Một công ty ở Bắc Giang đề xuất 3 tỉnh miền Tây chi 1.500 tỷ đồng để cùng với 3.300 tỷ đồng của doanh nghiệp để đầu tư xây dựng trạm bơm nước thô và hệ thống ống truyền tải cho Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Sáng 2/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cùng lãnh đạo nhiều sở, ngành làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) để nghe đại diện doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án Trạm bơm nước thô vùng Tây Nam sông Hậu và hệ thống ống truyền tải cung cấp nguồn nước thô cho 3 tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng.
Theo lãnh đạo DNP Water, năm 2021, doanh nghiệp đã gửi đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án “Nhà máy nước mặt sông Cái Lớn và hệ thống tuyến ống truyền tải” đến UBND 3 tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng với mục tiêu ban đầu là đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn, thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức gây tình trạng sụt lún tại khu vực.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu DNP Water đánh giá giải pháp đề xuất tại thời điểm đó chưa đảm bảo yếu tố an toàn nguồn nước, chưa đảm bảo điều kiện về pháp lý và quy hoạch để triển khai thực hiện. Việc xây dựng nhà máy xử lý và bán buôn nước sạch trong giai đoạn này cũng chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương do chưa kế thừa được hạ tầng và nguồn lực hiện có của các đơn vị cấp nước hiện hữu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp nghe đề xuất của lãnh đạo DNP Water. Ảnh: Duy Khang.
Hiện nay, DNP Water đánh giá là thời điểm thích hợp để đề xuất một giải pháp mới mang tính dài hạn và bền vững cho vấn đề nước sạch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nói riêng dựa trên một số tiền đề quan trọng.
Cụ thể là quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 287/QĐ- TTg ngày 28/2/2022, tạo hành lang pháp lý quan trọng để hiện thực hóa việc triển khai thực hiện dự án. Tiền đề tiếp theo là giải pháp khai thác và truyền dẫn nguồn nước thô tương tự được DNP Water đề xuất cho địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang – Long An – Bến Tre đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho phép điều chỉnh cục bộ trong quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL và được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2023. Dự án này được dự kiến khởi công trong quý II/2025 và hoàn thành trong quý II/2026.
Từ những tiền đề trên, DNP Water có đề xuất mới là đầu tư Công trình thu - Trạm bơm nước thô đặt tại thượng nguồn sông Hậu, khu vực an toàn về rãnh mặn, và Hệ thống tuyến ống truyền tải kín liên vùng tỉnh, dẫn nước thô đến các nhà máy xử lý nước sạch hiện hữu và tương lai trên địa bàn Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau. Tối ưu trong đề xuất này là kế thừa toàn bộ hạ tầng, nguồn lực hiện có, tránh việc phải dừng hoạt động của các nhà máy xử lý nước hiện hữu, tránh lãng phí tài sản và xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị cấp nước.
Quy mô về công trình, trạm bơm của dự án được DNP Water đề xuất.
Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ trực tiếp đầu tư trạm bơm và các tuyến ống truyền tải chính đến khu vực trung tâm mỗi tỉnh. Các tỉnh sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư tuyến ống kết nối tiếp theo đến các nhà máy nước trên địa bàn. Giai đoạn đầu của dự án, nguồn nước thô được khai thác trên sông Cần Thơ đoạn gần ngã 3 nối kênh xáng Xà No về phía thượng nguồn. Các giai đoạn tiếp theo, tùy tình hình diễn biến xâm nhập mặn, điểm thu nước sẽ được dịch chuyển dần lên phía thượng nguồn sông Hậu tại các khu vực Ô Môn - Cần Thơ, Thốt Nổi – Cần Thơ, Châu Đốc - An Giang,
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4.800 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp là 3.300 tỷ đồng, phần hệ thống kết nối do ngân sách các tỉnh tự đầu tư là 1.500 tỷ đồng (Sóc Trăng 500 tỷ, Bạc Liêu 200 tỷ, Cà Mau 800 tỷ đồng). Công suất giai đoạn này của dự án là 300.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt và sản suất cho 3 tỉnh đến năm 2037; công suất giai đoạn 2 của dự án là 600.000 m3 ngày đêm và dự phòng mở rộng đến 100.000 m3/ngày đêm.
Về tiến độ dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 của dự án trong quý I/2028, giá bán buôn nước thô dự kiến khởi điểm năm đầu tiên là 3.500 đồng/m3. Theo đó, giá nước sạch đầu ra tại các địa phương cơ bản điều chỉnh nhỏ, không khác biệt lộ trình hiện có, hải hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo lợi ích cao nhất cho người dân, đảm bảo ý nghĩa an sinh xã hội của dự án.
Hệ thống ống truyền tải do doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư đã được DNP Water đưa ra trong đề xuất.
Sau khi trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp và các sở, ngành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp thấy rằng DNP Water là công ty quy mô lớn, uy tín và có nhiều thực tiễn kinh nghiệm trong ngành nước. Vì vậy, các đề xuất của công được các sở, ngành đánh giá là phù hợp, cần thiết đối trong giai đoạn thiếu nước sạch như hiện nay. Từ đó, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng ủng hộ đề xuất của DNP Water.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng Sóc Trăng làm đầu mối trong việc xem xét dự án, phối hợp với các ngành, các tỉnh để họp bàn phương án, lộ trình, giá cả cụ thể.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin