Dòng sông Trường Giang ở Quảng Nam trải dài hơn 70 km chạy song song với bờ biển thuộc địa phận các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành và nối liền hai cửa biển Kỳ Hà (huyện Núi Thành) với Cửa Đại (TP Hội An).
Theo các nhà nghiên cứu, sông Trường Giang có nguồn gốc từ các lạch triều, rồi chuyển dần thành đầm, phá, sau đó tạo ra dòng sông độc đáo, tuyệt đẹp như ngày nay.
Dòng sông Trường Giang bắt đầu từ nguồn nước của hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia đoạn qua xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên), cách Cửa Đại (thành phố Hội An) 5km ở phía bắc hoặc cũng như thế từ Cửa An Hòa, Cửa Lở (huyện Núi Thành) ở phía nam. Đầu phía nam nguồn nước cung cấp cho Trường Giang từ các sông Tam Kỳ, An Tân.
Vào mùa nắng hạn, dòng sông nông hay sâu phụ thuộc vào các cơn thủy triều của biển. Khi thủy triều dâng, hai đầu nước chảy nhẹ từ hướng nam ra bắc và từ hướng bắc vào nam. Con nước triều cường gặp nhau ở điểm giữa dòng sông tại địa phận huyện Thăng Bình và thành phố Tam Kỳ.
Khi nước ròng, sông Trường Giang chảy trở về theo hai phía như lúc nước lên. Tuy mùa khô phụ thuộc vào con nước lớn, nước ròng của biển nhưng sông Trường Giang chưa bao giờ cạn bởi mặt nước biển với nước của dòng sông đều cân đối trên cùng mặt phẳng.
Thời chúa Nguyễn cai trị ở Đàng Trong, giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn, dòng Trường Giang là tuyến đường thủy nội địa duy nhất để các ghe bầu, thuyền buôn cỡ nhỏ vận chuyển hàng hóa từ hải cảng Hội An nhộn nhịp, sầm uất vào trao đổi, mua bán tại nhiều địa phương phía nam. Các ghe, thuyền chở hàng hóa trên sông Trường Giang dễ dàng hơn so với việc vận chuyển trên biển bởi không có sóng xô giật. Trường Giang có nhiều bến sông để ghe thuyền neo đậu bán hàng nên dần dà hình thành các chợ ven sông.
Sông Trường Giang chứa trong lòng nguồn nước lợ nên các sinh vật biển theo con nước triều vào sinh sôi, nảy nở. Từ trên cao, các ao nuôi tôm, cá dọc hai bên bờ sông tạo nên bức tranh thủy mặc độc đáo.
Tháng 4/2022, Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam” với tổng vốn đầu tư hơn 2.748 tỷ đồng thực hiện nạo vét sông Trường Giang với tổng chiều dài tuyến luồng khoảng 60km từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa). Dự án thực hiện từ năm 2022-2027 tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ.
Sau khi dự án hoàn thành, du khách có cơ hội đi thuyền máy ngắm phong cảnh hữu tình, thưởng thức hải sản tươi ngon đánh bắt từ sông nước. Đi trên sông Trường Giang không chỉ để tận hưởng nguồn sinh thái hài hòa sông - biển mà còn trải nghiệm cùng một dòng sông đẹp như câu ca: “Quê hương ai vẽ nên tranh/ Trường Giang một dải nước xanh bốn mùa”.
Từ Bắc vào Nam, hai bên sông còn có những địa danh nổi tiếng: làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Bàn Thạch, làng khoai lang Trà Đỏa, làng chài lưới Tịnh Thủy, các làng nước mắm Cửa Khe, An Hòa, làng chài Tam Hải, bãi biển Tam Thanh, bãi Rạng Chu Lai…Lại có nhiều chợ quê sầm uất và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử như chợ Lạc Câu, chợ Bà, chợ Được, chợ Tây Giang, chợ Bến Đá nức tiếng trải qua thăng trầm lịch sử hàng trăm năm.
Trong quy hoạch phát triển khu kinh tế mở Chu Lai, vùng ven biển và dọc sông Trường giang, từ phía Đông sân bay Chu Lai đến thành phố Tam Kỳ và kéo dài đến tận Hội An sẽ là các khu du lịch sinh thái cao cấp, các làng nghề được xây dựng theo phương châm thân thiện với môi trường.
Hiện nhiều nhà đầu tư trong nước đang triển khai nghiên cứu mở các tour du lịch sông nước và tìm hiểu văn hóa các làng nghề dọc sông Trường Giang xuất phát từ Hội An và Tam Kỳ hoặc cảng Kỳ Hà. Du khách có dịp đi dọc sông Trường Giang bằng ghe máy du khách có cơ hội khám phá miền sông nước trong lành, yên tĩnh và cảnh quan tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin