Giống như nhiều lĩnh vực khác, du lịch và lữ hành cũng là một nguồn phát thải khí nhà kính lớn, vì vậy việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong lĩnh vực này đang đối diện với nhiều thách thức lớn.

Giống như nhiều lĩnh vực khác, du lịch và lữ hành cũng là một nguồn phát thải khí nhà kính lớn, vì vậy việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong lĩnh vực này đang đối diện với nhiều thách thức lớn.

Trong nhiều năm gần đây, tính nguy cấp của thực trạng Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn ở phạm vi toàn cầu đòi hỏi phải chuyển đổi kinh tế xã hội thế giới một cách sâu sắc và có trách nhiệm nhất.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, sự khan hiếm và cạn kiệt tài nguyên cùng với chất lượng môi trường sống suy thoái nghiêm trọng đang thúc giục con người phải đưa ra các giải pháp cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức thấp nhất có thể và bù đắp lượng khí thải còn lại bằng cách loại bỏ hoặc bù trừ chúng khỏi khí quyển nhằm cân bằng lại các vòng tuần hoàn trong hệ sinh thái phát triển chung.

du lich net zero, thach thuc khong nho doi voi the gioi - 1

Ảnh: NASA

Sự thay đổi cả nền kinh tế bao hàm rất nhiều ngành nghề và hoạt động sản xuất kinh doanh, Du lịch và lữ hành giống như nhiều lĩnh vực khác, cũng là một nguồn phát thải khí nhà kính lớn. Do đó, điều tối quan trọng là phải khử carbon cho lĩnh vực này càng nhanh càng tốt và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, ngành du lịch thế giới và trong nước phải đối diện với nhiều thách thức khó lòng được giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn và không thể chỉ là trách nhiệm được gói gọn trong một nhóm các tổ chức hay những cá thể được chỉ định.

Trung hòa phát thải trên chuỗi giá trị ngành du lịch

Quan điểm về ngành du lịch để có thể quản trị chiến lược thông qua các chính sách và thể chế nên được nhìn nhận ở góc độ chuỗi giá trị và cụm ngành (Hình 1) trong đó, sản phẩm du lịch được định nghĩa bao gồm những hoạt động xoay quanh các hành vi của du khách như ăn uống, lưu trú, đi lại, tham quan, học tập, mua sắm,…

Như vậy để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đòi hỏi sự phối hợp và tính đồng đều về chất lượng sản phẩm dịch vụ của nhiều hoạt động cụm ngành khác nhau, trong đó, bao gồm cả một số sản phẩm dịch vụ đôi khi được xem như không thuộc ngành du lịch. Ví dụ như việc du khách đến tham quan tại một địa phương có thể sẽ có những trải nghiệm tệ hại nếu việc thanh toán trực tuyến hoặc việc rút tiền ngân hàng gặp sự cố, điều này khiến sản phẩm du lịch địa phương bị đánh giá thấp trong khi các doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng khách sạn, hay điểm tham quan,… vẫn đang hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Hình 1: Chuỗi giá trị ngành du lịch chịu tác động bởi các cụm ngành khác

du lich net zero, thach thuc khong nho doi voi the gioi - 2

Nguồn: Tác giả phác họa dựa trên gợi ý của GIZ, The tourism value chain (2020)

Việc trung hòa phát thải trong Du lịch lữ hành cũng cần được thực hiện trên chuỗi giá trị tương tự như khi quản trị ngành vì việc cắt giảm phát thải thành công ở một công đoạn nào đó có thể được quyết định bởi một công đoạn khác hoặc nếu cắt giảm phát thải ở công đoạn này mà lại gây ra tăng phát thải ở một công đoạn khác trên chuỗi giá trị thì việc cắt giảm phát thải chung của cả nền kinh tế sẽ bị thất bại.

Ví dụ như việc chuyển đổi phương tiện vận chuyển từ xe chạy bằng nguyên liệu xăng dầu diesel sang điện có thể sẽ khó dẫn đến kết quả cắt giảm hiệu quả lượng phát thải chung nếu việc sản xuất điện không thể chuyển từ phương pháp nhiệt điện sang các nguồn tạo điện từ năng lượng tái tạo. Hơn nữa, các phương án giải quyết các tấm pin tích điện sau khi hết hạn sử dụng cũng là yếu tố cần cân nhắc để đảm bảo hiệu quả giảm phát thải cho cả nền kinh tế.

Việc trung hòa phát thải khí nhà kính phải được nhìn nhận trên 3 phạm vi. Phạm vi 1 là phát thải trực tiếp gồm những phát thải xảy ra từ các nguồn do các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong ngành du lịch sở hữu hoặc kiểm soát.

Phạm vi 2 là phát thải gián tiếp phát sinh từ “việc tạo ra điện, hơi nước, nhiệt hoặc làm mát thu được và tiêu thụ”, xuất phát từ hoạt động của công ty du lịch nhưng được thải ra tại một địa điểm do một công ty khác sở hữu hoặc kiểm soát.

Phạm vi 3 là các phát thải gián tiếp khác bao gồm những phát thải liên quan đến các hoạt động của công ty không nằm trong phạm vi 1 hoặc 2, chẳng hạn như việc đi lại của nhân viên; khai thác, chế biến nguyên liệu thô và vận chuyển chúng đến công ty; vận chuyển sản phẩm của công ty đến các trung tâm phân phối, nhà bán lẻ và khách hàng; và thải bỏ sản phẩm.

du lich net zero, thach thuc khong nho doi voi the gioi - 3

Ảnh: Shutterstock

Trong trường hợp của một khu du lịch ẩm thực, các phát thải xuất phát từ hoạt động tạo ra và vận hành các sản phẩm vui chơi ăn uống cho du khách ngay tại điểm tổ chức sẽ thuộc phạm vi 1, nhưng phát thải được tạo ra từ việc sản xuất điện nước cung cấp cho khu du lịch để phục vụ cho các nhân viên và du khách trong các hoạt động khác nhau sẽ thuộc phạm vi 2 được tính toán đo lường tại nguồn phát điện hoặc xử lý nước.

Trong khi đó, các phát thải từ việc sản xuất ra các nguyên liệu để tạo ra các món ăn cung cấp cho các hoạt động ẩm thực tại khu du lịch hoặc phát thải trong quá trình xử lý các chất thải đầu ra của khu du lịch sẽ được tính vào phạm vi 3. Như vậy, việc trung hòa phát thải cho hoạt động của khu du lịch ẩm thực phải được kiểm soát và chuyển đổi trên cả 3 phạm vi chứ không chỉ tập trung vào hoạt động chính của tổ chức.

Lộ trình khử carbon ngành du lịch

Khử carbon trên một chuỗi giá trị ngành chịu tác động bởi các cụm ngành và được kiểm soát trên 3 phạm vi là một điều không hề dễ dàng. Theo đề xuất của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới, tiến độ khử carbon có thể được ưu tiên thực hiện để đạt được các mục tiêu theo tiến độ khác nhau (Hình 2).

Hình 2: Lộ trình khử carbon đề xuất cho ngành du lịch theo tiến độ thực hiện

du lich net zero, thach thuc khong nho doi voi the gioi - 4

Nguồn: World Travel and Tourism Council, 2021

Đối với các mục tiêu dễ làm như việc khử carbon tại các tổ chức hoặc hoạt động ít chịu ảnh hưởng theo chuỗi giá trị và chủ yếu tập trung ở phạm vi 1 và 2 sẽ kỳ vọng đạt được trung hòa phát thải vào năm 2030, cụ thể nhóm các đại lý du lịch trực tiếp và trực tuyến được cho là thuộc nhóm này. Đối với các mục tiêu khó làm hơn do có sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các công đoạn khác nhau trên chuỗi giá trị và bao hàm cả 3 phạm vi phát thải như hoạt động lưu trú, ăn uống thì mục tiêu trung hòa phát thải được kỳ vọng đạt được vào năm 2040.

du lich net zero, thach thuc khong nho doi voi the gioi - 5

Ảnh: Shutterstock

Riêng các hoạt động có sự liên kết chặt chẽ với các công đoạn liên quan đến việc phát thải từ nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải có hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để thay đổi nguồn nguyên liệu và cách thức vận hành được liệt vào nhóm các mục tiêu khó giảm thiểu được kỳ vọng đạt mục tiêu trung hòa vào năm 2050, cũng là mốc thời điểm cam kết thực hiện Net Zero của Việt Nam. Các hoạt động vận tải trong du lịch như du thuyền hay ngành hàng không được xem là ví dụ điển hình cho mục tiêu khó giảm thiểu.

Lộ trình khử carbon cũng được đề nghị thực hiện thông qua bốn bước lớn (Hình 3). Bước đầu tiên sẽ là việc kiểm kê khí nhà kính của các tổ chức, hoạt động trong chuỗi giá trị ngành du lịch từ đó đánh giá tính trọng yếu của từng công đoạn để đưa ra các mục tiêu khí hậu phù hợp của ngành và thiết kế chiến lược khử phát thải phù hợp với thực trạng và nguồn lực sẵn có cũng như bối cảnh phát triển ngành.

Bước 2 đòi hỏi sự tham gia sâu của lãnh đạo quốc gia và các ngành, các tổ chức liên quan để có sự ủng hộ về các nguồn lực, cụ thể là nguồn lực về tài chính và ngân sách cho các hoạt động khử carbon, xây dựng năng lực nhân sự để tạo nguồn nhân lực phù hợp cho nhiệm vụ thực hiện chiến lược trung hòa phát thải, bên cạnh đó, hệ thống quản trị thông qua hệ thống các chính sách, thể chế đi cùng các chỉ đạo sát sao, kịp thời là rất cần thiết để xây dựng và kích hoạt một hệ thống vận hành chuỗi giá trị ngành du lịch đã được tích hợp các công cụ thúc đẩy việc trung hòa phát thải.

Hình 3: Bốn bước trong lộ trình khử carbon cho ngành du lịch

du lich net zero, thach thuc khong nho doi voi the gioi - 6

Nguồn: World Travel and Tourism Council, 2021

Ở bước thứ 3, quá trình giảm thiểu carbon cần được đẩy mạnh thông qua việc áp dụng các công nghệ kết hợp với thay đổi mô thức vận hành chuỗi giá trị ngành du lịch giúp giảm thiểu phát thải và loại bỏ được carbon khỏi khí quyển. Bên cạnh đó, các dự án bù đắp carbon cũng cần được đẩy mạnh triển khai để đóng góp vào quá trình trung hòa.

Để làm được điều đó, tất cả các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế đều phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đối với ngành du lịch, không chỉ gói gọn trong các hoạt động hay các tổ chức trực tiếp làm du lịch theo quan điểm truyền thống mà còn phải có sự hỗ trợ hợp tác liên ngành, xuyên ngành theo chiều ngang trên chuỗi giá trị và theo chiều dọc khi kết hợp với các cụm ngành khác. Sự hợp tác của các bên liên quan dù nhằm đạt được các mục tiêu riêng đa dạng nhưng phải cùng nhìn về một mục tiêu chung là trung hòa phát thải cho ngành du lịch nói riêng, và nền kinh tế nói chung.

du lich net zero, thach thuc khong nho doi voi the gioi - 7

Ảnh: Shutterstock

Ở bước 4, quá trình giám sát và báo cáo phải được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả để tạo động cơ tuân thủ và đảm bảo các đối tượng trong nền kinh tế hiểu đúng, hiểu đủ và vẫn đang phối hợp tốt với nhau. Quá trình này bắt đầu bằng việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về kiểm kê khí nhà kính, báo cáo quá trình phát triển bền vững một cách tự nguyện. Nhưng sau đó, các dữ liệu cần được giám sát để đảm bảo mức độ chính xác và cần được yêu cầu thực hiện theo tiến trình để đo lường và đảm bảo tiến độ trung hòa phát thải đang được thực hiện đúng như kế hoạch ban đầu.

du lich net zero, thach thuc khong nho doi voi the gioi - 8

Bài 2: Thách thức trong việc xây dựng Net Zero Tourism tại Việt Nam

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: