Hà Nội- Quán cà phê Giảng Yên Phụ do con trai ông Nguyễn Văn Giảng mở bán là nơi nhiều người đến tìm lại "phong vị" cà phê trứng Hàng Gai khi xưa. - VnExpress

Ở Hà Nội, Cà phê Giảng được biết đến là một trong "tứ trụ cà phê" thời kỳ đầu của Hà Nội với câu Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng. Giảng cũng là cái nôi của cà phê trứng, món đồ uống bình dân sử dụng lòng đỏ trứng gà thay cho sữa. Đến nay, cà phê trứng đã trở thành đặc sản của đất Hà thành.

IMG-1558-2799-1694396190.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MSvqwGRwvpNJjm5gcEyBBw

Cà phê trứng Giảng - đặc sản bình dân của Hà Nội.

Quán cà phê Giảng đầu tiên ở Hà Nội do ông Nguyễn Văn Giảng mở vào năm 1946 ở phố Cầu Gỗ. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm của đất nước, ông Giảng từng có thời kỳ phải nghỉ bán cà phê. Mãi đến khi mở cửa nền kinh tế (sau năm 1986), quán mở bán trở lại tại phố Hàng Gai.

Sau khi ông Giảng qua đời, các con ông tiếp nối nghề của cha và mở ra hai cơ sở cà phê Giảng. Ông Nguyễn Trí Hòa, con trai út mở quán tại 39 Nguyễn Hữu Huân từ năm 2007. Đây là địa chỉ nổi tiếng với nhiều du khách trong và ngoài nước khi nhắc đến món cà phê trứng Hà Nội.

Người con thứ của ông Giảng, ông Nguyễn Trí Đức, mở quán tại số 106 Yên Phụ vào năm 2006. Tuy không nổi tiếng như cơ sở Nguyễn Hữu Huân, Giảng Yên Phụ là địa chỉ quen thuộc của những người dân bản địa.

Quán nằm trên mặt đường Yên Phụ, một tầng, mặt tiền sáng sủa, có không gian ngoài trời thoáng mát, cây xanh che bóng. Không gian trong nhà rộng khoảng 20 m2 với khoảng 6, 7 bộ bàn ghế gỗ thấp đặc trưng của quán ngày xưa. Hiện quán do anh Nguyễn Văn Quyết (38 tuổi) và anh Nguyễn Văn Kiên (45 tuổi), con trai của ông Đức, cháu nội ông Giảng, quản lý.

Từ khi mở bán đến nay, quán vẫn phục vụ theo cách truyền thống, hướng đến sự gần gũi, giản dị. Không có bài nhạc nào được bật lên, âm thanh tại quán là sự pha trộn những tiếng trò chuyện của khách. Tuy chỉ dùng quạt, quán vẫn thoáng mát do không gian mở. Những chiếc ghế thấp đã cũ nhưng chắc chắn, xếp cạnh bờ tường treo một số hình ảnh về quán cà phê Giảng cũ ở Hàng Gai. Không có điểm nhấn nổi bật, không góc check in sống ảo, nhưng những lượt khách vẫn luân phiên đến mỗi ngày.

IMG-1657-1-7384-1694396190.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WW8WMv36u9LC4EndUNOC6Q

Mặt tiền quán Cà phê Giảng tại số 106 Yên Phụ.

Khách đến quán chủ yếu là khách quen nhiều năm, đa phần là dân địa phương ở độ tuổi trung niên. Quán cũng từng đón tiếp những người nổi tiếng, các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước, phục vụ các hội chợ ẩm thực, sự kiện ở các trung tâm, cơ sở ở Hà Nội, anh Quyết, chủ quán cho biết.

Thực đơn của Giảng Yên Phụ cũng giống với cơ sở Nguyễn Hữu Huân với món cà phê trứng nổi tiếng và các món mới được biến tấu từ cà phê trứng như đậu xanh trứng, matcha trứng, cacao trứng, rum trứng và mới nhất là bia trứng. Giá từ 30.000 đến 60.000 đồng một cốc.

Các loại đồ uống này cơ bản vẫn có lớp bọt trứng màu vàng nhạt phủ bên trên, phía dưới là cà phê được pha phin truyền thống hoặc bột đậu xanh, cacao, matcha theo yêu cầu. Lòng đỏ trứng được đánh mịn như nhung, có vị ngọt và béo, không còn mùi tanh. Dùng thìa khuấy từ đáy lên mới thấy những phần bột màu xanh, màu nâu quyện vào lớp bọt mịn.

Hương vị nguyên bản của cà phê trứng là vị ngọt, béo của trứng gà, kết hợp với một ít đường làm dịu đi vị đắng của cà phê. Khi trộn với các loại bột khác, vị cà phê trứng truyền thống trộn với hương thơm của đậu xanh, cacao hay matcha, mang đến cảm giác mới lạ. Tuy nhiên, cà phê trứng vẫn là món bán chạy nhất tại quán, anh Quyết cho biết.

Điểm khác biệt của cà phê trứng ở Giảng Yên Phụ đó là "khách gọi đến đâu làm đến đó". "Trứng sau khi đánh phải phục vụ luôn, để lâu sẽ bị tanh, vữa. Do lượng khách không quá đông vào những ngày đầu và giữa tuần nên tôi đánh từng cốc, như vậy trứng sẽ tươi, mịn. Cuối tuần, ngày lễ, khách đông, thời gian gấp mới đánh trứng số lượng lớn", anh Quyết nói.

Anh Bùi Hữu Kỳ (49 tuổi, Hà Nội), đã uống cà phê trứng từ khi là học sinh cấp 3, khi ông Giảng còn bán quán ở Hàng Gai. Đến Giảng Yên Phụ đã hơn 10 năm, dựa trên những trải nghiệm của mình, anh nhận xét "mỗi quán có phong cách khác nhau. Nếu Nguyễn Hữu Huân là nơi đưa món cà phê trứng đến với nhiều du khách trong và ngoài nước thì Yên Phụ là nơi phục vụ dân Hà Nội, mang đến cho họ cảm giác gần gũi, thân quen".

Anh Kỳ nói có lẽ bản thân là người Hà Nội nên anh thường ngồi ở Yên Phụ. Tuy cả hai quán đều có sự ồn ào, đông đúc, tính chất lại khác nhau. Giảng Nguyễn Hữu Huân là sự đông đúc của một địa điểm du lịch hút khách, còn Giảng Yên Phụ là những âm thanh ồn ào của cuộc sống thường nhật, tiếng xe cộ qua lại, tiếng rao của những gánh hàng rong, những câu chuyện cũ của những vị khách lớn tuổi.

Trải qua gần 80 năm, cà phê Giảng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng lâu đời giữa lòng Thủ đô. Món cà phê trứng của Giảng từng được kênh truyền hình Mỹ CNN đề xuất là một trong 5 món đặc sản du khách nên thử khi đến Hà Nội. Còn đối với những người dân tại đất kinh kỳ, Giảng là nơi tìm về một "Hà Nội cũ xưa" với thức quà bình dân từ thuở nhỏ.

Bài và ảnh: Quỳnh Mai

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: