Khách đạo Hồi đến từ Ấn Độ, Malaysia hay Trung Đông được đánh giá là mỏ vàng với du lịch Việt, nhưng phục vụ nhóm khách này cần những tiêu chuẩn đặc thù. - VnExpress

Theo CrescentRating, tổ chức nghiên cứu về du lịch Halal (du lịch Hồi giáo) có trụ sở tại Singapore, có khoảng 140-160 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo trên toàn cầu năm 2023, chiếm hơn 11% trong 1,3 tỷ lượt khách du lịch. Thị trường du lịch Hồi giáo sẽ đạt 230 triệu lượt vào năm 2028 và chi khoảng 225 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn Trung Quốc - thị trường đứng đầu thế giới về chi tiêu cho du lịch nước ngoài năm 2023 với 196,5 tỷ USD, theo UN Tourism.

Tại Hội chợ du lịch quốc tế TP HCM đầu tháng 9, các chuyên gia đánh giá thị trường Halal có nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao, vị trí gần Việt Nam, dư địa khai phá rộng nhưng còn mới mẻ với nhiều doanh nghiệp trong nước. Người dân theo đạo Hồi chiếm 25% dân số thế giới, tập trung đông ở khu vực châu Á (62%), trong khối ASEAN, Indonesia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất.

Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia, khách Halal đến Việt Nam là công dân từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, các nước Trung Đông. Tổng lượng khách từ các thị trường này trong năm 2023 đạt khoảng 1,5 triệu lượt, chiếm gần 12% trong 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal quốc gia Việt Nam, cho biết dòng khách Halal đặc thù, đòi hỏi các dịch vụ đạt chứng nhận Halal - tiêu chuẩn dựa trên đạo luật của Hồi giáo, từ lưu trú, ăn uống đến sinh hoạt, do khác biệt về văn hóa và tôn giáo.

vnexpress-halalstreet6-1581924-6281-3178-1725696779.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zwmbiCRARPtTcuorUiIqxw

Du khách Halal dạo chơi tại "Saigon Halal street" - đường Nguyễn An Ninh đối diện cửa Tây chợ Bến Thành. Ảnh: Dy Khoa

Chứng nhận Halal hợp lệ được cấp bởi tổ chức được Hội đồng Halal Thế giới (WHC - World Halal Council), thành lập tại Jakarta, Indonesia năm 1999. Theo WHC, Đông Nam Á có Jakim là một trong những cơ quan cấp chứng nhận Halal uy tín. Tuy nhiên, chứng nhận chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống, các tiêu chí về chỗ ở, đi lại, tour hiện mới ở mức thân thiện với cộng đồng Hồi giáo.

"Những yêu cầu khắt khe theo luật Hồi giáo của dòng khách Halal là thách thức với doanh nghiệp du lịch Việt". ông Hosen Yousof, Giám đốc công ty Halaltrip.vn, nói. Ông cho biết khách Hồi giáo có 4 khác biệt chính so với các thị trường khác gồm không gian và thời gian thực hiện nghi lễ cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, yêu cầu ăn uống đặc thù, quy tắc tham gia các hoạt động giải trí và tránh du lịch vào tháng Ramadan.

Đại diện Sở Du lịch TP HCM đánh giá dòng khách Hồi giáo có tiềm năng lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu cho các hoạt động du lịch. Hiện, thành phố chưa chia dòng khách theo tôn giáo nhưng luôn khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ bổ sung bếp ăn theo thực đơn Halal để phục vụ khách Hồi giáo.

TP HCM có những khu vực chuyên kinh doanh các dịch vụ Halal, hình thành cách đây hơn 20 năm. Đường Nguyễn An Ninh đối diện cửa Tây chợ Bến Thành, dài hơn 100 m, được gọi là "Saigon Halal street". Trong khu vực chợ Bến Thành cũng có đường Thủ Khoa Huân, Trương Định quy tụ nhà hàng, quán ăn, cửa hàng trang phục Hồi giáo, thu hút du khách từ các nước theo đạo Hồi đến thưởng thức ẩm thực và mua sắm. TP HCM cũng có 14 thánh đường Hồi giáo, trong đó 4 thánh đường nằm ở khu vực trung tâm quận 1, quận Bình Thạnh, Phú Nhuận và quận 5 tiện đường cho khách du lịch đến cầu nguyện. Khu vực xung quanh các nhà thờ Hồi giáo thường có các nhà hàng, quán ăn phục vụ món Halal.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại điểm du lịch quen thuộc với khách Hồi giáo như TP HCM vẫn chưa đủ đáp ứng. Hệ thống sân bay trên cả nước chỉ có một phòng cầu nguyện và ẩm thực dành cho người Hồi giáo tại Tân Sơn Nhất với sức phục vụ 70 khách. Khảo sát trên Tripadvisor, 32 trên gần 5.000 cơ sở ăn uống ở TP HCM có chứng nhận đạt chuẩn Halal.

Ông Hosen Yousof cho rằng để kéo dòng khách tiềm năng này, các điểm lưu trú cần có chuyên gia người Hồi giáo đào tạo nhân viên những quy chuẩn thân thiện với khách Halal. Điểm du lịch cần thêm nhà hàng có dấu chứng nhận Halal. Sân bay, trung tâm mua sắm, điểm vui chơi giải trí có thể cung cấp thêm phòng cho khách cầu nguyện. Những khu nghỉ dưỡng có spa, hồ bơi riêng biệt cho nam và nữ là một lợi thế.

Ông Trần Văn Tân Cương đánh giá văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ du khách từ các quốc gia đạo Hồi. Hiểu được các sắc thái văn hóa và truyền thống của khách có thể giúp các doanh nghiệp điều chỉnh dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường này. Ông Cương gợi ý các doanh nghiệp du lịch có thể kết hợp các yếu tố văn hóa vào dịch vụ như thêm biển báo tiếng Ả Rập, thảm cầu nguyện trong phòng nghỉ hướng về Mecca (hướng Tây Nam).

imgp2086-jpg-1581922649-4910-1-7932-5189-1725696779.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=R6zehX5j7RFrVcIvijjuYg

Nhà hàng ở quận 1, TP HCM phục vụ món ăn Halal với đội ngũ nhân viên là người Chăm theo đạo Hồi. Ảnh: Tâm Linh

Ông Hosen Yousof cho biết các nước Đông Nam Á đang tích cực nhắm đến dòng khách Halal. Thái Lan và Singapore phân loại cơ sở ăn uống đạt chuẩn Halal để phục vụ dòng khách Hồi giáo. Tại Thái Lan, có khoảng 3.500 điểm ăn uống đạt chứng nhận Halal, Michelin cũng phân loại các nhà hàng Halal ở xứ chùa Vàng để khách nhận biết. Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2027 đón 80 triệu khách quốc tế, trong đó 1/3 là khách Hồi giáo. Tại Singapore, tất cả nhà hàng bán đồ ăn nhanh như chuỗi McDonald's được cấp chứng nhận Halal bởi Hội đồng Hồi giáo Singapore.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng Giám đốc Vietravel, cho hay đơn vị này đánh giá cao tiềm năng của thị trường du lịch Halal và đang triển khai những dịch vụ dành riêng cho khách Hồi giáo.

"Công ty thiết kế các tour du lịch riêng đảm bảo yêu cầu về ẩm thực Halal", bà Hoàng nói và cho biết lịch trình tour thường sắp xếp thời gian khách cầu nguyện, lựa chọn các địa điểm tham quan phù hợp với đạo Hồi, chọn điểm lưu trú là khách sạn có chứng nhận tiêu chuẩn Halal, hướng dẫn viên là người am hiểu văn hóa Hồi giáo hoặc là theo tôn giáo này.

Bích Phương

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: