Sâu trong ngõ 139 Chương Dương Độ ở thủ đô Hà Nội, một cộng đồng yêu cà phê đã thành hình tại Donkey Coffee Roastery - không gian tích hợp xưởng rang và quán nước của những người trẻ yêu lao động cùng hạt cà phê.
“Đứa con” của chàng trai 15 năm nghiêm túc say mê cà phê
Nằm dưới tán cây xanh sum suê, đối diện sông Hồng dịu dàng, Donkey Roastery Coffee như ngôi nhà nhỏ màu xanh yên bình. Tuy nhiên, khi kéo ngang cửa kính có khắc logo chú lừa ngộ nghĩnh, nơi đây hiện lên như một nhà kho “trá hình” mà ở đó, vài người cùng nhau chụm đầu vào cốc đựng cà phê vừa xay, trầm trồ như đương thưởng lãm, nghiên cứu vật phẩm kỳ thú.
Hương cà phê vấn vít. Bản nhạc jazz rót thêm tinh thần tự do thanh lịch. Tiếng cười nói đan xen. Dưới ánh đèn vàng là thập cẩm thiết bị pha chế, những gói cà phê rang xay thẳng hàng trên kệ, những bao cà phê chất ngăn nắp dưới đất và máy xay kim loại bóng loáng cuối góc phòng. Rồi, Len cười chào tươi rói từ trong quầy, sự hiếu khách của anh Giang. Hóa ra, không chỉ là một quán cafe, Donkey Roastery là một không gian tích hợp kho, xưởng rang, và chốn chia sẻ trải nghiệm cùng cà phê với bạn bè.
Những thiết bị bên trong Donkey Roastery Coffee
Hơn 15 năm trước, anh Nguyễn Hoàng Giang (founder Donkey Roastery Coffee) khi ấy đương là một kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực cà phê, đã bị thu hút với những bình syphon - thiết bị pha cà phê lấp ló trong những cửa tiệm cà phê, nằm trên con đường ở đất nước anh du học. Về Việt Nam, khi dẫn anh đi thưởng thức pour-over, bố nuôi anh ôn tồn chia sẻ: “Con uống cà phê, thì con phải cảm nhận hậu vị kéo dài như rượu vang. Thức uống xong, mà chỉ thấy đắng thì không phải là cà phê. Cafe phải trong, hậu vị kéo dài mãi”.
Câu nói ấy khắc sâu trong chàng trai hai mươi, thắp lên đam mê nghiên cứu, đặt chân vào vùng đất mới. Sau khi rời công việc graphic designer, anh Giang bắt đầu hành trình chuyên gia hóa trải nghiệm bản thân, đi học hỏi và nhen nhóm mong muốn trở thành chàng trai đứng sau máy rang xay, tự tay tạo ra ly cà phê thành phẩm từ hạt cà phê nhân xanh.
Công việc làm cà phê mang lại cho anh Giang nhiều hơn đam mê, đó là cảm giác sống trọn hơn trong thực tại và tìm thấy giá trị bản thân: “Khi anh làm cà phê, anh cảm thấy giống như mình cứ trôi trong trạng thái khác. Nó giống như cảm giác thiền, đầu óc sạch sẽ, tinh tươm”.
Đi càng xa, sự tự hào, cùng hiếu kỳ khám phá thúc đẩy mong muốn góp phần vào bức tranh cà phê ở đất nước mình. Và thời điểm kẻ ngoại đạo đã thành “con chiên ngoan đạo” với bề dày kiến thức, cuối năm 2022, anh bắt đầu thai nghén ý tưởng. Thói quen của người làm thiết kế, anh đã vẽ nên layout chốn mơ ước với bốn yếu tố. Một nơi chan chứa năng lượng tích cực với tràn đầy ánh sáng và nhiều cây xanh. Một không gian khác biệt để rót thêm hương vị mới vào bức tranh cà phê muôn sắc ở thị trường Việt Nam. Một điểm đến mang lại nhiều giá trị dịch vụ nhất có thể cho khách hàng, với ly cà phê “tươi” đáng giá trị họ bỏ ra, phong phú trải nghiệm. Và sau hết, một chốn để anh được thỏa đam mê khám phá và chia sẻ hạnh phúc từ việc làm cà phê với bạn bè.
Mất 3 tháng để không gian đầy “cái tôi”, với nhiều sản phẩm tái chế sáng tạo, bộ sưu tập âm nhạc cá nhân và đầy đủ thiết bị từ rang xay đến hoàn thiện pha chế. Cùng lúc đó, anh nghiên cứu nguồn hàng, rang xay thử nghiệm.
Anh Giang đón mẻ hạt nhân xanh mới, hăng hái rang xay, thử nghiệm
Cuối cùng, tên quán. Giải thích cho việc chọn Donkey Roastery, anh nói :”Anh không muốn đặt một cái tên nghe cho oách. Anh muốn đặt cái tên buồn cười, nên chọn con vật có vẻ ngớ ngẩn và thân thiện là lừa”.
3/2024, Donkey Roastery Coffee ra đời.
Không gian văn minh “nhỏ mà có võ” cho những người yêu cà phê
Ở Donkey Roastery, họ bán cafe tươi, cafe rang xay cho các quán khác và chia sẻ trải nghiệm khám phá với bạn bè đồng điệu. Khác với phần lớn các xưởng rang khác, Donkey Roastery Coffee theo đuổi niềm vui giới thiệu hạt cà phê Việt cho bạn bè quốc tế và đem hạt cà phê được tuyển chọn từ nhiều nơi thế giới cho bạn bè Việt Nam thưởng thức.
Những hạt cà phê ngoại quốc thường sẽ do chính chủ quán tự thẩm định dựa trên sản phẩm chào hàng tận quán, hoặc chính anh vì yêu thích, sẽ tìm kiếm nguồn hàng mang về đây. Trên kệ, luôn xếp đầy những lựa chọn mới trong nước từ Lâm Đồng, Đắc Lắc đến Ethiopia; Costa Rica, Brazil, Papua New Guinea, Peru, Lào... với đầy đủ thông tin xuất xứ, đặc trưng hạt, cách sử dụng rõ ràng trên bao bì.
Hạt cafe rang mới, được đóng nguyên hạt hoặc xay, tùy theo yêu cầu của khách
Chia sẻ về định hướng phong phú hoá hạt cà phê, thay vì chọn lựa từ nguồn trong nước, anh Giang cho hay: “Ngày xưa, khi mới làm, hễ có lô cà phê Việt Nam mà ngon, tôi sẽ rang lên mời khách hàng. Và khi khách nhầm tưởng nguồn gốc ở Châu Phi, Otiopia, Kenya, cảm giác khẳng định xuất xứ Việt Nam là một điều gì tự hào lắm. Tuy nhiên, qua thời gian, tôi cũng dần thay đổi, cà phê đơn thuần là cà phê. Mọi hạt cà phê đều đáng trân trọng. Người Brazil làm cà phê cũng đáng trân trọng. Người Ethiopia làm cà phê cũng là những người nông dân như ở nước ta vậy. Nên tôi muốn phong phú hơn, chia sẻ sự rộng lớn của thế giới cà phê. Tuy nhiên, do có ưu ái đặc biệt với cà phê Việt Nam nên cà phê Việt vẫn chiếm khá nhiều so với các loại khác”.
Len - một thành viên của Donkey, cùng 2 vị khách chọn cà phê Arabica Núi Min và S16 Lâm Đồng làm quà về nước
Phần đông khách đến Donkey Roastery Coffee là những người “sành” và yêu cà phê, trong đó không thiếu các gương mặt quen trong cộng đồng, bạn bè từ các quán cà phê khác. Họ cùng nhau “trốn” về phòng thí nghiệm của Donkey Roastery Coffee, ngắm nhìn hạt nhân xanh với ánh mắt lấp lánh. Họ đứng sau máy rang, điều chỉnh tỉ lệ, thử nghiệm liên tục cho đến khi ra mẻ xay ưng ý nhất. Rồi pha chế, thưởng thức, trầm trồ trước sự phong phú của thế giới họ đang sống mỗi ngày. Đó là hạnh phúc giản dị, và cũng là niềm tự hào râm ran với nhân viên trẻ tuổi ở đây.
Len (2006) nhìn lại hành trình 6 tháng với quán: “6 tháng ở đây, em học được cách pha cà phê, rang cà phê và mở rộng kiến thức với thế giới đa dạng hơn. Tại Donkey, em biết được cùng loại cà phê có nhiều cách pha khác nhau, cho ra kết quả tương tự, thậm chí còn tốt hơn. Tệp khách ở không gian này là tệp khách có chuyên môn trong ngành cà phê, kỹ về hương vị. Hơn nữa, bọn em không cần marketing quá nhiều, chú trọng làm tốt việc của mình rồi mọi người tự đến. Thế nên, em cảm thấy mình đang được làm trong một bộ máy rất là “oai”.
Có điều gì đó thật đẹp khi anh Giang cùng đồng đội đứng sau máy rang, tinh chỉnh từng thông số, theo dõi những hạt cà phê chuyển màu, rồi lại tinh chỉnh cho thành phẩm tốt nhất.
Với những người yêu cà phê, không gì hạnh phúc bằng việc được sẻ chia. Đam mê cùng tâm huyết và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, Donkey Roastery Coffee lớn dần. Một cộng đồng nhỏ thành hình. Họ ghé thăm quán như ghé nhà bạn, trao đổi về cà phê, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Hàng tuần, Donkey Roastery có các buổi cupping, mời bạn bè cùng rang xay - pha - nếm - đánh giá. Nhiều bạn bè trong và ngoài nước, sung sướng khám phá sự kỳ thú của cà phê, lan tỏa niềm vui lao động.
Bằng hữu đồng điệu đến trải nghiệm những hạt cà phê mới về xưởng, trong một buổi cupping diễn ra hàng tuần
Dưới tán cây xanh sum suê mát lành, trong bản hoà thanh của tiếng chim và tiếng nhạc jazz du dương vọng ra từ chiếc máy Nakamichi, Donkey Roastery Coffee luôn ăm ắp câu chuyện rôm rả, mà phần lớn xoay quanh cà phê. Có lẽ, thứ hậu vị kéo dài mà anh Giang theo đuổi 15 năm trước chính là đây, niềm hạnh phúc giản dị, reo vui tí tách như tiếng hạt cà phê nổ trong máy rang mà anh Giang cùng đồng đội trân quý từng ngày.
Nếu một ngày đẹp trời, bạn muốn uống cà phê ngắm mảng xanh hiền hoà bên bờ sông Hồng, hay muốn tìm hiểu sâu hơn vào thế giới cà phê bao la, hãy ghé Donkey Roastery Coffee số 37 ngõ 139 Chương Dương Độ, Hà Nội.
Từ cà phê trứng đến cà phê cốt dừa: Khám phá văn hoá cà phê độc đáo tại Việt NamNổi tiếng với phong cảnh hữu tình và văn hoá độc đáo, Việt Nam còn được biết đến là một thiên đường cà phê. Trong...
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin