Tour du lịch kèm shopping giá rẻ, nhiều du khách dễ tiếp cận nhưng đổi lại sẽ tốn thời gian, chủ yếu ghé các điểm tham quan miễn phí. - VnExpress

Theo khảo sát của VnExpress về lựa chọn du lịch kèm mua sắm với độc giả từ tuổi 18 trở lên và là người quyết định chuyến đi hoặc tham gia vào quá trình lựa chọn điểm đến, 54% người được hỏi chọn du lịch tự túc; 35% chọn các tour cao cấp không shopping và 11% chấp nhận tour shopping vì giá rẻ và bản thân cũng thích mua sắm.

Trần Huỳnh Nguyên, giảng viên kiêm hướng dẫn viên tại TP HCM với hơn 20 năm kinh nghiệm, cho biết tour shopping là cách gọi vắn tắt của hình thức tour du lịch trọn gói được một số điểm mua sắm ở nước ngoài tài trợ.

z5629048271968-0793ebb9b9f8d09-6048-5588-1720846774.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hC7o7oNJqJVhc6VH7M-UhA

Hướng dẫn viên giới thiệu về điểm du lịch cho du khách đi tour. Ảnh: Du lịch Việt

Tại nhiều quốc gia, các doanh nghiệp địa phương muốn thu hút khách quốc tế đến cửa hàng sẽ dùng ngân sách marketing để tài trợ cho các công ty du lịch giảm giá tour. Đổi lại, các công ty du lịch sẽ đưa các điểm mua sắm địa phương vào lịch trình và dẫn khách đến. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là chiến lược 3 bên cùng có lợi: cửa hàng và công ty du lịch đón được khách, có thêm lợi nhuận còn khách được đi du lịch nước ngoài với giá cả phải chăng. Du khách không bắt buộc phải mua hàng khi đến các điểm này.

Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Phạm Anh Vũ cho biết mua sắm trong các tour du lịch là "không thể thiếu" và "chiếm đa số nhu cầu của mỗi du khách" để kỷ niệm chuyến đi. Theo khảo sát của công ty ông Vũ với chính khách hàng, nhiều người cho biết mua sắm trong chuyến du lịch là "niềm vui".

Từ nhu cầu đó của khách, các công ty lữ hành đã tạo ra sản phẩm du lịch kết hợp mua sắm vào mùa giảm giá ở điểm đến như Singapore, Nhật Bản, Hong Kong. Nhiều du khách khi mua tour Thái Lan đã tìm hiểu chợ bán sỉ Pratunam để ghé mua.

Đại diện Du lịch Việt cho biết hiện không có tour chỉ mua sắm, ngoại trừ thiết kế riêng theo yêu cầu của khách. Thay vào đó, các tour quốc tế sẽ đan xen điểm tham quan - mua sắm trong lịch trình. Các tour này giúp khách Việt có cơ hội du lịch nước ngoài giá rẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm các sản phẩm địa phương, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống của người bản địa.

Tệp khách hàng của những tour mua sắm này, theo Giám đốc Công ty CENTours Tăng Tất Hiếu, là những người ít đi, lần đầu đi nước ngoài hoặc những người thích đi nhiều nơi để trải nghiệm với giá cả phải chăng. "Ưu điểm của tour này là rẻ, đi được nhiều điểm tham quan ở nước sở tại nhưng chủ yếu là điểm không mất phí", ông Hiếu nói.

Bên cạnh những ưu điểm về tour giá rẻ, các chuyên gia cũng chỉ ra nhược điểm của tour này để du khách cân nhắc khi lựa chọn. Theo ông Huỳnh Nguyên, các nhà tổ chức tour thường bị du khách phàn nàn khi bản thân không có nhu cầu mua sắm nhưng lại phải đợi những người khác trong đoàn mua. Chương trình tour không bỏ qua các điểm mua sắm mà bắt buộc phải ghé. Tour này thường tiềm ẩn rủi ro về xung đột giữa khách thích mua sắm - không thích mua khiến chuyến đi vốn để thư giãn, giải trí thành chuyến đi của sự cố, căng thẳng.

Ông Anh Vũ cho biết nếu lạm dụng quá nhiều điểm shopping sẽ làm giảm thời gian đi tham quan, du lịch, khiến khách có cảm giác bị "gạt" hoặc "ép mua sắm". "Có công ty đã đưa quá nhiều điểm shopping vào lịch trình du lịch khiến cho khách hàng chán ngán, thậm chí bỏ tour giữa chừng", ông Vũ chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều điểm mua sắm có giá cao hơn thị trường khoảng 30-50% do mất chi phí hoa hồng. Là tour giá rẻ nên du khách thường phải bay hãng giá rẻ, giờ bay xấu như sáng sớm hoặc chiều muộn. Lịch trình ghé nhiều điểm, thời gian mỗi điểm lại ngắn, khách thường phải đi từ sáng đến tối muộn. Do đó, khách đi tour thường có ít thời gian nghỉ ngơi, tối về chỉ kịp tắm xong đi ngủ, không có thời gian ra ngoài quan sát cuộc sống về đêm của người dân. Nhiều tour để giảm giá bán đã để khách có 1-2 ngày tự do trong tour. Những ngày này khách phải tự chi tiền ăn uống, theo ông Hiếu.

z5629048278435-326b879ae12d7f6-1985-6623-1720846774.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PEXQ5X5mVkLvW9QwC4UWRg

Du khách nghe nhân viên giới thiệu sản phẩm tại một điểm mua sắm. Ảnh: Du lịch Việt

Dù vậy, đại diện của các công ty lữ hành đều cho biết chương trình mua sắm được ghi rõ trong hành trình gửi khách khi họ có ý định mua tour. Nhiều đơn vị còn ghi chú mức tài trợ cần hoàn trả nếu du khách không ghé thăm các điểm mua sắm đúng chương trình.

Các nhà cung cấp dịch vụ trọn gói nước ngoài luôn cố gắng cân nhắc để bố trí hài hòa số lượng điểm mua sắm và điểm tham quan nhằm tạo cảm giác dễ chịu cho du khách. Tuy nhiên, giá tour hiện tại ở một số thị trường quen thuộc có xu hướng đứng yên như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc trong khi vật giá ngày càng tăng.

"Như vậy số lượng các điểm mua sắm tài trợ cũng phải tăng lên để giữ giá bán", ông Nguyên nói.

Hiện tại, các tour quốc tế kèm shopping được nhiều du khách yêu thích gồm tour Thái Lan với giá 5-7 triệu đồng cho 5 ngày 4 đêm hay tour Trung Quốc giá 9-16 triệu đồng cho tour 4-6 ngày.

Ông Tăng Tất Hiếu của CENTours khuyến khích những khách Việt đã đi du lịch nhiều, có kinh nghiệm, ngoại ngữ tốt và đi theo nhóm ít người (dưới 10 người) nên đi tự túc. Nếu khách đi du lịch nhiều nhưng đi theo đoàn đông nên mua tour để có đơn vị đứng ra lo mọi khâu tổ chức, có hướng dẫn viên hỗ trợ check in tại sân bay, xuất nhập cảnh, nhận phòng khách sạn, gọi xe đi lại, đặt ăn tại nhà hàng.

Với những khách ngân sách ít, mới đi du lịch và thích khám phá, trải nghiệm, tour có shopping cũng là một gợi ý nên thử.

Ngoài ra, du khách có thể tham khảo các tour không mua sắm nhưng giá tiền cao hơn. Ông Hiếu cho biết hiện các tour đi Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong bán chạy, giá từ 15 đến 30 triệu và chỉ làm tour shopping khi khách yêu cầu. Thay vào đó, ông hướng tới các tour du lịch trải nghiệm và chỉ kèm 1-2 điểm mua sắm để khách có thể mua về làm quà. Những tour này sẽ kén khách hơn do giá thành cao hơn, nhưng đổi lại sẽ cảm thấy thoải mái vì được đi du lịch đúng nghĩa.

"Đi tour có shopping thường chấp nhận hành xác. Đi tour no-shopping được lợi về trải nghiệm nhưng đau ví", Nguyễn Ngọc Lan, du khách sống tại Hà Nội có thâm niên đi các loại tour kể trên và đi du lịch tự túc nhận xét.

Phương Anh

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: