Các bài viết của thí sinh đã khắc họa nên bức tranh toàn cảnh về thành phố. Ở đó hiện lên một đô thị Sài Gòn-TP.HCM vừa hiện đại, vừa giàu trầm tích văn hóa, lịch sử với hơn 300 năm hình thành và phát triển.

Các bài viết của thí sinh đã khắc họa nên bức tranh toàn cảnh về thành phố. Ở đó hiện lên một đô thị Sài Gòn-TP.HCM vừa hiện đại, vừa giàu trầm tích văn hóa, lịch sử với hơn 300 năm hình thành và phát triển.

Sài Gòn-TP.HCM là nơi hội tụ của những người con từ khắp mọi miền đất nước. Ban đầu, họ có thể đến đây vì mưu sinh, học tập, lập nghiệp... nhưng rồi họ đã "phải lòng" mảnh đất này và quyết định gắn bó, cống hiến để xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp.

Có thể nói, Sài Gòn-TP.HCM là thành phố của những hoài bão, khát vọng cống hiến của các thế hệ, từ những người đi trước đến thế hệ trẻ ngày nay. Và cho đến bây giờ, Sài Gòn-TP.HCM vẫn luôn là mảnh đất lành, nơi chắp cánh cho những ước mơ.

Phát động từ tháng 10/2023, cuộc thi viết "Thành phố của tôi" do Báo Phụ nữ TP.HCM phối hợp với Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tổ chức nhằm tôn vinh những thành tựu rực rỡ về kinh tế, xã hội, văn hóa, những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng làm thay đổi diện mạo thành phố, những di sản văn hóa-lịch sử quý giá, và đặc biệt là những con người bình dị nhưng đầy nhiệt huyết, những người đã góp phần tạo nên một Sài Gòn-TP.HCM năng động và nghĩa tình.

Cuộc thi viết 'Thành phố của tôi': Khát vọng xây dựng TP.HCM giàu đẹp hơn - 1

Sau gần 2 năm diễn ra, cuộc thi đã nhận được hơn 1.000 bài viết từ các tác giả trong và ngoài nước, đa dạng về đề tài, câu chuyện, nhân vật cùng nhiều cảm xúc được gửi gắm.

Vào sáng ngày 28/3, Ban Tổ chức cuộc thi đã tổ chức lễ tổng kết trao giải, vinh danh 16 tác giả có tác phẩm xuất sắc.

Thay mặt Ban giám khảo, bà Lý Việt Trung – Tổng Biên tập báo Phụ nữ TP.HCM, cho biết, khi phát động cuộc thi vào tháng 10/2023, Ban tổ chức mong muốn tìm thấy tiếng nói của những người con thành phố, từ những người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, đến những người từ mọi miền đất nước chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra - hơn 1.000 câu chuyện từ khắp mọi nơi đổ về, như những mảnh ghép tâm hồn, cùng nhau tạo nên bức tranh toàn cảnh về một thành phố không chỉ hiện đại, năng động mà còn chan chứa tình người. Hơn 1.000 bài dự thi đã gửi về, mỗi bài một góc nhìn, một câu chuyện, nhưng đều chung một tình cảm: sự tự hào, lòng biết ơn và khát vọng góp phần xây dựng TP.HCM ngày càng đẹp hơn.

"Trong bài viết của một tác giả dự thi có câu: “Sài Gòn không phải nơi tôi sinh ra, nhưng là nơi tôi chọn để yêu thương”. Có lẽ, đó chính là thông điệp đẹp nhất của cuộc thi này - một tình yêu không cần biên giới, không phân biệt quá khứ hay hiện tại, chỉ cần trái tim rung động trước nhịp sống hào sảng của thành phố này” - bà Lý Việt Trung chia sẻ.

Cuộc thi viết 'Thành phố của tôi': Khát vọng xây dựng TP.HCM giàu đẹp hơn - 2

Giao lưu với các tác giả và nhân vật có các tác phẩm đoạt giải

Là tác giả đoạt giải nhất cuộc thi với tác phẩm Cảm ơn vì để tôi bước vào trái tim bạn!, ông Ray KusChert cho biết, khi mới đến Việt Nam, điều đầu tiên ông cảm nhận được là cái nóng oi ả và sự náo nhiệt của sân bay. Giữa khung cảnh ấy, ông bắt gặp một cô gái Việt Nam đội nón lá. Khoảnh khắc cô ngẩng đầu mỉm cười, mọi lo lắng trong ông tan biến, thay vào đó là cảm giác thân thuộc, như thể ông đã tìm thấy nơi thuộc về mình. Đến nay, sau hơn 13 năm gắn bó với TP.HCM, điều gì khiến ông xúc động nhất là giữa những bộn bề, xô bồ của thành phố, cộng đồng người dân nơi đây chính là điều đặc biệt nhất, thứ mà ông chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác.

Có mặt tại lễ trao giải, bác sĩ Trần Kiều Miên nhân vật trong tác phẩm đoạt giải nhì "Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh", xúc động chia sẻ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - cha của bà đã nêu ra ý tưởng đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1946 và nhận được sự tán thành của nhiều nhân sĩ miền Nam yêu nước.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006) là người đã cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng xây dựng nền dân y miền Nam từ giữa năm 1947. Năm 1956, ông là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ y tế trung ương. Với những cống hiến của mình, ông được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động.

"Cha mẹ tôi đều là người Bến Tre. Tuổi thơ của tôi gắn liền với đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tôi đã ra Bắc và học tập, trưởng thành, trở thành một bác sĩ từ năm 1954 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, tôi đứng trước ngã rẽ sự nghiệp. Với lòng nhiệt huyết muốn cống hiến cho miền Nam, tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là trở về quê hương. Gia đình tôi có ba chị em, chị cả học ở Nga, em gái học ở nước ngoài, còn tôi chọn ngành y trong những năm chiến tranh ác liệt (1967-1968). Tôi chỉ mong tìm được con đường nhanh nhất để trở về miền Nam" - bác sĩ Trần Kiều Miên nói.

Trong quá trình giảng dạy, bác sĩ Kiều Miên nhận thấy vấn đề loét dạ dày tái phát liên tục. Đến năm 1994, tại một hội nghị tiêu hóa ở Sydney, bà biết đến vai trò của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) trong các bệnh lý dạ dày. Cùng với giáo sư Phạm Viết, bác sĩ Kiều Miên quyết định nghiên cứu về HP. Giáo sư Viết đã tìm ra phương pháp pha chế mẫu xét nghiệm HP tại Đại học Sydney. Cả hai đã thành công trong việc sản xuất mẫu xét nghiệm HP tại Đại học Y Dược TP.HCM và chuyển giao công nghệ cho Hà Nội, Đà Nẵng, Huế. Đây là niềm tự hào của TP.HCM.

Cuộc thi viết 'Thành phố của tôi': Khát vọng xây dựng TP.HCM giàu đẹp hơn - 3

Giải Nhất thuộc về tác giả Ray KusChert.

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác giả Ray KusChert với tác phẩm "Cảm ơn vì đã để tôi bước vào trái tim bạn!".

02 giải Nhì thuộc về các tác giả: Trần Quốc Vĩnh với tác phẩm "Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh"; Diễm Mi với tác phẩm "Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ".

Cuộc thi viết 'Thành phố của tôi': Khát vọng xây dựng TP.HCM giàu đẹp hơn - 4

Các tác giả đoạt giải Nhì nhận bằng khen và những bó hoa tươi thắm từ BTC.

03 giải Ba thuộc về các tác giả: Nguyễn Văn Mỹ với tác phẩm "Vĩnh Lộc như quê mẹ của tôi"; Bùi Thị Đồng Dao với tác phẩm "Tươi tắn dòng kênh xanh Nhiêu Lộc"; Huỳnh Trương Phát với tác phẩm "Như một lời tri ân".

Cuộc thi viết 'Thành phố của tôi': Khát vọng xây dựng TP.HCM giàu đẹp hơn - 5

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch công ty du lịch Lửa Việt Tours (thứ hai từ phải qua) cùng các tác giả khác vui mừng nhận giải Ba cuộc thi.

Cùng 10 giải Khuyến khích được trao cho các tác giả có tác phẩm phản ánh tâm tư, tình cảm, sự yêu mến lớn lao dành cho thành phố hào sảng, nghĩa tình.

Cuộc thi viết 'Thành phố của tôi': Khát vọng xây dựng TP.HCM giàu đẹp hơn - 6

10 tác giả đoạt giải Khuyến khích nhận bằng khen và hoa từ BTC.

Từ các bài viết, Ban Tổ chức thấy được một bức tranh toàn cảnh về thành phố. Ở đó hiện lên một đô thị Sài Gòn-TP.HCM vừa hiện đại, vừa giàu trầm tích văn hóa, lịch sử với hơn 300 năm hình thành và phát triển.

Đồng thời, các bài viết cũng cho thấy sự nghĩa tình, thương yêu giữa những người dân sống tại thành phố, dù xa lạ hay thân quen. Trên hè phố, không khó để bắt gặp những bình nước uống mát lành đặt gọn bên đường, hay những hộp xôi nghĩa tình, những ổ bánh mì 0 đồng... được chuyền tay, lót lòng nhau qua cơn đói. Cũng tại thành phố này, không thiếu những cá nhân sẵn sàng nhường "tấc đất, tấc vàng" mở rộng lối đi cho cả khu phố, dù có khi, bấy nhiêu vốn liếng ấy là của để dành, tích cóp cả cuộc đời.

Với số lượng và chất lượng các tác phẩm gửi về cho cuộc thi, Ban Tổ chức vui mừng vì nhận được sự tin tưởng của bạn đọc, cũng như thấy được tình cảm lớn lao của rất nhiều người dành cho thành phố mang tên Bác.

Ở cột mốc 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc thi viết "Thành phố của tôi" như một mảnh ghép nhỏ hòa vào niềm vui chung của thành phố và cả nước. Để lưu lại những kỷ niệm đẹp đẽ này, Ban Tổ chức đã chọn lựa, in một số tác phẩm đoạt giải trong cuốn sách "Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố của tôi" do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành.

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: