộ tiêu chí công nhận mô hình “tuyến du lịch canh nông”, “điểm du lịch canh nông”... Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 17 điểm du lịch canh nông được cấp thẩm quyền chứng nhận, trong đó có 3 điểm đạt chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, không đủ điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng; là lĩnh vực mới nên chủ thể chưa đủ hiểu, chưa có hướng dẫn viên về du lịch canh nông, chưa có trường đào tạo loại hình này.
Lâm Đồng là địa phương đi đầu về du lịch nên gặp khó khăn, vướng về Luật Du lịch, Luật đất đai, Luật Xây dựng;… Các sở ngành chưa nghiên cứu một cách thấu đáo các văn bản luật và dưới luật để có hướng dẫn cụ thể cho người dân và doanh nghiệp.
Du khách tham quan, hái những nông sản tại một điểm du lịch ở Đà Lạt.
Ông Phạm S cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định, tham mưu UBND tỉnh về phương án sử dụng đất đa mục đích. Việc hướng dẫn, bộ tiêu chí quy định phải đạt yêu cầu dễ làm, dễ hiểu, dễ thực hiện và có tính khả thi cao.
Sở VH-TT-DL rút kinh nghiệm thời gian qua để xây dựng bộ tiêu chí để xây dựng du lịch canh nông. Tiêu chí này phải phù hợp điều kiện thực thế, không thách thức, không viễn vông, đảm bảo cao nhất về an toàn tính mạng du khách. Đối với các địa phương, căn cứ quy định hiện hành, chương trình hỗ trợ của tỉnh tiếp tục thông tin để người dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ,...
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin