Thứ nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi, bất ngờ được anh chàng làm nghề bất động sản biến thành sản phẩm thời trang xanh, phụ kiện nội thất sạch, xuất khẩu sang thị trường khó tính Pháp, Mỹ. Qua đó, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập từ nông sản quê hương.
Đưa sản phẩm từ xơ mướp ra thế giới
Những ngày gần giữa tháng 10, CEO Nguyễn Phú Tùng (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Công ty cổ phần Loofaa) cùng các cộng sự vẫn miệt mài sang nước bạn Campuchia tìm thêm nguyên liệu xơ mướp để làm sản phẩm vì đang có nhiều đơn hàng từ nước ngoài.
“Nguyên liệu vẫn là khó khăn lớn nhất từ lúc bắt đầu khởi nghiệp cho đến tận bây giờ cũng vậy. Hiện có nhiều đơn hàng từ nước ngoài nhưng đang thiếu nguyên liệu để sản xuất nên phải qua tận Campuchia để liên kết hợp tác”, CEO Nguyễn Phú Tùng mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.
CEO Nguyễn Phú Tùng cùng cộng sự sang Campuchia tìm thêm nguyên liệu xơ mướp
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, CEO này cho biết, trước đây anh có sẵn quỹ đất, thấy bỏ trống nên anh quyết định trồng nông sản. Trong quá trình này anh cũng nghiên cứu tìm hiểu các sản phẩm thân thiện với môi trường do các sản phẩm này thường được mọi người yêu mến.
Trải qua nhiều loại nông sản từ chuối, dừa, mướp,.. Khi thấy trái mướp có nhiều tác dụng hữu ích trong cuộc sống, dễ trồng, nguồn nguyên liệu dồi dào nên anh quyết định lựa chọn đầu tư lâu dài cùng loại nông sản này.
Và xơ của trái mướp được anh và cộng sự biến thành những sản phẩm thời trang xanh, vật dụng nhà bếp, phòng khách sạch đẹp, thân thiện mới môi trường. Tuy nhiên. không có sự khởi đầu nào là dễ dàng.
Xơ mướp đã được tách và phơi khô.
Túi xách bằng xơ mướp được thực hiện rất cầu kỳ, tỉ mỉ.
CEO Nguyễn Phú Tùng cùng chiếc mũ thời trang làm bằng xơ mướp.
Ban đầu, anh Tùng và cộng sự gặp không ít khó khăn trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ xơ mướp. Với mỗi sản phẩm, anh phải tìm hiểu kỹ lưỡng về quy trình xử lý xơ mướp để đảm bảo độ bền, độ mềm mại và tính thẩm mỹ.
Nhờ tinh thần kiên trì và sáng tạo, anh đã tìm ra các phương pháp xử lý xơ mướp tự nhiên và cắt gọt theo khuôn mẫu để tạo ra những sản phẩm đầu tiên.
“Tôi bắt đầu nghiên cứu cũng từ năm 2019-2020, quá trình bắt đầu khởi nghiệp với xơ mướp này, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Khó khăn khăn lớn nhất nguyên liệu còn thiếu, kỹ thuật trồng mướp cũng chưa tối ưu. Đến hiện tại nguyên liệu vẫn còn gặp khó khăn”, anh Tùng cho hay.
Nhân viên đang may sản phẩm thời trang bằng xơ mướp.
Một đôi dép bằng xơ mướp có tính thẩm mỹ cao.
Sản phẩm đầu tiên từ xơ mướp là dép, túi xách, mũ và các vật dụng nhà tắm, nhà bếp. Mặc dù làm ra sản phẩm nhưng lúc đó chưa có khách hàng nào nên anh Tùng phải nhờ người quen, các mối quan hệ bạn bè từ trong nước đến nước ngoài để giới thiệu, marketing sản phẩm. Khi khách hàng thích thì anh sẽ gửi qua để thử nghiệm đánh giá và nhờ họ đi giới thiệu sản phẩm giúp.
Phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, tìm tòi học hỏi từ nhiều nguồn, trải qua nhiều gian khó, tình hình mới được cải thiện.
Sau khi sản phẩm ổn định, cuối năm 2023, anh cùng các cộng sự bắt tay vào thành lập công ty, mở rộng sản xuất đại trà để tung ra thị trường.
Giúp nông dân tăng thu nhập nhờ xơ mướp
Về quá trình sơ chế mướp trước khi tạo ra sản phẩm chất lượng, tính thẩm mỹ, anh Bùi Trung Khải - Giám đốc sản xuất của Công ty cổ phần Loofaa (cộng sự đắc lực của CEO Nguyễn Phú Tùng) chia sẻ: "Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu được sản xuất thủ công. Mướp sau khi thu hoạch sẽ được ngâm và rửa qua nước 3 lần để bóc sạch lớp xơ. Nước ngâm rửa tuyệt đối không dùng hóa chất. Sau đó, xơ mướp được phơi khô và ép lại để làm nguyên liệu. Sau khi có nguyên liệu, công nhân sẽ tiến hành cắt, may theo các khuôn mẫu để cho ra sản phẩm hoàn thiện".
Còn về tính thẩm mỹ của các sản phẩm làm bằng xơ mướp, CEO Nguyễn Phú Tùng cho hay sẽ nhận ý kiến góp ý tư vấn về các mẫu mã sản phẩm từ mọi người. Đặc biệt, để lựa chọn mẫu mã phù hợp nhất anh đã phát động cuộc thiết kế sản phẩm làm từ xơ mướp trong nội bộ công ty và cũng nhờ cuộc thi này đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm thời trang ấn tượng như túi xách, mũ,...
Còn về chất lượng sản phẩm, anh cho rằng phải để cho khách hàng đánh giá là khách quan nhất.
Túi xách thời trang ấn tượng được làm bằng xơ mướp.
Sản phẩm thời trang từ xơ mướp của Việt Nam đã xuất hiện tại nước ngoài.
Thay vì coi xơ mướp là phế phẩm, anh Tùng nhìn thấy tiềm năng để biến nó thành các sản phẩm tiêu dùng xanh và có tính thẩm mỹ cao. Bắt đầu với quy mô nhỏ, Tùng và các cộng sự đã hợp tác với các hộ nông dân để trồng và thu mua xơ mướp, đồng thời tạo việc làm cho họ trong quá trình sản xuất.
Hiện công ty anh cũng đang liên kết với khoảng 8 hộ nông dân trồng mướp, mỗi hộ 1 - 2 hecta diện tích trồng. Hộ nông dân nào trồng mướp khoảng 1 hecta thì anh cam kết thu mua với giá 5.000 đồng/trái. Trung bình 6 tháng sẽ có 1 vụ, mỗi vụ sẽ cho ra khoảng 25.000 – 30.000 trái.
Mặc dù hơi nặng về chi phí trồng mướp trong vụ đầu nhưng từ vụ tiếp theo đã có khung giàn sẵn nên chi phí giảm xuống, từ đó dùng chi phí hỗ trợ người nông dân để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.
Việc cùng nông dân phát triển nông sản địa phương không chỉ giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị của tài nguyên tự nhiên và vai trò của họ trong chuỗi cung ứng xanh.
CEO Nguyễn Phú Tùng cùng nông dân thăm vườn mướp chuẩn bị thu hoạch.
Giám đốc sản xuất Bùi Trung Khải (trái) cùng CEO Nguyễn Phú Tùng kiểm tra vườn mướp.
Nhờ sự sáng tạo và chiến lược marketing hiệu quả, các sản phẩm từ xơ mướp của CEO Nguyễn Phú Tùng và cộng sự đã dần chinh phục được thị trường. Không chỉ tiêu thụ trong nước, anh còn tìm kiếm các đối tác và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Pháp, Mỹ, Hồng Kông,... nơi nhu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường đang tăng cao.
Để duy trì sự khác biệt của sản phẩm từ xơ mướp trước sự cạnh tranh trên thị trường, anh và các cộng sự đã không ngừng cải tiến chất lượng đến mẫu mã của sản phẩm.
Xơ mướp không chỉ được dùng sản xuất các sản phẩm gia dụng mà còn tận dụng thay giấy vẽ tranh.
Một loạt các sản phẩm mới từ xơ mướp đã ra đời, từ miếng lót nồi, dép đi trong nhà, túi xách thời trang cho đến đồ nội thất. Những sản phẩm này không chỉ được đánh giá cao về tính thẩm mỹ mà còn khẳng định tính bền vững, dễ phân hủy và an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
“Do mướp dễ trồng, cho ra nhiều trái và đặc biệt khi sơ chế không dùng bất kỳ loại hóa chất nào, thân thiện với môi trường nên chúng tôi có thể tự tin cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường quốc tế. Ngay cả phụ kiện đi kèm trong sản phẩm là sợi dây treo cũng được làm bằng nguyên liệu tự nhiên sợi dây đay, đây là điều khác biệt”, CEO Nguyễn Phú Tùng chia sẻ.
Lần đầu Việt Nam sản xuất vải từ lá dứa quy mô lớn, 1 triệu tấn lá cho ra 18 tấn tơ, nông dân hưởng lợiĐây là thành tựu đặc biệt không chỉ với ngành dệt may mà còn mang lại sự phát triển của ngành nông sản Việt Nam, từ...
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin